- Thảo luận dự án Luật tố cáo sáng nay (25/10), đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, nên thừa nhận tính pháp lý của đơn thư tố cáo nặc danh. Bởi thực tế rất nhiều người dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi sai trái rất sợ bị ảnh hưởng đến người thân. Thậm chí nếu họ tố cáo lãnh đạo thì dễ bị rơi vào tình cảnh bị trù dập.
Dự án Luật tố cáo với những quy định còn gây tranh cãi đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, nên cuối phiên thảo luận sáng nay, rất nhiều đại biểu chưa có cơ hội lên tiếng đã phải gửi ý kiến bằng văn bản.
Thư nặc danh cũng là thông tin
Sau nhiều tranh cãi, ban soạn thảo đã quyết định không công nhận tố cáo nặc danh.
Theo giải thích của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo. Tránh tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để gửi đơn thư sai sự thật, vô căn cứ, gây phức tạp và mất đoàn kết nội bộ. Làm tốn kém cả thời gian lẫn công sức cho các cơ quan, tổ chức đi xác minh.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Nhiều cơ quan, đơn vị vẫn công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ người dân. Ảnh: Minh Thăng |
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), phải xem nội dung đơn thư tố cáo là dữ liệu tham khảo trong xem xét đánh giá cán bộ và đơn thư tố cáo nặc danh có giá trị cảnh báo tốt. Ông Phương giải thích, người gửi đơn thư rất sợ liên lụy đến gia đình thân thích. Nếu không bị trù dập thì cũng bị mỉa mai, cạnh khóe.
Bên cạnh đó, không ít trường hợp nhân viên dưới quyền tố cáo hành vi sai trái của lãnh đạo, nhưng rồi vị lãnh đạo đó vẫn được tại vị. "Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa thủ trưởng và nhân viên sẽ hết sức nặng nề, họ có thể bị để ý, bị nghi kỵ và e dè", ông Phương nói.
Tán thành ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thanh Nam (Cà Mau) phân tích thêm, người gửi thư nặc danh có thể vì lý do nào đó muốn giữ kín thân phận. Song, thông tin tố cáo họ cung cấp nếu có đầy đủ bằng chứng, địa chỉ sai phạm thì cơ quan có trách nhiệm cần thẩm tra, xác minh. Có như vậy mới đủ cơ sở để xác minh thực hư, đúng sai. "Chúng ta nên coi tố cáo không ghi tên tuổi địa chỉ là một dạng cung cấp thông tin, và nên bổ sung các quy định này vào luật", ông Nam nói.
Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), trong bối cảnh rất nhiều người dân e sợ rào cản của việc tố cáo người có chức quyền và cơ quan nhà nước thì nên cân nhắc tính pháp lý của hình thức gửi đơn thư nặc danh.
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu cũng phân tích nhiều nội dung quanh cơ chế đặc thù bảo vệ người tố cáo. Nói như đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), hầu như cả 88 người tố cáo tham nhũng vừa được vinh danh mấy năm qua ai nấy đều nói về việc họ đã từng bị trù dập nhiều lần. "Người tố cáo thường yếu thế hơn nên dễ bị trù dập. Do đó, dự án luật cần khẳng định việc phải bảo vệ người tố cáo cho dù họ có yêu cầu hay không", bà Thúy nói.
Rất nhiều cơ quan có đường dây nóng
Về việc tố cáo bằng thư điện tử (email), fax, tố cáo qua điện thoại, trong báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa nên thừa nhận các hình thức tố cáo mới này mà vẫn tiếp tục duy trì hai cách thức cũ là tố cáo trực tiếp và gửi đơn. Lý do là để tránh bị lợi dụng, vu khống, xuyên tạc, nhất là trên các trang mạng điện tử, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác.
Đây là một điểm mới, bởi chỉ một tuần trước, trong phiên thảo luận ở Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo đã bổ sung cách thức tố cáo bằng email, điện thoại và đã nhận được sự tán thành.
Tại phiên thảo luận sáng nay, các ĐBQH có những quan điểm trái ngược về vấn đề trên.
Ở phía những người phản đối nhận đơn thư tố cáo qua email, điện thoại, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, nếu mở rộng thêm các cách thức mới như vậy e sẽ dẫn đến không thể kiểm soát được thông tin. Nhất là trong bối cảnh đơn thư tố cáo thường dồn dập vào thời điểm bầu cử hoặc các kỳ Đại hội. Nếu chấp nhận con đường tố cáo qua email, điện thoại có thể sẽ làm phức tạp thêm tình hình.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, nhiều cơ quan, đơn vị như các bệnh viện, tuyến xe buýt vẫn công khai số điện thoại đường dây nóng và hộp thư nóng để tiếp nhận thông tin từ người dân. Do đó, cần sớm thừa nhận cách thức tố cáo mới này.
Rất nhiều đại biểu khác tán đồng với phân tích trên. Bởi, thực tế các hình thức tố cáo như trên đã được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng. Đây là cách mở rộng dân chủ, đồng thời khuyến khích hành vi chống tiêu cực, tham ô, lãng phí. Vì thực chất chỉ là việc mở rộng các hình thức tố cáo khác nhau để cùng gửi một nội dung. Dù tố cáo dưới hình thức nào, cơ quan chức năng cũng đều phải xác minh thông tin. Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) còn cho rằng, "dứt khoát phải bổ sung quy định về tố cáo qua email, điện thoại".
Dự án luật sẽ được tiếp thu, chỉnh lý trước khi thông qua vào cuối kỳ họp.
Lê Nhung