- Báo cáo trước QH sáng nay (21/10), Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết dự thảo Luật lưu trữ quy định tài liệu đóng dấu mật được tự động giải mật 40 năm sau khi công việc kết thúc, với tài liệu tối mật, tuyệt mật là 60 năm.

Ảnh: Minh Thăng
Một số ý kiến khác đề nghị quy định thời hạn giải mật đối với tài liệu đóng dấu mật phải căn cứ vào tính chất của tài liệu, mức độ quan trọng thấp thì thời hạn giải mật có thể ngắn hơn.


Có ý kiến đề nghị thời hạn giải mật là 30 năm theo thông lệ quốc tế, các ý kiến khác cho rằng nên quy định thống nhất thời hạn giải mật là 40 năm.

Trên thực tế, có những tài liệu mật cần được sớm giải mật để sử dụng rộng rãi, nhưng cũng có những tài liệu cần được giữ bí mật trong một khoảng thời gian dài, với một số trường hợp đặc biệt thì có thể là vĩnh viễn.

Do đó, UB Thường vụ QH đề nghị điều chỉnh dự luật theo hướng: Sau 10 kể từ khi công việc kết thúc, các tài liệu có giá trị phải được nộp để bảo quản vĩnh viễn. Hết thời hạn 40 năm với tài liệu mật và 60 năm với tài liệu tối mật, tuyệt mật, các tài liệu này đương nhiên được giải mật và được sử dụng rộng rãi.

Một số tài liệu có thể được giải mật sớm hơn thời hạn trên, và cũng có những tài liệu tối mật, tuyệt mật và tài liệu liên quan đến cá nhân dù đến thời hạn vẫn chưa thể được sử dụng rộng rãi. Những trường hợp này đều do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Lưu ý lưu trữ điện tử

Không ít ý kiến đề nghị có quy định cụ thể về chế độ thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử để đảm bảo quyền khai thác, tiếp cận thông tin của người dân cũng như để quản lý tốt nguồn tài liệu này.

UB Thường vụ QH cho rằng đây là một hình thức lưu trữ mới, dự luật chỉ quy định có tính nguyên tắc và giao Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Thông tin  - Truyền thông hướng dẫn việc quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, chịu trách nhiệm tổng kết thực tiễn sau một thời gian thực hiện.

Tuy nhiên nhiều ĐB không đồng tình. ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) liên hệ với quy định về việc mang tài liệu mật ra nước ngoài: “Với mạng Internet, một người ngồi một chỗ vẫn có thể dễ dàng phát tán tài liệu ra toàn thế giới”.

ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) cho rằng lưu trữ điện tử là xu thế thời đại và trong tương lai gần sẽ trở thành một vấn đề quan trọng. Bà Yến thấy cần có những điều khoản quy định về hình thức lưu trữ này cũng như các vi phạm liên quan đến phán tán tài liệu lữu trữ điện tử.
Đặc biệt là các tài liệu liên quan đến cá nhân, nhất là các nhân chứng lịch sử, có thể có ảnh hưởng tầm quốc gia”, bà Yến nói. “Nếu không có quy định cụ thể về công nhận và quản lý loại tài liệu này trong phông lưu trữ quốc gia, sau này khi có vấn đề nảy sinh sẽ rất lúng túng trong xử lý”.

Cũng trong sáng nay, QH thảo luận về dự án Luật Đo lường.

Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt các hành vi gian lận trong đo lường còn quá nhẹ, đề nghị nâng mức xử phạt lên 20 - 50 lần số tiền thu lợi bất chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

UB Thường vụ QH đồng tình cần tăng cường mức độ răn đe, nhưng để thống nhất với các luật hiện hành như Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật sở hữu trí tuệ và dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đang xây dựng, dự thảo Luật đo lường quy định trong trường hợp đã áp dụng mức phạt hành chính cao nhất mà vẫn thấp hơn số tiền thu lợi bất chính thì áp dụng mức phạt tối đa gấp 5 lần số tiền thu lợi đó.


Chung Hoàng