- Việc áp dụng bảo hiểm chỉ cho tiền đồng hay cho cả ngoại tệ và vàng vẫn tiếp tục được tranh luận tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 3/11.

Rủi ro đã có Nhà nước chịu!
 
Bàn về Luật bảo hiểm tiền gửi, điều các đại biểu băn khoăn là thiếu thông tin và không hiểu gì nhiều về lĩnh vực. Chúng ta chưa hề có luật cho hoạt động này.

Người dân ít quan tâm vì nghĩ ngân hàng là an toàn. Có sự ngộ nhận tiền gửi đã được Nhà nước bảo hiểm hết”, ĐB Trần Hoàng Ngân chỉ ra thực tế. Thực chất bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm 50 triệu đồng với tiền gửi. Theo ĐB Ngân, cần sớm thông báo cho dân, giải quyết ngộ nhận này.

“Hạn mức đền bù chỉ 50 triệu đồng nếu ngân hàng phá sản. Bình thường, ngân hàng lãi nhiều, nhưng khi rủi ro, người dân lại gánh chịu”, ĐB Trương Thị Ánh băn khoăn. “Quyền lợi người gửi tiền chưa được thỏa mãn, chưa sòng phẳng”.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Ngân dẫn ra con số năm 2010, nguồn vốn mà bảo hiểm thu phí được 6.900 tỷ đồng, quá nhỏ nếu một ngân hàng phá sản vì ngân hàng nhỏ có tài sản đã 10.000 tỷ đồng. Theo ông, phải điều chỉnh ngay hạn mức bảo hiểm. Đền bù 50 triệu đồng như hiện nay là chưa tương thích, không an toàn.

Đo sức khỏe ngân hàng, phân loại rủi ro

Phân tích ba mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới: chi trả khi ngân hàng phá sản; ngăn chặn rủi ro, giám sát mở rộng hoạt động ngân hàng và giảm thiểu rủi ro, ĐB Trần Du Lịch chỉ rõ, Việt Nam đang theo đuổi mô hình thứ ba. Theo đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thêm chức năng thẩm quyền giám sát từ xa, cảnh báo, phòng ngừa rủi ro.

Lâu nay các ngân hàng thương mại đóng phí đầy đủ. Vấn đề là, hệ thống ngân hàng thương mại chưa phân loại các loại rủi ro nên tất cả các ngân hàng đều chung một loại phí, dù khỏe yếu khác nhau.

“Ngân hàng đang lời nhiều nhưng chẳng may lỗ thì Nhà nước chịu, không đảm bảo cho dân chọn được ngân hàng an toàn để gửi”, ĐN Ngân nhấn mạnh. ĐB Lịch chuyển ý kiến của các ngân hàng thương mại cho rằng phải phân loại để đóng phí phù hợp. Chính phủ có khung quy định phí, ngân hàng nào rủi ro nhiều đóng cao.

Đồng tình, ĐB Ngọc Hòa nói thêm, cần có chương quy định để cho các tổ chức bảo hiểm đo lường được sức khỏa các ngân hàng, tín dụng. “Phải có cơ chế, điều luật nào đó để làm việc này”.

Ông Lịch không quên nhắc, thực ra rủi ro hiện có Nhà nước bảo lãnh hết rồi, nhưng làm luật cần cho tương lai.

Lo an toàn hệ thống

Khác với quan điểm cho rằng việc cấm bảo hiểm tiền gửi với vàng bằng USD là để bảo vệ quyền lợi của số đông người dân, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển tư vấn nên bảo hiểm cho cả ngoại tệ.

Điều này, theo ông Hiển, sẽ giúp hút dòng tiền ngoại tệ đang trôi nổi trong dân, giảm đi những hoạt động và cơ chế giao dịch ngầm không kiểm soát được hiện nay, giúp lành mạnh hóa nền kinh tế.

Tình trạng đôla hóa là cần tránh nhưng chưa phải bây giờ, đồng tiền nước nào cũng khó tránh phụ thuộc vào đồng đôla”, ông Hiển nhấn mạnh, bởi thế luật không nên đứng ngoài cuộc sống.

ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) cho rằng, đôla không cho lưu hành mà phải chịu sự quản lí của Nhà nước, nếu không người ta đem ra bên ngoài, đưa vào tín dụng đen, dễ gây đổ vỡ.

Vả lại, như ĐB Trương Trọng Nghĩa chỉ ra thực tế Việt Nam đã có những chi nhánh ngân hàng ngoại. Việt Nam không nhận bảo hiểm ngoại tệ thì dân gửi vào ngân hàng nước ngoài, mua bảo hiểm của nước sở tại. Tiền gửi vì thế sẽ giảm sút do không cho bảo hiểm ngoại tệ.

Trong khi đó, tiền đồng lại không dễ dàng chuyển đổi như tiền Hàn Quốc, Thái Lan. Do đó, việc không bảo hiểm sẽ làm khó cho dân, ĐB Nghĩa phân tích.

ĐB Trần Hoàng Ngân thú nhận với việc bảo hiểm tiền đôla, chính ông lúc ủng hộ, lúc không. Nghiên cứu của ông cho thấy, hiện Việt Nam có 10 tỷ USD dân gửi. Nếu không bảo hiểm, dân sẽ rút ra, liệu có tạo tình hình căng thẳng? Nếu không bảo hiểm e rằng sẽ đe dọa tính an toàn của hệ thống.  Hơn nữa, cán cân thương mại đang thâm hụt được bù đắp một phần khá lớn từ kiều hối.

“Điều khó xử là mình đang muốn chống USD hóa, nhưng điều hành cứ để USD tăng giá so với tiền đồng thì việc tạo niềm tin, để người ta tự giác chuyển sang tiền đồng cũng khó”, ông Ngân phân trần.

Theo vị đại biểu này, chúng ta nên đưa USD vào trong một thời gian nữa, 5-10 năm. “Khi người dân có niềm tin thì có thể xóa điều khoản này vì luật có thể điều chỉnh”.

Cũng trong buổi họp tổ sáng 3/1, các ĐB cho ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi. Là luật đã thực hiện cả chục năm, nay sửa đổi bổ sung nhưng ĐB Bùi Nguyên Súy (Sơn La) không thấy dự thảo có gì điểm gì mới. “Luật đem ra sửa thì phải sáng ra và cụ thể hơn”, ông nói.

ĐB Y Mửi (Kon Tum) lưu ý một số thực trạng đang bức xúc trong sử dụng nước chưa được dự thảo luật đề cập như việc nông dân dùng thuốc từ sâu và diệt cỏ chảy ra sông ngòi, các cơ sở y tế xả nước thải ra nguồn nước chung; ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) thì nhắc đến hoạt động của các nhà hàng nổi trên sông…

Các ĐB đều băn khoăn dự thảo luật chưa chỉ rõ giải pháp cân bằng hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người với việc giữ gìn nguồn nước.

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) lại thấy việc vận hành các hồ chứa trên các lưu vực sông đang bộc lộ nhiều bất cập nhưng không thấy cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc dự báo sai.


Phương Loan - Thủy Chung