- Thảo luận tại tổ chiều nay (8/11) về dự thảo Luật giá, các ĐB đều thống nhất yêu cầu luật này phải minh bạch, công khai và đảm bảo Nhà nước không can thiệp thái quá vào thị trường.

Giá cả đang là vấn đề nóng trong xã hội hiện nay, được xác định là một trọng những điểm mấu chốt đối với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, do vậy các ĐB đồng tình về tính cần thiết có một đạo luật giúp quản lý giá một cách hiệu quả. Song dự luật được đem ra xem xét còn nhiều điểm chung chung và như đa số các luật hiện nay, còn phải chờ quá nhiều quy định cụ thể ở nghị định của Chính phủ.

ĐB Nguyễn Ngọc Hoà (TP.HCM) yêu cầu ban soạn thảo đầu tư hơn, gia công gia cố thêm vì ông thấy "dự luật chưa lường hết được các tình huống có thể xảy ra trong giá để đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời".

"Thời gian gần đây chúng ta gần như bất lực với giá thuốc, sữa, dịch vụ y tế, học phí..., rất nhiều câu hỏi đặt ra như có nên để thị trường hoàn toàn quyết định, việc Nhà nước can thiệp có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, các biện pháp kiểm soát giá chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước hay cả doanh nghiệp tư nhân...", ông Hoà, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op nói. "Nhưng trong dự luật chưa chỉ rõ, chưa giải quyết hết các vấn đề đặt ra".

ĐB Trần Du Lịch: Dự luật "chưa đánh đúng mục tiêu". 
Ảnh: Minh Thăng

ĐB Trần Du Lịch cùng đoàn cũng thấy dự luật chỉ mới bàn các biện pháp hành chính chứ chưa xác định vấn đề quan trọng hơn cả là điều tiết cung cầu ở tầm vĩ mô để đảm bảo giá cả hợp lý với thị trường. Theo ông Lịch, dự luật "chưa đánh đúng mục tiêu".

Ông Lịch đưa ví dụ: "Méo mó giá cả là do dầu cơ thì phải có biện pháp chống đầu cơ, do các sai phạm trong niêm yết giá thì phải có cơ chế minh bạch giá..."

Theo ông Hoà, thời gian qua tương quan giữa thị trường và Nhà nước trong quản lý giá chưa hiệu quả, "có lúc để giá theo thị trường một cách thái quá mà không điều chỉnh kịp, có lúc lại can thiệp quá sâu hoặc can thiệp mặt hàng này mà không can thiệp những mặt hàng liên quan".

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đồng tình rằng trong những thời điểm gay cấn nhất, Nhà nước điều chỉnh chưa kịp thời giá cả một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu. "Nhiều lúc dường như Nhà nước không can thiệp được", ông Vinh dẫn ví dụ lúc giá dầu thế giới tăng thì giá xăng ở ta tăng nhanh, lúc giá thế giới xuống thì trong nước giảm chậm, có giảm chỉ 500 đồng trong khi lên thì vài ngàn đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng can thiệp về giá của Nhà nước nên rõ ràng với các nhóm mặt hàng khác nhau: nhóm các mặt hàng để thị trường quyết định giá, chỉ khi xảy ra biến động lớn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh thì Nhà nước mới can thiệp; và nhóm những mặt hàng Nhà nước can thiệp ngay từ đầu, kể cả khi thị trường ổn định như giá thuốc, học phí, dịch vụ công...

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội QH Bùi Sỹ Lợi chia sẻ quan điểm Nhà nước chỉ can thiệp vào các mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế, còn lại giá cả phải để cho thị trường quyết định. Theo ông Lợi, "tư tưởng thể hiện chung nhất trong luật giá phải là tính công khai, minh bạch, rõ ràng".

Chính sách bình ổn giá cũng được các ĐB quan tâm. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận định hoạt động điều tiết giá của Nhà nước thể hiện ở chính sách bình ổn giá và quỹ bình ổn giá.

"Luật giá phải thiết kế để các chính sách này đến đúng đối tượng. Ở một số địa phương vừa qua cũng đã xây dựng quỹ bình ổn giá, nhưng người dân phản ánh là chỉ triển khai ở một số siêu thị và để cho một số đối tượng được hưởng, trong đó không có người dân", bà Hường phản ánh.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thì cho rằng bình ổn giá không chỉ khi giá tăng mà cả khi giá giảm. ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đồng tình "luật ban hành phải đưa ra các quy định sao cho có lợi cho người tiêu dùng nhưng cũng phải quan tâm tới việc chống bán phá giá không để xảy ra tình trạng các mặt hàng hạ giá vô tội vạ".

Theo ông Ngân, đây là điểm cần làm rõ vì mục tiêu bình ổn giá không chỉ để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô mà quan trọng không kém là bảo vệ quyền lợi của cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng việc bình ổn giá mang tính chất thời điểm, phụ thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, chỉ là biện pháp mang tính chính sách, không nên đưa vào luật, là văn bản mang tính thể chế lâu dài, mà chỉ nên quy định ở tầm pháp lệnh. Trong luật chỉ nên quy định những hoàn cảnh cần đến chính sách bình ổn giá, không nên quy định biện pháp cụ thể.

Chung Hoàng - Lê Nhung