- Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm hôm nay (26/10), Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) dẫn câu chuyện sát thủ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng ở Bắc Giang và kết luận "tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng và trở thành một hiện tượng xã hội".
Rất nhiều vấn đề bức xúc trong công tác phòng chống vi phạm pháp luật đã được nêu trong phiên họp sáng nay, như gia tăng tội phạm vị thành niên, vỡ nợ tín dụng đen và các bất ổn xã hội khác...
Tăng hình phạt với tội phạm trẻ
Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, tình hình tỷ lệ tội phạm vị thành niên gia tăng cần phải được mổ xẻ, phân tích tìm giải pháp. Đã có hàng loạt vụ án mạng xảy ra, rồi các vụ việc như chống người thi hành công vụ, tát cảnh sát giao thông... Một trong các lý do làm gia tăng tỷ lệ tội phạm trẻ, đó là xử lý chưa nghiêm khắc. Nhiều vụ việc xảy ra đã lâu, do quá trình điều tra kéo dài và đến thời hạn xử lý, áp lực công luận đã nguội nên cũng không có nhiều sức răn đe.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm: Chuyện
giáo dục kỹ năng sống trong trường học chưa được quan tâm đúng mức |
Ngay trong khâu xử lý tội phạm vị thành niên, pháp luật vẫn còn để lại nhiều lỗ hổng, đó là chưa kịp thời điều chỉnh các hành vi phạm tội nghiêm trọng của trẻ vị thành niên nên cũng bỏ lọt tội hoặc hình phạt chưa nghiêm khắc.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cho rằng, mọi biện pháp giáo dục đối tượng này phải xuất phát ngay từ trong gia đình, sau đó là sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể xã hội.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phản ánh, tuổi phạm tội đang ngày càng trẻ hóa, thậm chí cả với tội giết người, và đây là vấn đề đáng báo động. Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) cũng phàn nàn tình trạng trường học chỉ lo dạy chữ mà không quan tâm dạy người.
Các nữ đại biểu khác cũng bày tỏ quan ngại về tình hình gia tăng tội phạm vị thành niên. Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng, nên nhìn nhận đúng mức vấn đề trên bởi hiện tượng tha hóa trong một bộ phận thanh thiếu niên sẽ là nguy cơ của các năm tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) đề xuất tăng hình phạt với đối tượng vị thành niên nhưng phạm các tội nghiêm trọng.
Bất ổn xã hội
Nhiều đại biểu bày tỏ âu lo về tình trạng mất trật tự an toàn xã hội, thể hiện ở các dấu hiệu bất ổn như sự thờ ơ, vô cảm của người dân, hàng loạt vụ vỡ quỹ tín dụng đen, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tập thể...
Đại biểu Tô Văn Tám: Đáng chú ý là tội phạm giết người chiếm tỷ lệ lớn |
Như phản ánh của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), trong các tội giết người thì có tới 95% vụ việc do nguyên nhân từ xã hội mà ra. "Biện pháp là phải tìm cách nâng cao đạo đức xã hội, chứ chỉ trông chờ vào luật pháp là không được", ông Sinh nói.
Dẫn con số về hàng loạt loại tội phạm đã gia tăng trong năm qua, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho hay, hiện tượng trên đã gây băn khoăn và bất an trong dân. Đáng chú ý là tội phạm giết người chiếm tỷ lệ lớn, mà chủ yếu do nguyên nhân xã hội. Ông Tám đề nghị phải đánh giá kỹ các nhân tố bất ổn là mầm mống nảy sinh vấn đề trên. Trong tương lai, nếu vẫn khoét sâu tình trạng chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội liệu có tiềm ẩn những mối nguy khác?
Nhiều đại biểu phân tích câu chuyện hàng loạt vụ vỡ tín dụng đen gần đây và cho rằng nếu không có biện pháp xử lý sẽ tạo ra tâm lý bất an trong dân. Theo đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An), các vụ đổ vỡ, lừa đảo tín dụng, phá sản... đều là hệ quả phụ của chính sách siết chặt tín dụng. "Tội phạm phản ánh bất cập trong chính sách, cơ chế, sự chưa hoàn thiện về luật pháp", bà Yến nói.
Cuối giờ chiều nay, Quốc hội vẫn tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác đặc xá.
"Đã xuất hiện một loại tội phạm mới đó là giả danh cán bộ cao cấp. Vừa qua xuất hiện hàng loạt website cá nhân của các lãnh đạo do ai đó lập nên và đăng những thông tin không chính thống" (Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến). |
Lê Nhung - Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng