LTS: Ngày khai mạc Đại hội XI của Đảng đang đến gần. Nhân dân cả nước trông chờ vào kết quả sự kiện quan trọng bậc nhất trong năm 2011 này, với mong muốn Đại hội sẽ có những quyết định sáng suốt "sao cho hợp lòng dân" như Bác Hồ từng căn dặn. VietNamNet giới thiệu bài viết của nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Trần Đình Huỳnh.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tới nay, liên tục đã 66 năm. Trải qua biết bao nhiêu biến đổi, thăng trầm, vận mệnh đất nước đều do Đảng chèo lái và quyết định. Trong giai đoạn hiện nay, hiện tình đất nước, phương hướng phát triển của dân tộc và lựa chọn những người xứng đáng lãnh đạo quốc gia... đang chờ đợi sự sáng suốt và bản lĩnh cách mạng của các vị, bởi vì các vị, mỗi người đều là một thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng - trên thực tế cũng là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Đại hội quyết định vận mệnh dân tộc
Đảng thực hiện chế độ làm việc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Nhưng cơ quan lãnh đạo cao nhất, có quyền hạn cao nhất lại chỉ làm việc một lần duy nhất ở đại hội đại biểu toàn quốc, còn suốt cả nhiệm kỳ (5 năm), quyền lực ấy được ủy thác cho Ban chấp hành TƯ (BCHTƯ) quyết định. Cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của Đảng - BCHTƯ - cả khóa cũng chỉ làm việc tập thể dưới hình thức hội nghị Trung ương khoảng trên dưới 15 lần. Trong suốt thời gian còn lại đều do Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảm trách và quyết định.
Đảng viên và nhân dân tha
thiết mong mỗi vị đại biểu dự Đại hội XI hãy sáng suốt, có bản lĩnh, có thái độ khách quan
nhìn thẳng vào sự thật, để thảo luận, kiểm điểm, đánh giá đúng thành tích, ưu
điểm và cả những tồn tại, yếu kém. Ảnh minh họa: Biểu quyết tại ĐH đảng bộ quận Tây Hồ, Hà Nội |
Vì thế, có thể nói vận mệnh của
Đảng và của cả dân tộc trong những năm trước mắt được quyết định ở Đại hội lần
này. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào chính ý chí và lá phiếu của các đại biểu. Đại
hội quan trọng bậc nhất đối với vận mệnh đất nước nhưng cũng chỉ làm việc một
thời gian ngắn, mọi văn bản đều do BCHTƯ khóa X chuẩn bị.
Những văn bản đó, dù có được soạn thảo nghiêm túc ở mức cao nhất thì cũng chỉ là
văn bản của một tập thể nhỏ và là cấp dưới của Đại hội đại biểu toàn quốc chuẩn
bị, nó không thể thay thế cho trí tuệ của toàn Đảng đã gửi gắm và trao quyền cho
các vị đại biểu quyết định.
Vì vậy, đảng viên và nhân dân tha thiết mong mỗi vị đại biểu hãy sáng suốt, có bản lĩnh, có thái độ khách quan nhìn thẳng vào sự thật, để thảo luận, kiểm điểm, đánh giá đúng thành tích, ưu điểm và cả những tồn tại, yếu kém, trì trệ và sai lầm trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, từ đó rút ra các vấn đề cần giải quyết và quyết định những giải pháp khả thi.
Nếu không như vậy thì các giải pháp MỚI đề ra lại hóa ra KHÔNG MỚI.
Quá khứ vinh quang của Đảng vô cùng quý giá, là tài sản tinh thần, là bài học cho hôm nay và mai sau nhưng tuyệt nhiên không phải là cái bóng bao trùm, che khuất những sai lầm, yếu kém, khuyết điểm của hiện tại. Con thuyền cách mạng chỉ có tiến lên chứ không bao giờ trở lại cũng giống như người ta không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông.
Đảng ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Vậy xin các vị đại biểu lưu ý chỉ dẫn sau đây của Người trong Thư gửi Đại hội trù bị (Đại hội II):
“- Ta nên nghiên cứu thật sâu,
thảo luận thật kỹ những vấn đề chính, thì các vấn đề phụ sẽ giải quyết dễ dàng.
- Không nên “tầm chương trích cú” như lối ông đồ nho. Nên tìm hiểu rõ nội
dung,sự phát triển và sự quan hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác.
- Nên đưa vấn đề vào hiện tại và tương lai hơn quá khứ.
- Chỉ nên bàn kỹ, xét kỹ tư tưởng, phương châm và tổ chức chính.....” (Toàn
tập, t6, tr149).
Tìm giải pháp
Những vấn đề chính hiện nay, mà người dân cả nước mong mỏi ở các đại biểu cần bàn là gì?
Trước tiên là vấn đề con người, là trách nhiệm cá nhân.
Theo Bác Hồ thì từ trước tới nay chúng ta đều cho rằng nghị quyết, chỉ thị của Đảng nói chung đều đúng nhưng tại sao chưa làm tốt, hoặc làm nửa chừng rồi lại nguội, thì vì lẽ gì? Vì chúng ta quên mất lẽ tự nhiên là “vô luận việc gì đều do người làm ra và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”.
