- Nhân chuyến thăm cấp nhà nước tại Hàn Quốc và tham dự APEC 19 tại Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, VietNamNet giới thiệu bài phân tích về ý nghĩa và hiệu ứng song phương lẫn đa phương của một hoạt động ngoại giao nguyên thủ tại thời điểm quan hệ quốc tế của Việt Nam/khu vực đang thay đổi.


Chủ trương khai triển rốt ráo “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” với Hàn Quốc là sự thúc đẩy mạnh mẽ chính sách đối ngoại toàn diện của Việt Nam trong những năm tới.

“Ngoại giao nguyên thủ” hy vọng từ nay sẽ được tăng cường và sẽ là hình thức mới trong quan hệ Việt - Hàn.


Riêng năm 2010 đã có tới ba cuộc gặp gỡ cấp cao trong một năm giữa lãnh đạo Việt Nam và Hàn Quốc, phản ánh sự tương đồng ngày càng tăng về các mục tiêu chiến lược giữa hai quốc gia Đông Á.

Từ “cơn sốt Hàn Quốc” đến “đối tác hợp tác chiến lược”


Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là chuyến thăm nguyên thủ đầu tiên trong 10 năm qua của Việt Nam sang Hàn Quốc, đúng vào thời điểm hai nước đang chuẩn bị các hoạt động lớn kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/2012).


Tổng thống Lee Myung-bak và Chủ tịch Trương Tấn Sang đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, hợp tác khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục với mục tiêu đưa quan hệ thương mại lên 20 tỷ USD vào năm 2015 và 30 tỷ USD sau đó.


Trong một thông cáo chung gồm 12 điểm sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai bên cho biết là Việt Nam đã chấp nhận tăng cường hợp tác với Hàn Quốc trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.


Theo bản thông cáo, hai nước sẽ cùng nhau chuẩn bị kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử; hai bên đồng ý “sử dụng kế hoạch đó làm cơ sở cho các dự án hợp tác trong tương lai”.


Lãnh đạo hai nước ghi nhận kết quả Báo cáo của Nhóm công tác chung về nghiên cứu tính khả thi của việc đàm phán Hiệp định tự do thương mại song phương. Hai bên nhất trí chọn năm 2012 là năm "Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc".


Cuộc hội đàm giữa hai vị nguyên thủ cũng đề cập đến các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên quan tâm, trong đó khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải trên các vùng biển ở khu vực và chống khủng bố quốc tế nói chung.


Hai bên quyết tâm tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Chuyến thăm diễn ra trong khuôn khổ chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước VN coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc.


Chuyến thăm này góp phần tích cực vào việc duy trì môi trường quốc tế thuận lợi cho việc triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng CSVN và nâng cao vị thế Việt Nam ở khu vực và trong ASEAN.


Hiện tượng khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên là quan hệ Việt - Hàn sau những năm bình thường hóa (từ 1992), đã/đang phát triển một cách ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao và gần đây nhất là cả về an ninh và quốc phòng.


Ảnh: Reuters

Cách đây 15 năm, Hàn Quốc chỉ được biết đến như một quốc gia xuất khẩu ô tô và thiết bị công nghiệp rẻ tiền. Nhưng rồi nhờ sự thực hiện rốt ráo khẩu hiệu “Hàn Quốc năng động” và việc không ngừng nâng cấp quan hệ đối tác, bản thân Đại hàn Dân quốc và mối quan hệ Việt - Hàn “thay da đổi thịt” nhanh chóng.

10 năm trước, khi thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện Việt - Hàn” (8/2001), các nhà hoạch định chính sách ở cả hai nước đều xuất phát từ tầm nhìn về địa-chính trị của mỗi nước để đoán định tương lai cho mối quan hệ thuộc loại phát triển trưởng thành nhất như một cầu nối giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á.


Bất chấp các hạn chế và một số thách thức trong quan hệ song phương, hai nước đã biết nương vào các xu thế nổi trội của thời đại để không ngừng thúc đẩy hợp tác và hội nhập.


Là một nước tiến hành Đổi mới thành công, lại có mối liên hệ truyền thống với CHDCND Triều Tiên, Việt Nam có tiềm năng đóng góp vào sự phát triển của Hàn Quốc và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.


