- Thảo luận tại tổ sáng 24/10, các đại biểu QH mổ xẻ các bất cập, yếu kém trong thu chi ngân sách, đặc biệt là thực chất tình hình nợ công và bội chi của Việt Nam.
Nợ công: An toàn hay báo động?
Tại tổ TP.HCM, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch dùng hình ảnh cùng là rượu nặng, với anh A thì 3 chén không hề gì, nhưng anh B thì chỉ 1 chén là “chết” để nói về cách tính và so sánh mức nợ công của Việt Nam với các nước hiện nay khi chỉ đề cập một con số chiếm bao nhiêu phần trăm GDP.
Theo ông Lịch, quan trọng là phải xem xét số nợ phải trả so với nguồn thu tăng hay giảm. Như năm nay trả nợ 86 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5% nguồn thu, dự kiến năm tới trả 100 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,5%. Cứ tăng như vậy thì sẽ đến lúc tăng thu chỉ để trả nợ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Cân đối vĩ mô của ta luôn ở tình trạng căng thẳng |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân thì cho rằng nợ công và
nợ nước ngoài đã đến mức báo động chứ không phải ở ngưỡng an toàn, trong phạm vi
an toàn mà nguyên nhân nằm ở chỗ bội chi ngân sách liên tục kéo dài trong nhiều
năm.
Ông Ngân phân tích, theo ước tính, đến cuối 2011 là 54,5% GDP, nợ nước ngoài 41,5%GDP, tương đương 50 tỷ USD. Nếu so với dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện
nay (chỉ khoảng 14 - 15 tỷ USD) thì số nợ nước ngoài gấp tới hơn 3 lần.
So sánh với các nước trong khu vực thì thấy, hiện Thái Lan nợ công (gồm nợ nước
ngoài, nợ Chính phủ, nợ doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh) chỉ có 44,1%GDP, trong khi dự trữ ngoại hối của họ là 176 tỷ USD. Indonesia, Malaysia nợ
công chỉ 26,9% GDP, Philippin 47,3%...
“Nhìn họ để thấy nợ của mình lên tới 54,5% GDP là ở mức nguy hiểm rồi. Với
lại, nợ công, nợ nước ngoài của các nước là thặng dư cán cân thương mại, là xuất
siêu có dư để trả nợ nước ngoài, còn ta thì ngược lại, năm nào cũng nhập siêu
cao, lấy đâu để trả nợ nước ngoài”, ông Ngân quan ngại.
Đại biểu Vũ Trọng Kim. Tổng thư ký UB TƯ MTTQ VN thắc mắc các nước chưa phát triển được khuyến cáo nợ công nên dưới 40%, các nước phát triển 60%. Vậy Việt Nam có ổn không khi liên tục đưa nợ công so với GDP tăng lên không ngừng? Tại sao không có biện pháp giảm từ từ mà lại tăng lên?
Lí giải việc tăng nợ công, tại tổ Bình Định, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho hay, ngoài nhu cầu phải huy động vốn để phát triển kinh tế - xã hội thì còn có yếu tố chênh lệch tỉ giá.
"Năm 2011 khi chúng ta điều chỉnh tỷ giá USD tăng 9,3% thì có nghĩa là nợ nước ngoài cũng tăng lên tương ứng. Dù ta không vay thêm một đồng ngoại tệ nào thì bản thân tổng nợ đã tăng", ông Huệ nói.
Hơn nữa, bản thân mức GDP trong mấy năm vừa rồi không được như mong muốn. Nếu tổng GDP tăng khá thì tổng nợ trên GDP sẽ giảm.
Trước kì họp QH, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế phối hợp với Bộ Tài chính có cuộc thảo luận rất cởi mở về vấn đề nợ công. Báo cáo các đại biểu là nước ngoài người ta theo dõi nợ công còn sát hơn là mình theo dõi, họ theo dõi từng ngày một.
Trong báo cáo của Chính phủ ước nợ công đến 31-12-2011 thì nó ở mức 54,6% GDP. Nợ công đến năm 2012 thì ước là 58,4% GDP.
Dù khẳng định "việc trả nợ vẫn kiểm soát tốt. Nước ngoài không có ý kiến gì về trả nợ công của Việt Nam", Bộ trưởng Huệ cũng nhấn mạnh, tình hình đòi hỏi "Quốc hội cũng như Chính phủ phải tính toán cẩn trọng".
Theo ông Huệ, Việt Nam đang từng bước điều chỉnh thể chế chính sách, thành lập Cục Quản lý tài chính và nợ.
"Bất thường" bội chi
Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) thì lo
ngại trước tình trạng cân đối thu, chi ngân sách thường bị phá vỡ. Cơ cấu
đầu tư vẫn còn tư duy ỷ lại vào ngân sách nhà nước, chưa đẩy mạnh tư
duy về việc huy động các nguồn vốn khác, dẫn đến nguồn vốn nhà nước
dàn trải.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Quốc hội cũng như Chính phủ phải tính toán cẩn trọng |
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) thì xem bội chi ngân sách là một trong "3 căn bệnh không chữa được" của ngân sách Việt Nam, bên cạnh việc vượt dự toán và chuyển nguồn.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ ra: "Nhìn vào con số bội chi, nếu chỉ nói bội chi ngân sách thì không bất thường lắm. Nhưng về thực chất, nếu tính cả các khoản không được tính hết vào ngân sách thì bội chi của Việt Nam đúng là bất thường".
Chỉ tính riêng chuyện phát hành trái phiếu Chính phủ, ông cho hay, trong 5 năm qua, Việt Nam đã phát hành con số gấp 7,5 lần so với 5 năm trước đó.
Trong khi đó, ông Ninh dẫn ra thực tế: "Thị trường vốn của Việt Nam chưa phát triển. Hơn 90% các DN huy động vốn qua ngân hàng. Tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng của Việt Nam có lúc tăng cao hơn các nước 3 lần".
Tổng phương tiện thanh toán có lúc tăng 53% trong khi GDP chỉ 7-7,5%, tăng trưởng tín dụng thường 33-35%/năm.
Có vị nào dám đứng lên nhận trách nhiệm?
Các đại biểu lo ngại trước thực tế chi tiêu công
vẫn vừa máy móc, vừa lãng phí, trong khi tinh thần của Nghị quyết 11 là phải
thắt chặt.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra có tới 333 dự án
được khởi công mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu
Chính phủ.
"Chủ trương năm 2011 vẫn đình hoãn, cắt giảm công trình, nhưng chi đầu tư công vẫn vượt 15,1%. Số vượt này là ở nội dung nào, ai duyệt? Trung ương như thế này, cơ sở sẽ làm theo, ai quản được?", một ĐB đoàn Cao Bằng nói.
"Ai cũng đều muốn tăng đầu tư cho ngành mình, sao tránh được đầu tư dàn trải?", ĐB Nguyễn Hồng Sơn nêu câu hỏi.
Tại tổ Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị đặt vấn đề, "các ĐB ai cũng kêu ca đầu tư dàn trải nhưng tới đây vào hội trường, trong 500 ĐB có vị nào dám đứng lên nhận trách nhiệm về ngành mình và tình nguyện xin cắt giảm đầu tư công ở ngành mình không?". Và tự ông cũng đáp lời "Chắc là khó".
"Các cân đối vĩ mô của ta luôn ở tình trạng căng thẳng. Một phần của những bất ổn ấy là do nhu cầu phát triển của ta nhưng không phải không có những mặt trái. Chính phủ kiên quyết xử lí một bước. Nếu không, những bất ổn vĩ mô có thể xảy ra, kéo theo nó là bất ổn xã hội, kể cả về chính trị". Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh |