- Mổ xẻ về cải cách thể chế của Việt Nam, các chuyên gia tập trung vào những bất cập trong chất lượng thể chế, mà minh chứng rõ nhất là tình trạng rừng quy định đang nở rộ, gây gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.
Các chuyên gia đã có mặt ở hội thảo “Nâng cao chất lượng thể chế: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dự án Nâng cao Năng lực cạnh tranh (VNCI) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp tổ chức ngày 14/10 tại Hà Nội.
Nặng gánh quy định
TS. Scott Jacobs, chuyên gia của VNCI cho rằng, Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều quy định tốn kém, phi thị trường, số lượng ngày càng tăng.
Hàng năm, một số lượng lớn quy định mới có tác động đến DN và người dân được ban hành. Trong giai đoạn 2005 - 2008, số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều hơn so với tổng số văn bản được ban hành trong 18 năm trước đó: trung bình 860 văn bản/năm. Con số này tăng đột biến vào năm 2009 với gần 1.500 văn bản. Cùng thời gian này, mỗi năm có gần 2.560 quy định không mang tính quy phạm (công văn, thông báo, chỉ thị) ra đời. Năm 2009, con số này tăng hơn gấp đôi (5.467 quy định) và chiều hướng này không có xu hướng giảm trong năm 2010.
Hội thảo “Nâng cao chất lượng thể chế: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam" |
Điều này gây ra một số vấn đề. Tính không chắc chắn của hệ thống quy định hiện hành tạo ra chi phí không cần thiết cho người dân và DN trong tuân thủ pháp luật, tạo cơ hội cho hành vi sách nhiễu của cán bộ, công chức - Phó viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhận định.
Ông Faisal Naru, cố vấn trưởng về cải cách thể chế của VNCI dẫn lại Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2010-2011 xếp hạng Việt Nam ở vị trí 120/133 nước về chỉ số gánh nặng của quy định chính phủ, giảm 14 bậc so với năm 2009. Cũng so với năm này, Việt Nam giảm 20 bậc về chỉ số tính minh bạch của quy trình hoạch định chính sách khi xếp thứ 73/133.
“Gánh nặng và rừng quy định gây khó khăn lớn trong quản lý và nâng cao chất lượng thể chế của Việt Nam, quản lý tác động của môi trường thể chế tới người dân, DN, đầu tư và cuối cùng là năng lực cạnh tranh”, ông Nguyễn Đình Cung phân tích.
“Nhiều quy định thì nguy cơ quy định xấu là rất cao”, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Trần Hữu Huỳnh nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Cung và ông Faisal Naru, quy định chỉ là thể xác hay phương tiện mang chính sách và sử dụng để đạt kết quả tác động mong muốn của Chính phủ. Chính sách thể hiện quan điểm của Chính phủ về một vấn đề cụ thể và quan điểm này sẽ chỉ đạo hướng can thiệp của Chính phủ, cuối cùng, có thể được hiện thực hóa bằng việc ban hành một quy định. Chính linh hồn hoặc/và tinh thần trong hành động can thiệp của Chính phủ mới thể hiện bản chất của quy định, tác động dự kiến và quá trình hành động để đạt kết quả mong muốn.
Thảo luận hay ‘làm văn tập thể’?
Lý giải thực trạng rừng quy định hiện nay, ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng, vấn đề nằm ngay trong quan điểm nhận thức về thị trường của chúng ta. Chính phủ còn làm thay và can thiệp thị trường. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát thể chế lại chứa đựng bất cập. Quốc hội khi bàn về một luật thì nghiêng về thảo luận, ít tranh luận. Thay vì bàn chuyện nguyên tắc có cần hay không việc ra một luật, mục tiêu là gì, cách thức tiến hành, thì nhiều khi, cơ quan xây dựng luật lại quá nặng về bàn thảo câu chữ. Việc thảo luận về luật vì thế trở thành quá trình “làm văn tập thể”.
Ông Huỳnh lo ngại về thực tế cơ cấu tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Quốc hội của ta ít đại biểu chuyên trách, số thành viên hành pháp trong Quốc hội chiếm tỉ lệ lớn, mối liên hệ giữa ĐBQH với các nhóm mà luật điều chỉnh hạn chế và không thường xuyên, trong khi đó Chính phủ vừa kinh doanh, vừa làm luật.
Ông Nguyễn Trần Bạt, giám đốc InvestConsult Group cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ đưa dự thảo luật vẫn là độc quyền của cơ quan quản lý, và hệ quả tất yếu là tư duy và thái độ xây dựng luật nhằm quản lý rất rõ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, ủy viên thường trực UB Tư pháp của Quốc hội chỉ ra, Chính phủ thường áp dụng các biện pháp ban hành quy định để xử lý phát sinh trong khi chưa chú trọng đến các giải pháp thị trường để điều tiết. Luật khung, luật ống tồn tại không ít.
“Lúc nào chúng ta cũng lo mình còn thiếu luật điều chỉnh, trong khi thực tế lại khác, chúng ta ở tình trạng cái gì cũng quá: thừa quá thừa, thiếu quá thiếu, luật gì cũng có, quy trình làm luật nào cũng được xây dựng nhưng nhiều khi hình thức”, ông Cung nhận xét.
Phương Loan