Thông qua sự hợp tác đa phương với ASEAN, cả Hàn Quốc lẫn Việt Nam đều có thể hóa giải nhiều sức ép và nguy cơ của các nhân tố bên ngoài và bên trong khu vực ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc đổi mới và hiện đại hóa ở mỗi nước.


Triển khai tối đa “quan hệ đối tác toàn diện” trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, hai nước đã tận dụng vị thế chính trị - kinh tế của nhau trong khu vực. Từ giữa những năm 2000, Hàn Quốc quyết định tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam lên mức trên 100 triệu USD/năm, bằng quy mô viện trợ của Hàn Quốc cho toàn bộ châu Phi.


Hàn Quốc gần 50 triệu dân và Việt Nam gần 90 triệu dân, cùng kết nối, cùng hội nhập trong khi cuộc tái cấu trúc quyền lực khu vực/toàn cầu diễn ra chóng mặt. Hệ quả tất yếu của bối cảnh này là “quan hệ đối tác toàn diện” đã được nâng lên thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”.


Hàn Quốc là một trong 7 đối tác chiến lược lớn của Việt Nam. Từ 2009, bang giao hai nước có thêm đà để phát triển mạnh mẽ và thực chất.


Quan hệ song phương đã trải qua những khúc quanh quan trọng. Từ cơn sốt phim ảnh, nghệ thuật, văn hóa Hàn Quốc, nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược Việt - Hàn đang được trải dài cả về bề rộng lẫn chiều sâu.


Thương mại hai chiều đã lên đến 13 tỷ USD trong năm 2010, gấp một lần rưỡi năm 2009. Hai nước trở thành đối tác hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực.


Hàn Quốc cam kết tài trợ cho ta 411,8 triệu USD trong năm nay, trở thành nhà tài trợ ODA lớn nhất; đồng thời cũng là nhà đầu tư lớn nhất tính đến nay với hơn 2.800 dự án còn hiệu lực, và tổng vốn đăng ký 23,3 tỷ USD.


Với hàng vạn xuất khẩu lao động và cô dâu Việt tại Hàn Quốc, quan hệ hai nước bước vào thời kỳ sống động và thực sự có xu hướng gắn bó giữa người dân với người dân.


Sức lan tỏa của kỳ tích sông Hàn


Một phân tích của Goldman Sachs tiên đoán Hàn Quốc sẽ trở thành nước giàu thứ 3 trên thế giới vào 2025 với GDP bình quân đầu người 52.000 USD. 25 năm sau đó, nước này nữa sẽ vượt qua tất cả các nước, ngoại trừ Mỹ để trở thành quốc gia đứng thứ 2, GDP bình quân dự báo tới 81.000 USD/người.


Hội thảo “Giá trị minh triết Hồ Chí Minh” của Trung tâm Minh triết thuộc VUSTA ngày 26/10 tại Hà Nội cũng coi những thành tựu của Seoul là một “kỳ tích sông Hàn”, kêu gọi nghiên cứu học tập cách con rồng châu Á này đã vượt qua “cái bẫy thu nhập trung bình” như thế nào.


Nhóm nghiên cứu Đại học Harvard đưa ra nhận xét, từ 1960 đến 2004, Hàn Quốc đã vượt và bỏ xa Việt Nam đến 30 lần. Sau đó chưa đầy 10 năm, hiện nay, độ chênh lệch giữa hai nước là 40 lần!


Không chỉ kinh tế xếp thứ 10 trong OECD và sản phẩm chủ yếu là công nghệ cao, mà số lượng bằng phát minh, công trình khoa học của Hàn Quốc đăng tải trên các tạp chí quốc tế hiện xếp thứ hai sau Mỹ!


Bài học Hàn Quốc cho thấy quốc gia muốn phát triển tùy thuộc vào: i) tài nguyên thiên nhiên giàu hay nghèo; ii) truyền thống văn hóa dày hay mỏng; iii) tố chất con người thông minh hay tầm thường; iv) thiết chế chính trị/xã hội thuận hay nghịch đối với phát triển.


Chỉ còn hơn một thập kỷ nữa là đến thời điểm phải hoàn thành khẩu hiệu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghiên cứu kinh nghiệm Hàn Quốc và các nước khác là cần thiết. Cũng cần thiết như thế là giải các bài toán về nội lực, về mối quan hệ giữa dân chủ và phát triển.


Nguyễn Hoàng