- Mặc dù trong phiên thảo luận hôm qua có nhiều tranh cãi về tính bất cập của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng sáng nay (9/11), đa số ĐBQH vẫn bấm nút thông qua 16 chương trình mục tiêu cho 5 năm tới.

Như vậy, giai đoạn 2011 - 2015 sẽ triển khai 16 chương trình mục tiêu quốc gia (tăng 4 so với giai đoạn trước) gồm: việc làm và dạy nghề, giảm nghèo và bền vững; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; y tế; dân số và kế hoạch hóa gia đình; vệ sinh an toàn thực phẩm; văn hóa; giáo dục đào tạo; phòng chống ma túy; phòng chống tội phạm; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới; phòng chống HIV/AIDS; đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Các dự án thành phần của từng chương trình mục tiêu quốc gia sẽ phải được báo cáo trước Ủy ban Thường vụ QH. Ảnh: Minh Thăng

Tổng kinh phí thực hiện không quá 276.372 tỷ đồng, bao gồm ngân sách nhà nước, vốn ngoài nước và huy động thêm các nguồn lực khác...

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự kiến mức vốn từ ngân sách trung ương là 105.392 tỷ đồng có thể sẽ vượt quá khả năng cân đối và huy động trong kế hoạch tài chính trung hạn, đề nghị Chính phủ tiếp tục tính toán, rà soát để tránh thiếu hụt vốn.

Tuy nhiên, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho dù giai đoạn tới đã tăng 4 chương trình nhưng đều là các chương trình tập trung nguồn vốn đầu tư lớn và quan trọng.

Liên quan đến đề xuất nên tập trung một đầu mối kinh phí, đại biểu đề xuất Chính phủ nên giao tổng thể vốn chương trình mục tiêu quốc gia về cho các địa phương và phân cấp cho địa phương quyết định từng chương trình trên địa bàn để phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình mang tính tổng thể, giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm về kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy nếu phân cấp cho địa phương quyết định từng chương trình trên địa bàn sẽ không mang tính tổng thể, không bao quát ở tầm quốc gia. Nhiều vấn đề thuộc chương trình lại liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, do vậy cần có sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp. Các hạn chế, tồn tại mang tính đơn lẻ của một số nơi đề nghị Hội đồng nhân dân ở địa phương chủ động để giải quyết.

Trước đó, trong phiên thảo luận hội trường, một số đại biểu cho rằng, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia chưa thiết thực, chưa thể hiện rõ tính cấp bách cần được đầu tư ngay.

Ngay Thường vụ Quốc hội cũng nhận định, mục tiêu của một số chương trình chưa rõ ràng, phạm vi quá rộng và chưa được định lượng. Nhiều chương trình vẫn còn trùng nội dung, thậm chí một số nhiệm vụ thường xuyên của bộ, ngành, địa phương cũng được đưa vào dự án như các "chương trình mục tiêu quốc gia" khác.

Tiếp thu các ý kiến trên, Quốc hội giao Chính phủ rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện. Có giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện cũng như việc sử dụng các nguồn lực khác để bảo đảm hiệu quả.

Mặt khác, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, loại bỏ các dự án thành phần trùng lắp, thu gọn mục tiêu, đã có tính toán đến thời gian thực hiện và các yếu tố về nguồn lực bảo đảm thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra.

Lê Nhung