Cái chết của Gaddafi đã gỡ bỏ một vấn đề lớn về việc thay đổi lãnh đạo Libya. Chính phủ lâm thời tuyên bố chiến thắng, nhưng lại không phác thảo tiến trình chính trị xác định con đường mà đất nước sẽ đi theo để trở thành quốc gia dân chủ hơn.
Hàng nghìn người Libya đổ ra đường tham dự lễ mừng chiến thắng và tự do ở thành phố Benghazi, nơi sản sinh phong trào nổi dậy kéo dài 8 tháng nhằm lật đổ Gadhafi, mang theo cảm giác vừa "thở phào" vì chiến tranh qua đi và bất an về một tương lai chính trị.
Hàng nghìn người
Libya đổ ra đường tham dự lễ mừng
chiến thắng và tự do Ảnh: Getty Images
Nhưng thay vì giải quyết những gì mà nhiều người Libya nhìn thấy trước về một cuộc khủng hoảng chính trị gia tăng, thì Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) Mustafa Abdul-Jalil lại tập trung vào bài phát biểu ca ngợi những gì ông cho là tạo ra chiến thắng: danh dự, lòng yêu nước và sự kiên định.
Trong bài phát biểu 15 phút, ông kêu gọi hòa giải và thống nhất như một chương mới của lịch sử Libya: "Trung thực, kiên nhẫn và hòa giải là những gì cần thiết".
Bài phát biểu từ lâu người dân chờ đợi được đánh giá cao ở nhiều nơi. Người dân bắn pháo hoa và diễu hành ở tất cả các thành phố chính bao gồm thủ đô Tripoli và Benghazi. Nhưng sự thiếu vắng các chủ đề chính trị đã làm gia tăng hoài nghi về những rạn nứt chính trị sâu sắc giữa các tầng lớp lãnh đạo mới hình thành kể từ khi Tripoli sụp đổ cách đây hai tháng.
Trong suốt phong trào nổi dậy, người Libya đã đoàn kết trong nỗ lực lật đổ người đàn ông với sự cai trị khắc nghiệt suốt 42 năm ròng. Nhưng giờ đây, một cuộc chiến mới nổi lên giữa các đảng phái vùng miền, bộ lạc và ý thức hệ nhằm giành quyền kiểm soát hướng đi tương lai của đất nước Bắc Phi này.
NTC với tổng hành dinh ở Benghazi đã đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ của các lãnh đạo chính trị khu vực và chỉ huy quân sư - những người đưa ra câu hỏi về tính hợp pháp của một tổ chức không qua bầu cử cũng như các thành viên của nó. Các thành viên ấy gồm quan chức hàng đầu chế độ Gaddafi đã chuyển hướng từ đầu phong trào nổi dậy và những người Libya sống ở nước ngoài.
Các lãnh đạo cao cấp NTC tuyên bố những cuộc thương thảo chính trị đang diễn ra nhằm công bố một chính phủ lâm thời sẽ điều hành đất nước trong 8 tháng tới cho đến khi bầu cử được tổ chức. Nhưng không rõ những cuộc thương thảo ấy có đạt được tiến triển hay không.
Thủ tướng lâm thời Mahmoud Jibril, người được cho là thúc đẩy quan hệ quốc tế giữa quân nổi dậy với các quốc gia Ảrập cũng như phương Tây để trợ giúp cuộc chiến chống lại Gadhafi, khẳng định, ông sẽ ra khỏi vị trí lãnh đạo. Hôm chủ nhật, ông từ chối nói về việc có từ chức hay không. Ông Jibril đã vắng mặt trong lễ chào mừng tự do. Thay vào đó, cấp phó của ông, Ali Tarhouni, người chịu trách nhiệm về danh mục đầu tư dầu mỏ và tài chính của NTC đã ngồi cạnh ông Abdul-Jalil trên bục nghi lễ ở Benghazi.
Các nguồn tin quen thuộc cho biết, họ tin là ông Tarhouni sẽ là cái tên thay thế ông Jibri, có lẽ vào đầu tuần này, nhưng việc thiếu công bố chính thức tại Benghazi đã làm dấy lên những câu hỏi rằng, liệu ông Tarhouni có được sự ủng hộ từ các đảng phái chính trị trong nước.
Một trong những phe cánh mạnh nhất ganh đua quyền lực chính trị là các lãnh đạo quân sự và chính trị tôn giáo, những người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo Libya. Nhóm này đã dẫn dắt những lực lượng quân sự mạnh nhất tham gia phong trào nổi dậy. Ông Tarhouni không phát biểu gì trong suốt buổi lễ nói trên.
Đầu mùa hè này, NTC đã đưa ra kế hoạch phác thảo về chuyển giao chính trị trong vòng 20 tháng với quốc gia giàu dầu mỏ có 6 triệu dân Libya. Những quan chức cấp cao NTC nói rằng, các cuộc thương thảo chính trị đang sử dụng mốc thời gian mà họ phác thảo. Kế hoạch đưa ra gồm ba giai đoạn với gia đoạn đầu là một hội đồng chính phủ lâm thời mới có ít nhất 65 đại diện khắp vùng miền. Hội đồng này sẽ dẫn dắt đất nước trong 8 tháng để tổ chức bầu cử quốc hội lâm thời. Quốc hội sau đó sẽ dẫn dắt đất nước khoảng một năm và giúp đưa ra dự thảo hiến pháp mới. Tại thời điểm đó, một cuộc bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức để thông qua hiến pháp, chọn chính phủ và người đứng đầu mới.
Đại tá Gaddafi là người đã xây dựng một hệ thống để nó diễn biến trên nỗi sợ hãi và sự tàn bạo. Dù đúng hay sai, việc giết chết ông cũng đã nhanh chóng giải quyết một vấn đề cho NTC. Bởi ngay chỉ chuyện tranh cãi sẽ làm gì với thi thể ông hay chôn ông nơi nào đã đủ gây khó khăn cho họ. Nếu ông còn sống, dù bắt được ông, họ sẽ phải mất nhiều tháng để luận tội ông, để xét xử và trừng phạt ông. Và cả chuyện ông xuất hiện công khai, chắc chắn sẽ thách thức khi ở tòa án có thể là sự tập trung cho những người trung thành với chế độ cũ, mà giờ đây đang giữ im lặng.
Những người nổi dậy Tunisia và Ai Cập thì ngày càng lo sợ rằng họ đã rũ bỏ được người đứng đầu trong khi các phần quan trọng của chế độ cũ vẫn không thay đổi và nắm giữ quyền lực. Còn người Libya thì không cần phải sợ hãi, đại tá Gaddfi không còn và thực sự đó là sự khởi đầu mới.
Đó cũng là lý do vì sao họ cần có những quyền cơ bản ngay từ lúc khởi đầu.
Thái An (theo
WSJ, BBC)