- "Đi trên trực thăng nhìn xuống đất thấy màu xanh thôi chứ diện tích rừng tự nhiên không còn lại bao nhiêu, chất lượng gỗ cũng rất kém", đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) chia sẻ tại buổi họp tổ sáng nay (1/11) bàn về chương trình 5 triệu ha rừng.
>> "Kiên quyết dừng cho nước ngoài thuê đất rừng"
>> Cho nước ngoài thuê đất rừng:Chính phủ nói 10, QH bảo 18
Theo ông Niễn, diện tích rừng tự nhiên hiện nay đã bị mất đi đáng kể. Công tác giữ rừng đang có vấn đề. Dọc trục đường Quốc lộ 14 hiện nay gần như đã mất hết rừng. Nếu còn lại cũng là rừng nghèo và rừng hỗn giao (chiếm tới 70%).
ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận). Ảnh: Lê Nhung |
Thời gian làm việc ở Bình Phước, đơn vị của ông cũng đã từng tạo điều kiện cho các bí thư, chủ tịch tỉnh đi trực thăng thăm rừng. "Nhìn từ trên xuống đúng là không còn thấy rừng nữa. Con số hiện nay có lẽ chỉ là tổng hợp để báo cáo thôi, hoặc là chưa tách các diện tích cây xanh với cây công nghiệp", ông Bình nói.
Một trong các nguyên nhân đẫn đến tình trạng không còn giữ được rừng, theo ông Bình là chế độ lương cho kiểm lâm quá thấp, chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Mặt khác, việc giao đất rừng cho các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại bởi hầu như doanh nghiệp đều phá rừng trồng cao su. Quy hoạch thủy điện chưa hợp lý cũng góp phần phá rừng.
Ông Bình không đồng tình với việc Chính phủ đưa ra lý do chưa trồng được nhiều rừng là vì thiên tai, thời tiết. Theo ông, nguyên nhân chính là nạn phá rừng đã diễn ra quá phổ biến.
Đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP.HCM) cũng cho rằng, có nơi rừng chỉ còn trên giấy, nhưng địa phương không nắm được, không đánh giá được. Vì vậy, phải có kế hoạch tổng rà soát để có phương án quản lý thích hợp và kiên quyết xử lý hành vi phá rừng, chăm sóc và phát triển rừng trồng mới.
Đại biểu Đặng Vương Tuấn (Bến Tre) cho rằng "tiến độ phá rừng hiện nay nghe mà đau lòng". Theo ông, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra nghiêm trọng chứ không giảm như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo. Thậm chí, những thống kê về tình trạng cháy rừng cũng chưa thật sự chính xác.
Gỗ không phải là cây kim
Nói như đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), tất cả đại biểu đều nghi ngờ và không tin các con số về thành tích trồng rừng vì thực tế con số này bị biến dạng. Giao đất rừng cho doanh nghiệp nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp đi trồng rừng hay chỉ toàn chuyển sang trồng cao su, hoặc tận dụng cơ chế để khoán hộ trở lại. Đất rừng nhưng bên trong xây dựng các khu nghỉ dưỡng cũng tính vào?
"Quốc hội phải có chương trình giám sát thực địa để xem đúng là còn chừng ấy diện tích rừng không hay chỉ còn trên giấy tờ?", ông Lịch nói.
Nhiều đại biểu đề xuất phương án hỗ trợ dân để dân bám rừng giữ rừng và phải xem đây là bài toán lâu dài. Đồng thời, có ý kiến khẳng định phải quy trách nhiệm nặng cho địa phương bởi tình trạng khai thác gỗ lậu hoặc tấn công lâm tặc, địa phương không thể không biết. "Cây gỗ chứ không phải cây kim vì chặt xong thì phải tiến hành khai thác, chở", ông Đỗ Ngọc Niễn nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích một khía cạnh khác, đó là việc Chính phủ phải tổng kết tình hình cho nước ngoài thuê đất rừng. Trong khi người dân vẫn cần đất thì tỉnh vẫn cho nhà đầu tư nước ngoài thuê với giá rẻ, lại ở vị trí trọng điểm quốc phòng an ninh. Cho dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp trước nhưng cử tri muốn biết tiến độ xử lý hiện nay ra sao, có cho phép dừng hay vẫn tiếp tục.
Đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP.HCM) "hiến kế", giao rừng cho quân đội có thể là biện pháp tốt để giữ rừng, bởi quân đội làm tốt công tác di dân, bảo vệ rừng, cấu trúc lại dân cư, bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Đồng bào dân tộc làm việc trong các dự án rừng do quân đội quản lý cũng có thu nhập ổn định. Hiện, lực lượng vũ trang chỉ được giao chưa đến 200.000 ha rừng.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH khác. Chẳng hạn, ông Đặng Vương Tuấn (Bến Tre) cũng đề xuất "phải mạnh dạn giao thêm rừng cho quân đội" bởi hiệu quả giữ rừng đã được chứng minh trong thực tế.
Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng kéo dài 13 năm (từ 1998 - 2010) đến nay đã kết thúc. Tuy nhiên, kế hoạch tiếp theo làm gì để giữ rừng, có nên triển khai tiếp dự án hay chuyển thành một "chương trình mục tiêu quốc gia" vẫn là vấn đề đang được thảo luận. Dự kiến cuối kỳ họp Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng toàn quốc.
"Ngay Bộ trưởng Cao Đức Phát cho
hay chỉ đến khi báo Sài Gòn Giải phóng phản ánh ông mới biết có chuyện phá rừng
thường xuyên ở vườn quốc gia Yok Đôn để chỉ đạo xử lý. Bộ trưởng mà không có ban
bệ đầy đủ làm nhiệm vụ giám sát và thông tin cho mình?".
ĐBQH Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) |
Lê Nhung - Thủy Chung