- Thẩm tra dự án Luật Giáo dục đại học, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, dự án vẫn chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng như quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính sách với cơ sở giáo dục phi lợi nhuận hoặc vì lợi nhuận hợp lý...

Sáng nay (2/11), Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trình bày trước Quốc hội dự án Luật Giáo dục đại học. Trong báo cáo thẩm tra được trình bày ngay sau đó, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đã chỉ ra nhiều tồn tại của dự án. Những vấn đề mà theo ông Thi chưa được giải quyết rốt ráo trong luật.

Chế tài mạnh với các trường vi phạm

Vấn đề về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học đã được quy định trong luật với những nội dung và nguyên tắc cơ bản. Dự thảo luật cũng ghi rõ, giao Bộ trưởng phối hợp với các bộ liên quan quy định cụ thể điều kiện, mức độ trao quyền tự chủ và xử lý hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận lắng nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục đại học. Ảnh: Minh Thăng

Tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Thi, quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội là thuộc tính cơ bản của trường đại học. Đây phải là tư tưởng xuyên suốt của dự án luật, nhất là trong tình trạng cơ chế xin - cho còn phổ biến hiện nay. Do đó, Thường trực UB cho rằng cần quy định cụ thể, chi tiết hơn về đối tượng và lộ trình, đặc biệt và trước hết là tự chủ trong các hoạt động đào tạo. Việc kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ.

Liên quan đến quyền của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, dự án luật ghi rõ "có quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ".

Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, cần phải trao quyền tự chủ trong vấn đề này về cho các trường. Theo đó trên cơ sở các điều kiện mở ngành, chuyên ngành đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở chuyên ngành đào tạo đã có trong danh mục và chỉ phải báo cáo về bộ để quản lý.

Với các trường vừa mở, trong năm đầu tiên, Bộ trưởng sẽ xem xét hoạt động đào tạo, mở chuyên ngành. Đồng thời, cần tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát và có chế tài mạnh với các lỗi vi phạm.

Giảng viên tối thiểu phải là thạc sĩ

Về việc kiểm định chất lượng đào tạo, Thường trực UB cho rằng, tất cả các nội dung này trong dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở mức độ đề ra các nguyên tắc cơ bản và khái quát, chưa đủ cụ thể cũng như chưa đề cập rõ trách nhiệm, quyền hạn các trường.

Theo ông Đào Trọng Thi, cần quy định việc tham gia kiểm định chất lượng đào tạo là bắt buộc. Luật cũng phải làm rõ các vấn đề về quy trình, chu kỳ kiểm định, quy trình công khai hóa kết quả. Đặc biệt, nên có chính sách ưu tiên, khuyến khích các trường tham gia kiểm định. Kết quả kiểm định sẽ được xem là căn cứ để phân loại chất lượng đào tạo các trường. Kết quả này sẽ là căn cứ để có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và có chế tài với các trường không đạt chất lượng.

UB cũng đề nghị ban hành bộ chuẩn quốc gia về chất lượng giáo dục đại học và yêu cầu về chất lượng tối thiểu với chương trình đào tạo đại trà.

Liên quan đến chất lượng đội ngũ giảng viên, UB cho rằng, phải quy định trình độ chuẩn của giảng viên là từ thạc sĩ trở lên. Với những trường mới thành  lập hoặc ở vùng khó khăn thì có thể cho phép tạm tuyển dụng một tỷ lệ nhất định số người có trình độ tương đương với điều kiện sau một thời gian nhất định phải đạt được chuẩn.

Theo chương trình nghị sự, sáng 4/11, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về dự án trên. Phiên thảo luận toàn thể trên hội trường sẽ diễn ra chiều 14/11.

Lê Nhung