- Giá trị Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2011 không thay đổi so với năm ngoái, Việt Nam vẫn đứng trong nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình, xếp thứ 128/187 nước được khảo sát.

Giáo dục, y tế: Dân chi phần lớn

Báo cáo phát triển con người của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) công bố hôm nay (9/11) nhận định tiến bộ chung về phát triển con người ở Việt Nam chủ yếu vẫn do tăng trưởng kinh tế, nói cách khác là do tăng trưởng thu nhập. Những tiến bộ về xã hội, bao gồm y tế và giáo dục, diễn ra chậm và đóng góp ít vào chỉ số này. Chính vì vậy báo cáo năm nay tập trung vào chủ đề "Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người".

Chi tiêu công cho giáo dục của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực, nhưng kết quả giáo dục lại kém hơn. Ảnh minh họa: VietNamNet
Báo cáo đưa ra chỉ số HDI được điều chỉnh theo bất bình đẳng trên cả ba phương diện tuổi thọ, tiếp cận giáo dục và điều kiện sống, nhận định rằng do bất bình đẳng mà Việt Nam không thể hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng phát triển con người của mình. Giống như nhiều nước thu nhập trung bình khác, sự phân phối không đồng đều trên các phương diện giáo dục, y tế và thu nhập đang bắt đầu tăng lên ở Việt Nam.

Báo cáo đưa ra những con số đáng chú ý như tỉ lệ trẻ còi xương và suy dinh dưỡng, tỉ lệ tử vong bà mẹ ở nông thôn và miền núi cao hơn các vùng khác, chỉ 40% trẻ em miền núi đi học mầm non, chỉ gần 60% nhóm hộ nghèo nhất nhập học trung học cơ sở, trong khi đến bậc đại học chỉ còn chưa đến 1%...

Báo cáo nhận thấy chi tiêu công cho giáo dục của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực, nhưng kết quả giáo dục lại kém hơn, biểu hiện ở số năm đi học thấp hơn hầu hết các nước. Chi tiêu công cho y tế của Việt Nam thì thấp hơn các nước này. Ở cả hai lĩnh vực, chi tiêu từ tiền túi của người dân vẫn chiếm phần lớn và là gánh nặng đáng kể cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

Các chính sách xã hội hiện nay vẫn chưa đủ để đảm bảo tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế và giáo dục có chất lượng cũng như đảm bảo khả năng chi trả cho mọi người. Chính sách xã hội hóa lại bị biến thành tình trạng thương mại hóa, thậm chí hình thành hệ thống dịch vụ "hai tầng": chất lượng cho người có tiền và một chất lượng khác cho người ít tiền.

Bên cạnh đó, môi trường suy thoái, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thách thức biến đổi khí hậu đều đang đe dọa những tiến bộ và thành quả phát triển mà Việt Nam đạt được trong những năm qua. Nếu chỉ số HDI được điều chỉnh theo mức độ bền vững về môi trường và tăng trưởng xanh thì kết quả của Việt Nam có thể giảm xuống.

Tăng thu nhập chỉ phát triển con người ngắn hạn

Công bố trùng thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 2 Quốc hội, báo cáo của UNDP chia sẻ nhận định của các đại biểu QH rằng thành tựu kinh tế - xã hội của VN thời gian qua chủ yếu nghiêng về kinh tế mà chưa thực sự khả quan về xã hội. Nhận định như vậy song Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vừa được QH thông qua vẫn nặng về các giải pháp kinh tế trong khi các giải pháp xã hội khá chung chung.

Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc UNDP Việt Nam nhận định Việt Nam có tiến bộ rõ rệt về thu nhập nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng về phát triển con người, đặc biệt về giáo dục và y tế.

"Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng khi có 1/3 dân số trong độ tuổi lao động, lực lượng này mang lại triển vọng rạng rỡ cho nền kinh tế nhưng nếu nguồn nhân lực này chưa phát triển về chất lượng thì họ khó có thể tạo ra giá trị gia tăng thực sự có ý nghĩa cho nền kinh tế", Giám đốc UNDP nhấn mạnh phát triển con người không chỉ đơn thuần là tăng thu nhập trung bình.

Theo bà Yamazaki, đó chỉ là cách tăng chỉ số HDI trong ngắn hạn, còn về dài hạn, muốn phát triển con người một cách bền vững, phải cải thiện y tế và giáo dục. Câu hỏi là Chính phủ Việt Nam lựa chọn ngắn hạn hay dài hạn.

Phân tích thêm điều này, cố vấn chính sách của UNDP, ông Jairo Acuna-Alfaro cho rằng lựa chọn của Chính phủ sẽ có tác động rất lớn trong việc quyết định các vấn đề bất bình đẳng kể trên sẽ tăng hay giảm.

"Hiện nay đầu tư công của Việt Nam cho các lĩnh vực xã hội không phải nhỏ, song quan trọng là Chính phủ có muốn tiếp tục duy trì mức độ thiếu hiệu quả của việc đầu tư này hay không", chuyên gia của UNDP nói. "Các công ty quốc doanh, tập đoàn nhà nước đang hấp thụ rất nhiều nguồn lực nhưng hiệu quả lại kém, Chính phủ Việt Nam cần nắm bắt cơ hội cải tổ các đơn vị này để họ hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt về y tế và giáo dục".

UNDP hy vọng báo cáo này có thể cung cấp dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch phát triển tiếp theo, đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn cho các dịch vụ xã hội nhằm hiện thực hóa tiềm năng phát triển của con người Việt Nam.

Chung Hoàng