- Thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) hôm nay (4/11), UB Pháp luật của Quốc hội cho rằng dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn chủ trương không hành chính hóa tổ chức và hoạt động công đoàn.


Theo UB Pháp luật, luật phải giúp đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp và công đoàn tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, “để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của công nhân tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, có sức hấp dẫn đối với người lao động và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động”.

Đồng thời, công đoàn phải lấy việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động.

Doanh nghiệp góp tài chính đủ cho công đoàn hoạt động

Theo dự thảo luật, một trong những nguồn thu hình thành tài chính công đoàn là “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động”.

Ảnh: Minh Thăng

Có ý kiến trong UB Pháp luật tán thành quy định này song đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình căn cứ quy định mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động? Mức đóng góp nên theo lương cơ bản hay lương thực trả? Tại sao hiện nay các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam thu 2% tổng quỹ lương, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ thu 1%?

Nhưng cũng có ý kiến không tán thành vì cho rằng quy định này chỉ phù hợp với loại hình doanh nghiệp quốc doanh và chế độ tiền lương trước đây; đến nay, tình hình đã thay đổi thì quy định này không còn phù hợp.

Mặt khác, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, do đó việc bảo đảm kinh phí hoạt động của tổ chức công đoàn thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Từ đó, nhiều ý kiến đề nghị, để bảo đảm thống nhất với Luật ngân sách nhà nước cũng như sự bình đẳng của các tổ chức chính trị - xã hội, Luật này chỉ quy định kinh phí hoạt động của công đoàn do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Trường hợp cần doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho công đoàn thì chỉ đóng góp cho công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp một khoản kinh phí cộng với công đoàn phí được trích lại đủ cho công đoàn cơ sở của doanh nghiệp hoạt động, khoản kinh phí này có thể trích từ lợi nhuận sau thuế.

Các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước không phải nộp mà do ngân sách nhà nước phân bổ cho công đoàn theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài ở Việt Nam.
Tuy nhiên cần nghiên cứu, cân nhắc các tác động do việc cho phép kết nạp đoàn viên là lao động nước ngoài. Mặt khác, dự thảo Luật mới chỉ quy định về “quyền gia nhập công đoàn Việt Nam” của lao động là người nước ngoài, mà không có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện và cơ chế cụ thể để họ thực hiện quyền này.

 
Chung Hoàng