- Chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 20/10 về lộ trình tăng giá điện, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, phải đi dần từng bước để giá điện đi theo thị trường. Nhưng Chính phủ sẽ xem xét thời điểm phù hợp.

Trong khi Chính phủ đang kêu gọi các bộ ngành và người dân chung tay chống lạm phát, việc đề nghị tăng giá điện của EVN có đi ngược lại chủ trương này?

- Đấy là chủ trương nhất quán, không có gì mâu thuẫn cả. Vấn đề là mình chọn thời điểm cho phù hợp, xử lý hài hòa lợi ích chung của người dân, xã hội với doanh nghiệp để vừa giải quyết được tổng thể vừa đáp ứng yêu cầu hiện nay là chống lạm phát.

Còn chọn thời điểm nào thì tôi chưa thể khẳng định được. Chính phủ còn phải bàn.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: LAD

Nhưng trong bối cảnh đang khó khăn như này, việc tăng giá điện có vẻ không phù hợp?

- Có rất nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ sẽ lựa chọn giải pháp sao cho hài hòa. Quan trọng nhất là làm sao thu hút được nguồn vốn để đầu tư vì hiện nay đang thiếu điện do thiếu nguồn đầu tư. Các nhà đầu tư không nhiệt tình quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực này bởi chỉ có lỗ thì ai muốn làm.

Vấn đề này không chỉ có ở ngành điện mà các lĩnh vực khác cũng thế. Ví dụ giao thông nếu không có cơ chế để giúp nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh hơn, cứ thu 10.000đ/100 km thì ai đầu tư? Bỏ vốn ra lớn mà thu về như vậy thì không ai quyết định đầu tư cả. Vấn đề gốc ở đấy. Vừa phải giải quyết việc này thì mới huy động được nguồn lực để đầu tư, mới không thiếu nguồn.

Cá nhân Phó Thủ tướng có ủng hộ việc tăng giá thời điểm này như đề nghị của EVN?

- Nhìn chung lộ trình phải như thế. Đó là quan điểm nhất quán từ trước đến nay. Dần dần từng bước làm sao để giá điện phải đi theo thị trường. Nhưng tình hình chung của Việt Nam và quốc tế buộc chúng ta phải xem xét lộ trình này. Nếu thuận thì ta đi bước ngắn, còn nếu không thuận lợi, nhiều khó khăn thì phải đi bước dài hơn. Hay nói đúng hơn việc điều hành phải thích ứng với tình hình thực tiễn, không thể nói gì được.

Thưa ông, nêu vấn đề tăng giá điện để giải quyết nhiều vấn đề về nguồn vốn đầu tư nhưng nhiều người cũng cho rằng ngành điện cần công khai, minh bạch thu chi và tình hình kinh doanh tài chính?

- Tới đây bàn giải pháp minh bạch giá điện và sẽ công bố đầy đủ.

Ông đã từng nói đáng ra điện phải tăng giá 62% mới đúng thực tế nhưng lần mới đây chỉ tăng 13 - 15% để triển khai dần dần theo lộ trình. Tuy nhiên nếu cứ vài ba tháng tăng giá điện một lần cũng gây ra áp lực nặng nề cho sản xuất, đời sống?

- Đấy là một lộ trình lâu dài chứ đâu phải cứ vài ba tháng lại tăng.

Từ lần tăng gần đây, tháng 3/2011 đến giờ thì không phải vài ba tháng nữa. Phải tùy vào bối cảnh tình hình để điều hành linh hoạt. Gần như thời gian vừa qua không hề điều chỉnh dù vẫn có biến động rất nhiều. Đó chính là quyết định ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, giải quyết vấn đề khó khăn của sản xuất và đời sống nên Nhà nước không cho điều chỉnh tăng giá thêm.

Đến nay EVN cũng như nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đầu tư ngoài ngành trong khi lĩnh vực chính thì khó khăn như vậy. Chính phủ dự kiến kiểm soát việc này thế nào?

- Thủ tướng đã nói trong bài phát biểu phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, cam kết là sẽ kiên quyết rút đầu tư ngoài ngành của các DNNN để tập trung vào ngành sản xuất chính.

Sắp tới đây cũng sẽ sửa cơ chế theo hướng thắt chặt hơn nhiều. Từ năm 2009 đến giờ gần như Chính phủ không phê duyệt cho tập đoàn, tổng công ty nào đầu tư thêm ra ngoài ngành nữa. Việc này là từ giai đoạn trước và giờ đang phải yêu cầu các đơn vị này thu lại vốn. Còn tất nhiên trong bối cảnh đó, người ta đầu tư ra ngoài cũng có lý do của nó như có những lợi thế nhất định, có hạ tầng kết hợp để làm. Nhưng cho đến nay thì thấy những điều đó thực sự cũng không cần thiết nên đặt vấn đề thu hồi lại vốn.

Trả lời về việc có hay không chuyện EVN đề xuất tăng giá điện để trang trải các khoản nợ ngoài ngành, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: "Không có chuyện tăng giá để bù đắp vào những đầu tư ngoài ngành như thế. Chính phủ không bao giờ đồng ý".

Ngọc Lê