“Chúng ta đang ở tình trạng đã phóng lao, phải theo lao. Đã trót hứa với dân về dự án rồi, địa phương muốn cắt cũng không được”, ĐB Trần Du Lịch bàn về việc dùng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP).

Không nơi nào chịu cắt

Thảo luận ở tổ chiều 31/10, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nam Lê Văn Tân cho rằng, tình trạng dàn trải trong đầu tư vốn từ TPCP đã biến Việt Nam thành một đại công trường.

“Nếu vẫn tình trạng dàn trải như hiện nay, đến 2015, chúng ta vẫn là đại công trường và không cắt được dự án nào hết”, ĐB Tân cảnh báo.

Thảo luận ở tổ đại biểu Hải Phòng. Ảnh: Phương Loan


Theo ông Tân, “Trung ương không nên ngồi một chỗ chia tiền đều cho tất cả các dự án mà nên bố trí một số tiền nhất định, phân bổ cho các tỉnh để các tỉnh tự chọn dự án nào cần sẽ làm, dự án nào chưa cần sẽ cắt hoặc có phương án phù hợp”.

Theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), Việt Nam đang ở tình trạng “phóng lao phải theo lao”. “Chúng ta đã bày ra toàn bộ, mỗi thứ làm ít, bây giờ nếu không phát hành trái phiếu để làm cho xong thì coi như bỏ, càng lãng phí”.

Nói là cắt, nhưng thực ra chúng ta không cắt được dự án nào hết. Địa phương nào cũng hứa với dân làm chỗ này chỗ kia hết rồi, bây giờ cắt là lôi thôi, ông Lịch lưu ý.

Theo ông Lịch, vấn đề nằm ngay ở quy trình quyết định dự án đầu tư bằng vốn TPCP. Chúng ta xây dựng bộ tiêu chí quá chung chung, các địa phương tự xem xét, trình dự án lên để duyệt. Tổng số dự án được trình lên ở mức hơn 600.000 tỷ đồng, thực hiện chỉ 1/3.

“Riêng chuyện làm sao loại được 2/3 dự án, công trình để 1/3 được làm đã rất khó, không tránh khỏi việc phát sinh tiêu cực”, ĐB Lịch nhận xét. “Không ai làm theo hình thức cứ để từng ngành, từng địa phương cứ làm rồi trình lên, nảy sinh tình trạng ‘chạy’ dự án như vậy”.

Chính phủ cạnh tranh tín dụng với DN

Bản thân việc phát hành TPCP, theo các đại biểu, cũng có vấn đề.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải với cách tiếp cận của người làm quản lý địa phương, cho hay, nói là huy động nguồn lực xã hội nhưng thực tế không phải vậy. Ở TP.HCM, nguồn hơi vênh so với mục tiêu đặt ra. Thực tế các cơ quan nghiên cứu phân tích hiệu quả nguồn thì 70-80% là qua kênh ngân hàng kho bạc nhà nước.

ĐB Lịch cho hay, hiện nay, 90% trái phiếu phát hành qua ngân hàng thương mại mua qua hình thức đấu giá lãi suất. Theo lẽ thường, ngân hàng sẽ phát hành chứng chỉ để bán lại cho dân. Thế nhưng ở ta, ngân hàng chọn cách dễ dàng hơn: mang đến ngân hàng trung ương để hưởng lãi suất tái chiết khấu.

Nói cách khác, ngân hàng thương mại lấy 10,5% lãi suất của Bộ Tài chính, mang đến Ngân hàng Nhà nước để lấy lãi hơn 2%. Tiền thu được trái phiếu lại không phải chịu thuế. Mà việc đầu tư này lại đơn giản, không cần thẩm định gì.

“Đó là cách làm khỏe nhất và ổn định cho ngân hàng, bởi không ôm con nợ nào an toàn bằng con nợ Chính phủ hết”, ĐB Lịch nói.

Ông đơn cử, giữa năm  2010, vào lúc DN kêu thiếu vốn, thì Bộ Tài chính nâng lãi suất trái phiếu lên 10,5%, ngân hàng lập tức đổ 48.000 tỷ vào trái phiếu, tiền nào còn lại cho DN?

Vô hình trung, “Chính phủ cạnh tranh tín dụng với DN”, ĐB Lịch phân tích.

Nhiều lỗ hổng

Xác định TPCP thực chất là vay nợ, đã là nợ thì phải biết khả năng trả nợ thế nào, hiệu quả sử dụng ra sao, thế nhưng, việc huy động và sử dụng vốn trái phiếu ấy, theo các ĐB, “có quá nhiều lỗ hổng”.

Chủ tịch Hội LHTNVN Nguyễn Phước Lộc đơn cử, chúng ta đã từng có chương trình trái phiếu để nâng cấp bệnh viện đa khoa, đầu tư tiền xây bệnh viện, nâng cấp thiết bị, nhưng lại quên đào tạo đội ngũ bác sỹ để vận hành trang thiết bị y tế. Nguồn vốn nhà nước vì thế lãng phí.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt vấn đề sử dụng vốn trái phiếu thế nào, khâu quản lý còn rất lỏng lẻo. “Lỏng lẻo ở đâu, lãng phí mức nào, có tiêu cực gì, Chính phủ cần phải làm rõ”.

“Cần có đánh giá hết sức thẳng thắn xem địa phương nào, đơn vị nào làm tốt, làm dở, để làm cơ sở phân bổ cho năm sau”, bà Tâm khuyến nghị.

Chỉ phát hành khi có dự án cụ thể

Các đại biểu cho rằng, TPCP cần được đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, chỉ phát hành cho các công trình cụ thể khi có nhu cầu.  

"Chúng ta cần phải xác định rõ vay qua trái phiếu để làm gì. Hiện nay, tôi có cảm giác, CP không đủ ngân sách để chi nên đi vay, còn chưa cần biết vay để làm gì cho hiệu quả", ĐB Nguyễn Xuân Trường, Hải Phòng nói.

Hơn nữa, không thể chỉ phát hành trái phiếu cho công trình không thu hồi vốn. Theo ĐB Lịch, phải dành một phần trái phiếu làm vốn mồi thu hút đầu tư của tư nhân vào để thực hiện đầu tư cho công trình theo hình thức công tư kết hợp. Tỷ lệ bao nhiêu phải tính toán.

Đại biểu Lịch khuyến nghị, với các công trình dang dở, cái nào thuộc danh mục được làm bằng hình thức khác thì loại khỏi danh mục dùng trái phiếu. Còn lại loại 20 - 30% Nhà nước đã bỏ ra để làm mà thuộc các hình thức khác cũng làm được Nhà nước kêu gọi luôn đầu tư từ các loại hình DN khác để kết hợp, coi như phần đã rót là vốn Nhà nước góp. Ngân sách theo đuổi rót thêm 70 - 80% cho mỗi công trình dở nữa thì rất khó.

Chúng ta xác định năm 2014, vốn TPCP phải đưa vào cân đối luật ngân sách. Thời gian từ nay đến 2014 là giai đoạn quá độ, từng bước đa dạng nguồn vốn.

Phương Loan - Lê Nhung