Góp ý về dự án Luật khiếu nại, ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, nên quy định cụ thể hơn cơ chế người đại diện trong các vụ việc khiếu nại đông người, bởi đây là đầu mối quan trọng suốt quá trình giải quyết vụ việc.
Được tách ra từ Luật Khiếu nại, tố cáo, dự án Luật khiếu nại trình Quốc hội lần này nhận được nhiều ý kiến thảo luận trong phiên họp hội trường chiều nay (24/10).
Đại
biểu thảo luận về dự án Luật khiếu nại. Ảnh:
Minh Thăng
Thừa nhận khiếu nại đông người
Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là tìm ra một cơ chế để giải quyết khiếu nại đông người. Dự thảo luật đã bổ sung một số quy định cụ thể như các hình thức khiếu nại đông người trực tiếp, khiếu nại qua đơn thư, địa điểm khiếu nại đông người và quyết định giải quyết. Mọi yếu tố khác về thủ tục, trình tự vẫn tuân theo quy định chung.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), quy định cụ thể như vậy để tránh làm phức tạp tình hình, hạn chế tình trạng người dân kéo đến quá đông tại các cơ quan, gây bức xúc trong xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Tâm đề xuất cần làm rõ hơn một số nội dung, như cơ chế cử người đại diện như thế nào, quá trình tham gia xác minh, tham gia đối thoại và tiến trình giải quyết chung.
Tán thành ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) nói thêm, chuyện giải quyết khiếu nại đông người cần sớm được quy định cụ thể bởi tuy đây là hiện tượng phức tạp, nhạy cảm nhưng lại đang diễn ra trong thực tế.
Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) phân tích, các báo cáo Chính phủ đều cho thấy số vụ việc, số đoàn khiếu nại đông người ngày càng tăng. Do đó rất cần quy định cơ chế, cách thức làm việc cụ thể. Chẳng hạn, đoàn khiếu nại đông người có thể cử người đại diện nêu ra các yêu cầu với cơ quan nhà nước. Mọi yêu cầu đó phải được lưu trong hồ sơ để làm căn cứ giải quyết vụ việc.
"Phải đưa ra quy định cụ thể về quyền của người đại diện. Họ không chỉ là người thay mặt những người khác trình bày vấn đề chính của vụ việc mà họ còn là những người sẽ giữ vai trò quan trọng trong suốt quá trình giải quyết. Dự án luật cần mở rộng và khẳng định vai trò, vị trí của họ", ông Hương nói.
"Không đùn đẩy trách nhiệm"
Liên quan đến câu chuyện đơn thư khiếu nại thường vẫn chạy lòng vòng không rõ địa chỉ khiến người dân nản lòng, một số ý kiến đã đề xuất quy định rõ hơn về quy trình tiếp dân và giải quyết khiếu nại.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, hiện nay trên cả nước đã hình thành đội ngũ cán bộ tiếp dân và hệ thống trụ sở tiếp dân của các cơ quan, tổ chức.
Dự án luật cũng quy định, người có trách nhiệm tiếp dân phải ghi nhận mọi ý kiến của công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, dự án cũng làm rõ hơn trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan nhà nước.
Theo đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), nhiều đơn thư khiếu nại được gửi đồng thời rất nhiều cấp, nhiều người. Ông Hoàng đề xuất phải có chế tài với những người có trách nhiệm tuy nhận được đơn thư xong không giải quyết và tìm mọi lý do để trì hoãn. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc đơn thư được tiếp nhận nhưng vẫn chạy lòng vòng.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự án luật phải được thiết kế trên tinh thần không được thấy việc khó khăn rồi đùn đẩy trách nhiệm. Có như vậy mọi vấn đề mới được giải quyết rốt ráo.
Ngoài các vấn đề trên, dự án luật cũng bổ sung thêm một số quy định cụ thể khác. Chẳng hạn, quy định về việc tổ chức đối thoại khi tiếp nhận đơn thư (lâu nay, việc gặp gỡ đối thoại chỉ được tiến hành trong khi giải quyết khiếu nại lần hai). Thời hạn giải quyết khiếu nại cũng được rút xuống còn 15 ngày (trước kia là 30 ngày)....
Dự án luật sẽ được tiếp tục xem xét, chỉnh lý và hoàn thiện trước khi Quốc hội thông qua.
Lê Nhung