- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 12/10 đồng tình rằng các vi phạm về giao thông, môi trường và quản lý trật tự đô thị tại các thành phố phải bị phạt nặng hơn các tại địa phương.

Ảnh: Người Lao động
Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính đặt ra cơ chế xử phạt đặc thù đối với khu vực nội thành các thành phố trực thuộc trung ương, theo đó Chính phủ có thể quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý trật tự đô thị.


Dự luật chỉ ra về nguyên tắc, chế tài pháp lý phải được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, song đối với các đô thị lớn, vi phạm hành chính thường phổ biến, phức tạp và gây hậu quả lớn hơn nên cần có quy định mang tính cưỡng chế nghiêm khắc hơn. Chính phủ cho rằng thực tế áp dụng mức xử phạt tiền theo quy định chung tại các thành phố lớn tỏ ra không đủ sức răn đe, không đạt hiệu quả như mong muốn.

Đa số thành viên Thường vụ QH ủng hộ quy định này. Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhắc lại vấn đề này đã gây tranh cãi khi bàn về dự án Luật Thủ đô.

Ông Dũng đồng tình phạt nặng để răn đe: “Phạt ở đây không phải phạt người tốt mà là phạt người xấu. Tôi ủng hộ xử phạt thật nghiêm để đưa các lĩnh vực trên vào trật tự, nền nếp quy củ”.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đồng ý mức xử phạt ở đô thị cao tối đa gấp đôi ở các địa phương, cho rằng điều này không trái với nguyên tắc chung của pháp luật.

Ông Hiện cho rằng “khi xử phạt các hành vi vi phạm cũng cần căn cứ vào hoàn cảnh, thời điểm, môi trường, địa điểm vi phạm để xác định tính chất nguy hiểm của cùng một hành vi nhưng khác nhau ở thời điểm, địa điểm”.

Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước đề nghị dự thảo Luật cần ghi cụ thể từng địa phương được áp dụng mức xử phạt loại này và trong những lĩnh vực nào.

Ông Phước đề xuất giao việc xây dựng khung mức xử phạt cho HĐND từng tỉnh thành làm cho phù hợp với tình hình địa phương, “giảm bớt khâu xin - cho lòng vòng”.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ ý kiến này song Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lại băn khoăn về vấn đề thẩm quyền và việc sửa Luật tổ chức HĐND sau này. Bà cho rằng nên đưa cả hai phương án Chính phủ hoặc HĐND quy định mức phạt để QH thảo luận.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì lưu ý đồng thời với việc áp dụng mức xử phạt cao để giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay, dự thảo Luật cần kết hợp nhiều giải pháp như giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ nhận thức đối với người dân.

Không nên buộc lao động công ích


Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính có bổ sung thêm một hình thức xử phạt mới là buộc lao động phục vụ cộng đồng. Điểm mới này không nhận được sự đồng tình của UBTVQH.

UB Pháp luật cho rằng quy định này không phù hợp với Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam đã gia nhập.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn thấy quy định này không khả thi, có thể bị áp dụng không thống nhất, chưa kể dự luật không nêu rõ ai có quyền quyết định buộc lao động công ích, cơ quan nào giám sát, trường hợp không chấp hành sẽ xử lý sao…

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng chia sẻ rằng quy định này không phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam cũng như thông lệ trên thế giới.

Đa số ý kiến trong UBTVQH đề nghị không nên đưa quy định này vào dự luật, và thống nhất với các hình thức xử phạt là cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép và tịch thu tang vật.

Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp QH sắp tới.

Chung Hoàng