Mỹ từ lâu tự thiết lập vị trí của họ như một cường quốc Thái Bình Dương, từ chuyện chống quân nổi dậy ở Philippines năm 1899 tới đánh bại Nhật trong Thế chiến II, rồi vai trò trong chiến tranh Triều Tiên 1950...

Ngày nay, Mỹ vẫn duy trì ưu thế quân sự ở khu vực Thái Bình Dương với hàng loạt căn cứ quân sự, mạng lưới liên minh song phương và khoảng 100.000 quân. Tuy nhiên, nhiều thứ đã thay đổi tác động tới ảnh hưởng và sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương. Bản đồ địa chính trị được vẽ lại. Đông Nam Á, một khu vực tập trung sức mạnh quân sự và kinh tế của thế giới, đang trong quá trình thay đổi. Mỹ thì đang bận rộn với Trung Đông và sa lầy vào tình trạng suy giảm kinh tế.

Ảnh minh hoạ: filmschoolrejects

Các cuộc bầu cử sẽ là một phần của những thay đổi. Năm tới, Hàn Quốc, Nga và nhiều nước khác sẽ tiến hành bầu cử. Trong năm 2012, Trung Quốc cũng sẽ chọn lựa lãnh đạo mới thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Vị lãnh đạo mới được cho là sẽ đưa nước này từ vị trí số hai lên đỉnh cao nhất của kinh tế toàn cầu.

Trong năm 2012, chính phủ Triều Tiên cũng sẽ tuyên bố trước người dân lời hứa tạo lập một nền kinh tế thịnh vượng và quốc gia vững mạnh về quân sự. Giấc mơ của Bình Nhưỡng trong năm 2012 sẽ thúc đẩy Triều Tiên chuyển sang nỗ lực tăng tốc trong ngoại giao, và đổi lại, nó tạo ra các cơ hội lớn cho những cường quốc ở Thái Bình Dương.

Washington, vốn nhiều năm tập trung vào kho hạt nhân tuy nhỏ nhưng đang phát triển của Triều Tiên, hầu như ít chú ý tới những phát triển lớn hơn ở châu Á. Sự chuyển dịch ở châu Á cũng không hẳn là chủ đề chính trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm tới. Người Mỹ đang tranh luận về việc làm, y tế, hay thách thức với một vị tổng thống mới.

Bình Nhưỡng trở lại

Năm tới sẽ là lúc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Kim Nhật Thành - người sáng lập ra Triều Tiên. Thông thường, sự kiện này không quan trọng với bất kỳ ai khác ngoài 24 triệu người Triều Tiên. Nhưng dịp kỷ niệm này sẽ đánh dấu những thay đổi lớn ở Bình Nhưỡng.

Mặc dù khẳng định sự tự lực, nhưng Bình Nhưỡng cũng đã đủ minh chứng để thấy cần nhiều sự giúp đỡ từ các bạn bè của mình. Tuy nhiên, cho tới gần đây, Triều Tiên chính xác chưa "chơi tốt" với ai khác. Ví dụ, họ "ăn miếng trả miếng" với các chính sách cứng rắn mà Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thông qua, khi ông lên năm quyền vào tháng 2/2008. Vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc tháng 3/2010 (mà Triều Tiên phủ nhận trách nhiệm) hay vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc cuối năm ngoái đã làm cho quan hệ hai miền Triều Tiên rơi vào khủng hoảng.

Trong giai đoạn này, Triều Tiên còn thử nghiệm hạt nhân lần hai và thậm chí còn chọc tức Washington bằng cách vào năm 2010, tiết lộ rằng trên thực tế đang theo đuổi chương trình làm giàu uranium ở mức cao mà trước đó họ có thời gian dài bác bỏ.

Những hành động này khiến Bình Nhưỡng gánh chịu các hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Hàn Quốc trì hoãn hầu hết mọi hình thức hợp tác. Vụ thử hạt nhân lần hai đã chặn đứng việc thiết lập lại quan hệ kinh tế với Mỹ. (Chính quyền của George W Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách "các nước bảo trợ cho khủng bố" và bóng gió rằng, những lệnh cấm vận khác sớm hay muốn có thể cũng chấm dứt trong một phần của nỗ lực làm ấm mối quan hệ hai bên). Cuộc khủng hoảng thiếu lương thực ở Triều Tiên lại trở lại.

Những khó khăn kinh tế lại chồng chất thêm gánh nặng chính trị. Tầng lớp lãnh đạo của Triều Tiên nhiều người đã tới tuổi nghỉ hưu. Nhà lãnh đạo Kim Jong-il, 70 tuổi, đã chỉ định con trai út Kim Jong-eun, như một người kế nhiệm.

Giờ đây, Bình Nhưỡng đang có những đổi thay bắt đầu về kinh tế cũng như chính trị để "tạo đà" cho vị lãnh đạo mới trong năm "giàu về kinh tế, mạnh về quân sự". Chuyến thăm gần đây của ông Kim Jong-il tới Siberia gặp gỡ với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, là một ví dụ. Lần đầu tiên, tại một căn cứ quân sự ở gần hồ Baikal, lãnh đạo Triều Tiên thậm chí còn đề cập tới khả năng ngừng sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Đáng kể hơn, lãnh đạo Bình Nhưỡng còn ký một thỏa thuận sơ bộ về đường ống dẫn khí tự nhiên, mà tự bản thân thỏa thuận sẽ bắt đầu cho sự thay đổi chính trị trong khu vực. Hệ thống này sẽ vận chuyển khí từ vùng Viễn Đông giàu năng lượng của Nga thông qua Triều Tiên tới nền kinh tế bùng nổ nhưng khát năng lượng Hàn Quốc. Thỏa thuận có thể mang lại cho Bình Nhưỡng khoảng 100 triệu USD/năm.

(Còn nữa)

Thái An (theo Atimes)