- Giải tỏa băn khoăn của thanh niên Hà Nội trước thông tin một số địa phương nói "không" với tại chức, dân lập khi tuyển dụng công chức, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định thành phố không ban hành chính sách tương tự.
"Trước kia cũng đã từng có những ý kiến tham mưu như vậy nhưng Hà Nội không tán thành", ông Nghị nói rõ.
Đề cập chuyện "bung ra" quá nhiều trường đại học mà thực tế không tuyển đủ sinh viên, cũng như chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu của học sinh và của xã hội, ông Nghị cho đó là một trong nhiều lý do nảy sinh những quyết định của Đà Nẵng, Nam Định và Hải Dương.
"Nhưng như thế cũng là 'oan' cho những người học có chất lượng ở chính những ngôi trường đó", Bí thư Thành ủy nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Trước kia cũng đã từng có những ý kiến tham mưu như vậy nhưng Hà Nội không tán thành. Ảnh: Hà Nội mới |
Mở cửa nhưng chưa thu hút được nhiều
Trong một dịp hiếm hoi lãnh đạo Thủ đô đối thoại với những người trẻ tuổi như buổi gặp mặt thanh niên Thủ đô tiêu biểu 2011 sáng nay (23/10), câu hỏi về chính sách và đãi ngộ cho thanh niên vào khu vực công được đặt ra thẳng thắn.
"Câu hỏi khó" cho lãnh đạo Hà Nội là các thành phố trực thuộc TƯ khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ có số cán bộ trẻ tham gia trong HĐND, là thành ủy viên, thậm chí là lãnh đạo cao cấp, nhiều hơn Thủ đô: "Phải chăng cán bộ trẻ Thủ đô không bằng các tỉnh thành khác?"
Phó GĐ Sở Nội vụ Nguyễn Thị Vinh cũng thừa nhận tuy thành phố có nhiều ưu tiên trong tuyển dụng cán bộ trẻ vào khu vực công nhưng kết quả đạt được vẫn khiêm tốn. "Trong 125 nghìn cán bộ, công chức toàn thành phố hiện nay, chỉ có 30% trẻ", bà Vinh cho biết.
Theo bà Vinh, quy định của thành phố về quy hoạch cán bộ trẻ cho các vị trí chủ chốt ở các cơ quan chính quyền là "khá sát". Ví dụ, sẵn sàng tuyển thẳng, không qua thi tuyển cạnh tranh, cũng không yêu cầu hộ khẩu, các thủ khoa, sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao, các văn nghệ sĩ, vận động viên có nhiều thành tích, những bạn trẻ có năng lực được công nhận và chứng minh trên thực tế trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế... Hà Nội cũng có cơ chế hỗ trợ và cung cấp kinh phí đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ trẻ...
Tuy nhiên, "từ năm 2006 đến nay chỉ có thêm khoảng 200 công chức được tuyển thẳng từ nguồn nói trên", Phó GĐ Sở Nội vụ cho biết.
Theo bà Vinh, tuy đã có chính sách, nhưng thực tế lãnh đạo một số cơ quan vẫn chưa quan tâm chú ý, khiến cán bộ trẻ chưa thể yên tâm rèn luyện và phấn đấu.
Bà Vinh cũng nhấn mạnh môi trường làm việc trong cơ quan hành chính "chưa phù hợp với các trí thức trẻ". "Làm trong cơ quan nhà nước không có thu nhập nào khác ngoài lương, ngay cán bộ đang công tác còn không yên tâm, thủ khoa lại càng không mặn mà", bà thừa nhận.
Lương cũng là vấn đề nhiều bạn trẻ băn khoăn đề đạt với lãnh đạo thành phố. Thậm chí bác sĩ trẻ Thương Hoài (bệnh viện Thanh Nhàn, thủ khoa năm 2006) còn đề nghị tổ chức đánh giá hiệu quả làm việc và cống hiến của các trí thức trẻ được thành phố tuyển dụng để có hình thức nâng lương đặc biệt.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, lương cho công chức Hà Nội cũng phải tuân theo quy chuẩn chung của cả nước.
Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô |
Nhà khoa học trẻ muốn tham gia phản biện chính sách
Các trí thức trẻ Hà Nội cũng mong muốn được tạo điều kiện cống hiến nhiều hơn.
Hoàng Thị Minh Thảo, giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ: “Hà Nội có một số lượng lớn trí thức trẻ tập trung ở các trường ĐH và viện nghiên cứu, nhưng tôi chưa biết thành phố có những chính sách và cơ chế nào để sử dụng lực lượng này vào việc đưa ra đề xuất và phản biện các chính sách để phát triển thành phố và đất nước, cũng như phát triển khoa học”.
Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh chính sách tận dụng nguồn nhân lực là các nhà khoa học trẻ của Hà Nội cũng phải nằm trong khuôn khổ quy định của cả nước, song sẽ đề đạt để có thể đưa ra “cơ chế đặc thù” trong việc tuyển dụng trí thức trẻ của Thủ đô.
Bà Ngọc cho biết thêm thành phố đã có chính sách mới đặt hàng để các nhà khoa học nghiên cứu. “Trong những năm vừa rồi, chỉ có 26% các đề tài khoa học của thành phố là do cán bộ thành phố nghiên cứu, còn lại là do trung ương và qua ký kết hợp đồng đặt hàng”, bà Ngọc nói.
Tuy vậy, theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, vấn đề nằm ở việc thay đổi cách nhìn “không đầy đủ, không toàn diện” hiện nay: Phải có cán bộ trẻ trong các cơ quan đảng, chính quyền mới thể hiện được vai trò của người trẻ.
“Tuổi trẻ ở lĩnh vực nào cũng có những gương mặt đầu đàn làm rạng danh đất nước, cơ cấu chỉ là một chuyện, không cần phải quá nhiều”, ông nói.
Cam kết lãnh đạo thành phố sẽ tiếp sức, tạo điều kiện, cơ hội và môi trường cho người trẻ cống hiến, ông Nghị nhấn mạnh bản thân mỗi trí thức phải xác định có thể cống hiến cho sự phát triển của đất nước bằng ý thức lao động chăm chỉ và sáng tạo.
Chung Hoàng