Do đó, Người yêu cầu trước tiên phải xét kỹ tư tưởng, phảỉ kiểm điểm, dân chủ, thật thà tự phê bình và phê bình ở những người có trách nhiệm từ trên trở xuống, không có ngoại lệ, không lẩn trốn, không đổ lỗi cho tập thể mà không có ai chịu trách nhiệm cá nhân.
Từ ngày thống nhất đất nước tới nay, Đảng đã qua 6 kỳ đại hội, kỳ nào cũng đề cập đến vấn nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí...; nghị quyết đại hội sau bao giờ cũng phê phán gay gắt hơn đại hội trước, tới mức liệt quan liêu, tham nhũng, lãng phí là quốc nạn, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Đã đến lúc phải tìm ra những giải pháp cụ thể để hạn chế, ngăn ngừa và kiểm soát nó.
Thứ hai, mục tiêu hay khẩu hiệu về CNXH mà các nghị quyết của Đảng đã nêu là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (lần này dự thảo nêu dân chủ lên vị trí cao hơn). Vậy cần thảo luận để làm rõ nội hàm của các nội dung này. Một xã hội dân chủ nhưng dân chủ trong Đảng thế nào? Dân chủ trong bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, trên thực tế đã được thực hiên ra sao? Quyền làm chủ về các mặt của những người lao động, ở những vùng xa xôi hẻo lánh, vùng dân tộc như thế nào? Từ đó, tìm ra những giải pháp cụ thể để đạt cho được những mục tiêu ấy.
Có biết bao vấn đề quốc kế, dân sinh, như chế độ sở hữu, công hữu và tư hữu, kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân; chủ quyền quốc gia, liên doanh, liên kết, khai thác khoáng sản, tài nguyên quốc gia, cho thuê đất, thuê rừng, thuê bờ biển... tất cả cần được xem xét ở tầm vĩ mô, cần soát xét lại từ ngay những quyết sách chiến lược và từ những người có trách nhiệm cầm cân nảy mực.
Thứ ba là chỉnh đốn Đảng, là lấy xây dựng Đảng làm then chốt. Nghị quyết Đại hội X đã ghi “Đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì cách mạng”. Đề nghị lấy điều này để soi vào đội ngũ của Đảng từ cấp cao nhất trở xuống xem chúng ta đã thực hiện nghị quyết như thế nào.
Tôn trọng quyền ứng cử, bầu cử của đại biểu
Thứ tư là vấn đề nhân sự, Nghị quyết Đại hội X đã ghi “Mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện công khai minh bạch trong công tác cán bộ”. Liệu có vấn đề lợi dụng chức quyền để thiên vị, tư túng, bố trí những người thân quen không đủ tín nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng và Nhà nước không?
Thứ năm là xây dựng nhà nước pháp quyền, giải quyết mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và nhà nước pháp quyền, là vấn đề thượng tôn pháp luật của mọi cơ quan, mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội trong nhiệm kỳ vừa qua đã thực hiện như thế nào?
Thứ sáu là vấn đề đoàn kết trong Đảng và đồng thuận xã hội. “Chăm lo củng cố sự đoàn kết, thống nhất và tình đồng chí trong Đảng, sự đồng thuận xã hội; thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình...”; “bám sát thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc trong tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân để giải đáp sat thực, kịp thời; đấu tranh khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, cơ hội, chạy theo lợi ích cá nhân....” mà Nghị quyết Đại hội X đã ghi; nhiệm kỳ vừa qua những gì đã làm được và những gì chưa làm được, ai vi phạm và ai chịu trách nhiệm?
Thứ bảy là vấn đề lãnh đạo và quản lý trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, tài chính, tài nguyên, đất đai, khoáng sản, rừng biển, chủ quyền quốc gia; quản lý văn hóa - xã hội, an ninh chính trị và an toàn xã hội. Văn hoá chính trị, văn hoá đạo đức và lối sống buông thả có phải đang là nỗi ưu lo của toàn dân tộc, là nguyên nhân làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của chế độ? Có phải diễn biến hòa bình đang có dấu hiệu xuất hiện ngay từ bên trong của đất nước ta hay không?
Cuối cùng, vấn đề cử ra cơ quan lãnh đạo của Đảng ở đại hội này cần thực sự dân chủ, tôn trọng quyền tự do ứng cử và bầu cử của đại biểu. Việc chuẩn bị của BCHTƯ khóa đương nhiệm chỉ nên coi là sự giới thiệu của tập thể chứ không thể thay thế hay hạn chế quyền của đại biểu ứng cử và bầu cử vào các chức vụ trong cơ quan lãnh đạo cấp trung ương của Đảng.
Không nên có quy định bất thành văn là chỉ chọn bầu Tổng bí thư là người đã qua một nhiệm kỳ là ủy viên Bộ Chính trị vì như vậy sẽ hạn chế sự trẻ hóa cán bộ ở cấp cao của Đảng.
Nên thực hiện Đại hội trực tiếp
bầu Tổng Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, chủ nhiệm và các thành
viên trong Ủy ban Kiểm tra Trung ưong. Để cho công tác giám sát, kiểm tra của
Đảng thực sự khách quan, nên sửa quy định cũ của Điều lệ Đảng, tăng quyền hạn và
trách nhiệm cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban này do Đại hội bầu ra, hoạt
động đọc lập và chỉ chịu trách nhiệm trước Đại hội chứ không phụ thuộc vào Tổng
bí thư, Bộ Chính trị hay BCHTƯ.
Trần Đình Huỳnh