Năm 2011, Trung Quốc sẽ áp dụng hàng loạt biện pháp cụ thể để xóa bỏ việc tổ chức tiệc tùng, hội nghị xa hoa của các quan chức. Điều này nằm trong những nỗ lực mới nhất để ngăn chặn nạn tham nhũng làm xói mòn lòng tin vào chính phủ.
Theo Trung Hoa Nhật báo, năm tới đây, Trung Quốc sẽ tiến hành chiến dịch ngăn chặn loại hình "tham nhũng mới”: tổ chức tiệc tùng, hội nghị, diễn đàn xa hoa của các quan chức, đồng thời thắt chặt sự quản lý với việc sử dụng xe công.
Tiệc tùng, hội nghị xa hoa của các quan chức bị Trung Quốc coi là loại hình tham nhũng mới. Ảnh minh họa: wordpress
Một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp cho biết, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng một chính phủ sạch trong năm nay, nhưng chiến dịch chống tham nhũng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, loại hình tham nhũng mới kể trên là những vấn đề nổi trội, khiến người dân phản đối mạnh mẽ.
"Quá nhiều diễn dàn lớn, hầu hết là không tác dụng, sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp ngân sách nhà nước”, Chu Lí Gia, một giáo sư nghiên cứu tham nhũng tại Học viện Quản lý Trung Quốc cho biết.
Cũng theo nhật báo trên, chiều tối 29/12, Trung Quốc tổ chức họp báo, lần đầu tiên công bố Sách Trắng về các nỗ lực chống tham nhũng. Cuốn sách có tựa đề Nỗ lực chống tham nhũng và xây dựng một chính phủ sạch của Trung Quốc.
Trong khi mang lại sự cải thiện lớn về chất lượng cuộc sống cho hầu hết người dân, thì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng dẫn tới tệ nạn tham nhũng rộng lớn và phân biệt giàu nghèo ngày một gia tăng. Người dân than phiền về việc sử dụng sai tiền nhà nước cho các bữa tiệc tùng tốn kém hay những chuyến thị sát nước ngoài của quan chức.
Các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc cũng không ít lần nhấn mạnh rằng, tham nhũng là mối đe dọa lớn tới sự ổn định chính trị.
Những năm gần đây, Trung Quốc tiến hành nhiều chiến dịch chống tham nhũng. Một trong những vụ bê bối lớn nhất bị phát hiện có sự liên quan của Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Trần Lương Vũ. Năm 2008, ông này bị kết án 18 năm tù vì vai trò trong vụ bê bối quỹ lương hưu.
Năm ngoái, một chiến dịch khác tại thành phố Trùng Khánh đã phát hiện ra sự liên quan chặt chẽ giữa quan chức chính phủ với cảnh sát - những người đã “bảo kê” cho tổ chức tội phạm. Vụ việc này đã dẫn tới án tử hình với nguyên Cục trưởng Cục tư pháp thành phố, Văn Cường. Theo đó, Văn Cường phải chấp hành bản án tử hình, bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân vì phạm 4 tội danh: nhận hối lộ, hiếp dâm, thu nhập bất minh với số lượng lớn và bảo kê cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Trong tháng 7, Trung Quốc đã đưa ra quy định yêu cầu các quan chức chính phủ và những công ty nhà nước phải báo cáo mọi thứ, từ tài sản cá nhận tới các hoạt động kinh doanh của vợ và con cái. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng, tham nhũng quá ăn sâu bám rễ vào trong hệ thống và không thể giải quyết bằng những quy định.
Nhiều quan tham Trung Quốc có ’’truyền thống" đưa các nguồn lợi bất hợp pháp vào các tài khoản ngân hàng của người thân hay thành viên trong gia đình ở nước ngoài. "Minh bạch là cách tốt nhất để chống tham nhũng", Chu Lí Gia, một chuyên gia chống tham nhũng thuộc Viện Hành chính Trung Quốc cho biết. Một số người kêu gọi thành lập các tổ chức độc lập để chống tham nhũng.
"Rất nhiều quan chức có vợ, con hay người thân đầu tư vào các công ty hay dự án kinh doanh. Chuyện này thời nào cũng có. Bạn có thể chấm dứt tham nhũng chỉ bằng đòi hỏi mọi người phải báo cáo không? Thậm chí họ có báo cáo, thì mọi thứ vẫn luôn là hợp pháp theo điều luật hiện tại", Dương Dương, một giáo sư tại Học viện Chính trị và quản lý công thuộc Đại học Luật và Chính trị Trung Quốc cho biết. "Bạn tự mình đưa ra bản kê khai mà không có ai kiểm tra lại", ông nhấn mạnh. "Rất hiếm tìm ra người làm báo cáo một cách trung thực".
Trung Quốc có những hình phạt rất cứng rắn với người phạm tội tham nhũng. 3 năm trước đây, nguyên Cục trưởng Cục Dược thực phẩm đã bị tử hình với tội danh nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm.
-
Thái An (Theo China Daily, AP)