Trong vòng hai tuần lễ sau khi tuyên bố tranh cử tổng thống Nga đầu năm 2012, Thủ tướng Vladimir Putin sẽ chuẩn bị tới Bắc Kinh. Kremlin thường coi trọng tính biểu trưng chính trị, còn các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ muốn che giấu tình cảm của họ với Putin. Các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh từ 11-12/10 sẽ thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế.

Hợp tác năng lượng, khía cạnh quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga, chắc chắn sẽ là tâm điểm của chuyến thăm này. Tuy nhiên, với việc "cùng phủ quyết" về Syria tại Hội đồng Bảo an LHQ mới đây, quan hệ đối tác Trung - Nga dường như phảng phất hương vị mới. Hai nước chưa từng có mối quan tâm chung như vậy về Trung Đông hay thể hiện một ý chí chung để bảo vệ các lợi ích của họ trong khu vực.

Ảnh: innworldreport.net

Tuy nhiên, hợp tác năng lượng vẫn là tâm điểm chương trình nghị sự của ông Putin, và thực sự là động lực thúc đẩy mối quan hệ phức tạp Nga - Trung. Một thỏa thuận về khí đốt sẽ có tác động lớn, nhưng Nga đặt nhiều mong chờ hơn nữa vào chuyến công du của vị Thủ tướng, kể từ khi học giả hàng đầu tại Moscow về đối thoại năng lượng với Trung Quốc, giáo sư Igor Tomberg, gần đây viết: "Bán nguyên liệu thô không có gì để làm với quan hệ đối tác chiến lược".

Ông chỉ ra rằng, các công ty năng lượng của Nga tới nay chỉ có thể tiến vào thị trường Trung Quốc "rời rạc và rất chậm chạp". Đưa ra một đề xuất "dũng cảm", Tomberg bóng gió rằng, Moscow có thể linh hoạt về giá khí đốt cung cấp để tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc. Ông thừa nhận "đây là sứ mệnh to lớn không chỉ về chính trị mà còn về kỹ thuật" đồng thời đòi hỏi "sự hài hòa trong lợi ích giữa hai quốc gia về an ninh năng lượng".

Trong khi đó, quan hệ Nga - Mỹ đang xuất hiện những rạn nứt mới xung quanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa. Chính quyền Obama mới đây thông báo về việc Mỹ sẽ bố trí các tàu tuần dương trang bị hệ thống Aegis tại bờ biển của Tây Ban Nha. Điều này theo sát đề xuất triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai năm trước, khi quyết định "thiết lập lại" quan hệ với Nga, Tổng thống Mỹ Obama cam kết sẽ xem xét lại kế hoạch tên lửa phòng thủ, và giờ đây, ông lại theo đuổi kế hoạch này với quan điểm hoàn thành hệ thống vào năm 2020.

Moscow đã nhanh chóng phản ứng. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố lên án thỏa thuận với Tây Ban Nha và đe dọa ngừng mọi hợp tác với Mỹ. Họ cáo buộc động thái của Mỹ với Tây Ban Nha là "không thảo luận tập thể". Vấn đề phòng thủ tên lửa đã ngày càng trở nên lớn hơn sau tranh cãi giữa Nga và phương Tây. Mỹ đang đưa Nhật Bản và Hàn Quốc vào hệ thống lá chắn tên lửa. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì chính thức mời New Delhi (đầu tháng 9) trở thành một "đối tác" trong chương trình tên lửa đạn đạo.

Theo giới phân tích, Trung Quốc có thể gia tăng sự "đồng cảm" với Nga về lá chắn tên lửa. Khi việc tái lập quan hệ Mỹ - Nga mới ở giai đoạn "chập chững" và các cuộc thương thảo về lá chắn tên lửa bắt đầu nóng lên, rất có thể Moscow và Bắc Kinh thấy sự cần thiết có phản ứng chính trị thích hợp trước một thách thức chung.

Hơn thế nữa, mối quan tâm an ninh "chồng lấn" của Nga và Trung Quốc gần như trùng hợp với động thái gần đây của chính quyền Obama về việc làm sống lại chiến lược "Trung Á lớn hơn". Washington giờ đây gọi đó là dự án "Con đường Tơ lụa" và mở rộng phạm vi bao gồm các đồng minh châu Âu của Mỹ bằng cách liên kết nó với sự ổn định của Afghanistan, nơi NATO đóng vai trò chủ chốt. Dự án "Con đường Tơ lụa" có định hướng tương tự với chiến lược "Trung Á lớn hơn" của cựu Tổng thống George W.Bush - để hạn chế ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại Trung Á. Thoạt nhìn, cả Moscow và Bắc Kinh sẽ gặp khó khi đối phó với dự án của Obama kể từ khi dự án được châu Âu ủng hộ và có vẻ liên quan tới sự ổn định của Afghanistan.

Washington hy vọng xây dựng sự đồng thuận quốc tế có lợi cho dự án tại hội nghị về Afghanistan sắp tới dự kiến diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/11.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Uzbekistan sẵn sàng "nghênh đón" NATO trong chương trình nghị sự mở rộng ảnh hưởng của khối này tại Trung Á. Mỹ đã sẵn sàng thiết lập hợp tác quân sự rộng lớn với Uzbekistan, kể cả cung cấp vũ khí. Những động thái này cộng với sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ tại Afghanistan đang là thách thức với các lợi ích khu vực của cả Nga và Trung Quốc.

Moscow cảm thấy cần có một chiến lược đối phó khả thi. Đề xuất của Putin gần đây nhằm hình thành "Liên minh Á - Âu" có thể minh chứng điều đó. Ông Putin ước đoán rằng, cuối cùng những gì có thể ngăn chặn phương Tây tiếp cận Trung Á - sân sau của Nga là mở rộng không gian kinh tế chung của Nga với Kazakhstan và Belarus.

Trung Quốc cho tới thời điểm này vẫn "lảng tránh" một cách lịch sự về ý tưởng của Putin. Tuy nhiên, một tờ báo chính thống của Trung Quốc gần đây nhận định khá thận trọng: "Sự hồi sinh của Nga là không thể ngăn cản và mối quan hệ của họ với Trung Quốc sẽ phức tạp hơn. Bắc Kinh cần thích ứng hơn với lộ trình phát triển của Putin và duy trì chiến lược cũng như quan hệ đối tác hợp tác giữa Trung Quốc và Nga nên là mục tiêu cơ bản trong chính sách Nga của Trung Quốc".

Thái An (lược dịch từ Atimes)