- Những ngày cuối năm 2010, hàng loạt con số ấn tượng về kinh tế - xã hội đã được công bố làm ấm lòng những người dân. Độc giả đã gửi tới VietNamNet nhiều ý kiến chia sẻ và ủng hộ.

"Vừa bão" thành công

2010 là năm đặc biệt, vừa là năm cuối của kế hoạch 5 năm vừa là năm cuối của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm 2001 - 2010. Đặc biệt hơn nữa, đây là năm kết thúc cho một quá trình biến động về kinh tế liên tục suốt mấy năm qua.

"Những thành tựu cuối năm đã khẳng định cho việc Việt Nam  sớm thoát khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá nhanh. Tính chung cả năm, GDP cả nước đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,5%). Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm trước", bạn Hồ Quốc Việt (TP.HCM) ở địa chỉ e-mail viethq@....  viết.

Theo bạn Việt, "phải chúc mừng người đứng đầu Chính phủ và nội các của ông đã “vượt bão” thành công trong năm 2010. Dù có những điểm chưa được như kỳ vọng, song là một người dân, tôi xin chia sẻ những vất vả của một người đứng đầu sóng ngọn gió như ông".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, tháng 6/2010. Ảnh: LAD
Còn nhớ, những biến động kinh tế đầu năm đưa đến những dự đoán "u ám" về tốc độ tăng trưởng, về thất nghiệp trên diện rộng, về khủng hoảng xã hội. Thiên tai, bão lũ càng khiến tình hình thêm rối ren. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng lâm vào khủng hoảng như khủng hoảng tài chính, nợ công...

Vì vậy, theo bạn Hoàng Phong (Đà Nẵng): "Nói gì thì nói, dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng, Việt Nam đã có một năm tương đối thành công. Tuy chỉ số lạm phát không được như mục tiêu ban đầu, nhưng con số tăng trưởng 6,78% là một thành tựu đáng ghi nhận và khích lệ. Đặc biệt, nếu nhìn nhận những gì đã làm được trong một năm đầy sóng gió vừa qua: kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục mạnh sau khủng hoảng, đà suy giảm chưa được chặn lại, tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận định của các nhà phân tích kinh tế quốc tế rằng, nhìn ở góc độ tăng trưởng, các nhà quản lý, điều hành kinh tế Việt Nam đã có thành tích tương đối ấn tượng nếu so với những người đồng nhiệm ở khu vực".

Bạn Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội) viết: "Tôi hoàn toàn chia sẻ với ông Thủ tướng về một năm đầy vất vả, nếu không muốn nói là ‘bão tố” vừa qua. Có lẽ đó là năm sóng gió đối với rất nhiều nhà lãnh đạo và chính khách thế giới, khi nền kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi sau khủng hoảng. Tôi ấn tượng với hình ảnh phong cách điều hành các hội nghị quốc tế trong năm 2010, khẳng định vị thế và uy tín đang lên của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia".

Điều đáng ghi nhận, theo bạn Nguyễn Trường (địa chỉ e-mail truongnguyen2002@...), là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có rất nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn dành được nguồn lực lớn cho những mục tiêu về an sinh xã hội, nhất là xóa đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác cải cách hành chính và đối ngoại đã đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới trên trường quốc tế.
Theo bạn Trường, 2010 cũng là năm nước ta hoàn thành một số công trình quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển của giai đoạn tiếp theo, điển hình như Thủy điện Sơn La, đưa các tổ máy đầu tiên vào hoạt động từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, sớm hơn kế hoạch 2 năm, giảm bớt khó khăn về năng lượng trong tương lai. Ta cũng chuẩn bị được nhiều văn kiện quan trọng định hướng cho giai đoạn phát triển 5-10 năm tới, trong đó chắc chắn có nhiều chính sách mới mang tính đột phá

Cùng Chính phủ vượt khó

Nhiều độc giả cũng bày tỏ tin tưởng vào các định hướng phát triển cho năm 2011.

Theo Hoàng Phong (Đà Nẵng): "Những giải pháp mà Thủ tướng đã nêu ra rất đúng hướng. Như các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã tư vấn, nên đặt trọng tâm vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hoàn thiện thể chế chính sách, rà soát và nâng cao hiệu quả của đầu tư công. Người dân hi vọng rằng, những giải pháp này sẽ được thực thi quyết liệt, để năm tới kinh tế Việt Nam sẽ thực sự cất cánh, tạo nền tảng bền vững cho tương lai".

Bạn Mai Hà (hamai2003@...) lạc quan: "Trong 3 năm qua, Chính phủ đã rút ra được nhiều bài học trong quá trình điều hành cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, trong điều hành đảm bảo các cân đối vĩ mô và giải quyết những cú sốc bất ổn của nền kinh tế. Đã có những thành công và thất bại, nhưng quan trọng nhất là phải rút ra được bài học, kinh nghiệm để thay đổi, cải cách mà cụ thể ngay từ năm 2011. Mong muốn cao nhất của tất cả doanh nghiệp, người dân là kinh tế vĩ mô phải ổn định, lạm phát giảm".

Bạn đọc tin tưởng vào một năm tiếp tục thành công. Cơ hội tăng trưởng cao hơn cho Việt Nam trong năm 2011 là có triển vọng. Đây sẽ là bước chạy đà quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm cũng như chiến lược phát triển 10 năm tới.
Bạn Hùng Anh (Thanh Hoá) cho rằng: "Những giải pháp mà Thủ tướng nêu ra hoàn toàn đúng hướng và trúng vấn đề. Nhưng theo tôi, việc cần làm quyết liệt triệt để nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư công. Bởi vì cái gốc của những bất ổn kinh tế VN những năm qua là cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, năng suất thấp, hiệu quả thấp, đặc biệt là hiệu quả đầu tư công. Nút thắt chính là ở đây. Giảm được chi tiêu công, đầu tư công thì mới cải thiện được các chính sách về tài chính, tiền tệ".

Hùng Anh phân tích, chính sách tiền tệ, dù sao cũng phải điều hành theo chính sách tài khóa, phục vụ chính sách tài khóa nhiều hơn. Hai bàn tay không vỗ vào nhau thì mọi chính sách dù đúng hướng cũng sẽ thất bại. Giảm đầu tư công thì mới giảm được bội chi ngân sách, giảm thâm hụt cán cân thanh toán, giảm nhu cầu nhập khẩu…t ừ đó mới có thể mở được chính sách tiền tệ. Luồng vốn mới chảy sang khu vực kinh tế tư nhân, nơi sử dụng nguồn lực năng động hơn, hiệu quả hơn.

"Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu giảm dần đầu tư từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn từ ngân sách, các bộ, ngành, địa phương rà soát, khuyến khích đầu tư, sản xuất từ nguồn vốn xã hội. Đây sẽ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn vì đụng chạm đến lợi ích của các bộ ngành, địa phương… Nhưng tôi tin ông nói được sẽ làm được", bạn Hùng Anh kết luận.

Điều mà đa số độc giả phân tích là khi nhà lãnh đạo chia sẻ khó khăn, truyền cảm nhận và thông điệp tới được toàn dân để dư luận thấu hiểu thì đó chính là một thành công.

"Một khi đại đa số người dân đã thấu hiểu thì toàn dân sẽ cùng Chính phủ vượt qua khó khăn một cách mau lẹ và tin tưởng", bạn Lê Mạnh (Hải Phòng) viết.

  • Thư Lê