Chuyến thăm cấp nhà nước Philippines của Chủ tịch nước nhằm thúc đẩy hợp tác chính trị tin cậy, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, khẳng định chính sách coi trọng hợp tác hữu nghị và nhiều mặt với Philippines. 

>> Tăng hợp tác quốc phòng với Philippines
>> VN-Philippines đẩy mạnh tuần tra chung trên biển

Rời Hà nội trưa nay (26/10), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Philippines 3 ngày theo lời mời của Tổng thống Benigno Aquino III, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ cùng lãnh đạo cấp cao Philippines trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, giáo dục, văn hóa… Hai bên cũng sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhằm thúc đẩy hợp tác chính trị tin cậy, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, khẳng định chính sách coi trọng hợp tác hữu nghị và nhiều mặt với Philippines.

Dự kiến, hai bên sẽ ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng.

Hợp tác biển

Hợp tác chính trị tin cậy là cơ sở để hai nước đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực. 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, Việt Nam và Philippines đã gây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt phát triển tốt, trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Ngay từ năm 2002, Việt Nam và Philippines đã ký "Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: MT 

Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam đã luôn đặt quan hệ với các nước ASEAN nói riêng và khu vực này nói chung như một trong những trọng tâm. Định hướng Ðại hội XI cho thấy Việt Nam xác định việc tham gia trong ASEAN trở thành một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại, ngang với "quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng chung biên giới".

Với Philippines, một trong ba trụ cột chính sách đối ngoại của quốc gia này là tăng cường quan hệ song phương với các nước ASEAN. Năm ngoái, Tổng thống Benigno Aquino III đã thăm chính thức Việt Nam.


Đẩy mạnh hợp tác kinh tế sẽ là bài toán cho Việt Nam và Philippines trong khi tiềm năng hợp tác rất lớn, nhưng kim ngạch song phương hiện vẫn còn ở mức khá khiếm tốn: 2,4 tỷ USD năm ngoái. Philippines là nước khá giàu tài nguyên, khoáng sản như vàng, đồng, sắt, than đá, dầu lửa, khí đốt. Tuy nhiên, nước này mới chỉ xuất khẩu khoáng sản khoảng nửa tỷ USD mỗi năm.


Hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng còn khiêm tốn. Việt Nam chưa có dự án nào đầu tư tại Philippines. Philippines có 55 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn 270 triệu USD tại Việt Nam. Vì lẽ đó, trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ nằm trong nội dung thảo luận trọng điểm của Chủ tịch nước và lãnh đạo cấp cao Philippines.


Hợp tác biển và đại dương là một trong những trụ cột chính trong quan hệ hai nước. Là quốc gia quần đảo có 7.017 đảo lớn nhỏ, có tổng bờ biển dài 23.184km, Philippines được xem là đối tác hợp tác biển tiềm năng với Việt Nam. Cho đến nay, hai bên đã có cơ chế Nhóm công tác chung về biển và đại dương, họp thường kỳ hàng năm và vừa được nâng cấp thành Ủy ban hỗn hợp về biển và đại dương cấp thứ trưởng Ngoại giao. Ủy ban này dự kiến sẽ họp phiên đầu tiên vào năm sau.


Một số mảng hợp tác biển, đại dương chính giữa hai bên đó là khảo sát nghiên cứu khoa học chung về biển và đại dương từ năm 2007. Hai bên đang thảo luận giai đoạn II với sự tham gia của Trung Quốc. Thỏa thuận thăm dò địa chấn chung Việt Nam - Philippines - Trung Quốc bắt đầu năm 2005 và kết thúc vào tháng 6/2009. Hai bên đã ký bản thỏa thuận về hợp tác xử lý sự cố tràn dầu và bản thỏa thuận về hợp tác tìm kiếm cứu nạn cuối năm ngoái.


Linh Thư