- Gặp nhau tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, 27 đại biểu cho các thành viên đến từ các tổ chức đoàn thể, hiệp hội trong nước và các cơ quan đại diện quốc tế chia sẻ đánh giá tích cực về kết quả thực hiện đề án 30, song lưu ý thủ tục hành chính (TTHC) vẫn đang là một điểm nghẽn.

>> Khi 'hủ tục' còn trong tư duy người 'cầm' thủ tục
>> Mỗi lần 'cậy' đến cửa công là thấy 'lạnh'
>> Giảm thủ tục nhưng cán bộ nhũng nhiễu thì dân còn khổ

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng đề án 30 qua những con số thì không thể không đánh giá là thành công đáng kể, song cần xem xét trên thực tế còn những điểm chưa ổn khi nhiều doanh nghiệp (DN) kêu ca chi phí tham gia thị trường vẫn tăng, thời gian chờ đợi cấp phép vẫn dài... "DN hiện vẫn đang kêu khổ, vừa phải chiến đấu trên thương trường, vừa phải đối phó với TTHC", ông Cung nói

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng minh họa ngay: "Kinh nghiệm của các DN thủy sản cho thấy cả hệ thống kiểm soát chất lượng, kỹ thuật của nước ngoài vẫn còn dễ chịu hơn sự phiền hà, không khách quan của các TTHC trong nước". Theo ông Dũng, "đây là điều không thể chấp nhận được".

Phó Chủ tịch VASEP cho rằng cần cắt giảm ít nhất 50% TTHC hiện hành.

Cải cách từ những vấn đề nhỏ nhặt nhưng đang gây phiền nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Minh Thăng

Không cần đao to búa lớn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng kết quả của đề án 30 nằm ở chỗ "mỗi TTHC bị cắt giảm không chỉ là một quyết định riêng rẽ mà liên quan đến rất nhiều khâu cả về thể chế, con người..., trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nhiều vấn đề trong xã hội".

Song ông Đam cũng thừa nhận phạm vi của cải cách TTHC nói riêng và cải cách hành chính (CCHC) nói chung đều quá rộng, cần chọn ra một số trọng tâm. Theo ông Đam, đó "không cần phải là vấn đề gì đao to búa lớn, oai phong lẫm liệt, đôi khi chỉ cần là những vấn đề nhỏ nhặt nhưng đang gây phiền nhiễu, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp", ví dụ đất đai, xây dựng...

"Đó phải là những cái huyệt để nếu bấm đúng sẽ có tác động lan tỏa đến những vấn đề lớn hơn như cải cách thể chế, cải cách con người, và một khi đã chọn đúng thì phải dùi đến cùng", ông Đam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Cung đề xuất xem xét chọn những TTHC liên quan đến kiểm soát giá.

Ông Cung cũng đồng tình với ông Dũng cần cắt 50% TTHC, và nhấn mạnh điều đó còn cho thấy sự thay đổi tư duy về vai trò của Chính phủ.

"Tầm nhìn của Chính phủ hiện nay là giảm TTHC, giảm phiền hà cho người dân và DN song vẫn đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước. Cần giải thích rõ hơn vế sau, chỉ rõ những lĩnh vực nhà nước phải quản lý, còn lại để cho thị trường điều tiết, như thế mới còn dư địa cho người dân và các tổ chức xã hội đóng góp ý kiến", ông Cung phân tích. "Nếu không, các cơ quan vẫn sẽ tiếp tục lấy cái mũ 'đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước' để kiểm soát và gây khó dễ".

Ông Nguyễn Hữu Dũng còn chỉ ra cắt giảm TTHC chỉ là một mặt, mặt còn lại quan trọng không kém là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp bộ ngành và địa phương. Ông Dũng cho biết DN kêu "vướng ở đây là chính, thậm chí họ còn nói bị mắc nhiều thủ tục hơn trước khi cắt giảm". Theo ông, vấn đề là nằm ở những con người thực hiện các TTHC.

Chủ tịch Ủy ban TƯ Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam Võ Quốc Thắng thì cho rằng phải sớm cải cách tiền lương để thu hút người có năng lực vào hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính.

Để "người hành" và "người bị hành" hiểu nhau

Chính vì còn "những điểm chưa ổn" như thế mà ông Nguyễn Đình Cung đề nghị việc đánh giá hiệu quả cải cách TTHC nói riêng và CCHC nói chung phải được thực hiện cùng lúc từ trên xuống và từ dưới lên để xem liệu có chênh lệch, khoảng cách nào giữa nhìn nhận của nhà nước và sự hài lòng của công dân, "để dũng cảm thừa nhận những điều trên thực tiễn chưa tốt như mong muốn".

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì thấy cần đánh giá cả "ngang dọc" để thấy hết nhiều chiều của hiệu quả CCHC thời gian qua.

Ông Vũ Đức Đam khẳng định "Chính phủ không xác định chỉ làm đề án 30 là xong, là phấn khởi" mà sẽ sớm có nghị quyết. Song ông Đam chỉ ra việc khó nhất là làm sao huy động cả xã hội tham gia vào công cuộc CCHC, khơi dậy sáng kiến trong nhân dân để cải thiện hiệu quả nền hành chính.

Ông Võ Quốc Thắng còn thấy cần lôi cuốn toàn dân và doanh nghiệp vào công tác CCHC bằng cách tạo cho họ thói quen "cứ thấy trục trặc là góp ý".

Theo ông Đam, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC đã tập hợp được đại diện của nhiều thành phần trong xã hội trong nước và quốc tế, song để thực sự có hiệu quả, cần lôi kéo cả những người có quyền quyết định về TTHC.

"Cách tốt nhất là tăng cường đối thoại để người làm TTHC và người hưởng TTHC, theo cách gọi dân gian là "người hành" và "người bị hành" hiểu nhau", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nói.

Chung Hoàng