- Thế giới giám sát đồng tiền qua hệ thống ngân hàng và thuế vụ, còn Việt Nam thì chịu - đại biểu QH thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền chiều 9/11.

Đa số đại biểu (ĐB) đồng ý về tính cần thiết của luật này, nhưng rất băn khoăn về tính khả thi.

Nhiều cách rửa tiền


Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đưa ra thông tin
“sau 6 năm thực hiện nghị định của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, chưa phát hiện một vụ rửa tiền nào”.

Song theo ông, đây không phải lý do để cho rằng chưa cần thiết có luật về phòng chống rửa tiền, vì tình hình thực tế của Việt Nam khác thế giới.


“Ở Việt Nam, tiền bẩn chắc chắn có nhưng được rửa bằng nhiều cách không chỉ qua ngân hàng”,
ông Thảo nói.

Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác tại Viện KSND tối cao, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chỉ ra hoạt động rửa tiền ở Việt Nam chủ yếu qua buôn bán chứng khoán, bất động sản, thành lập công ty (kể cả thua lỗ để ngụy trang cho hoạt động phạm pháp)…


Ngay cả trong điều tra tham nhũng,
“điều thường thấy là người ta vin lý do nhà cửa, tiền bạc là do vợ con kinh doanh mà có, không phải do chức vụ của mình mà ra”, ông Đương cho biết.

ĐB Trần Du Lịch: Việt Nam là một nền kinh tế tiền mặt, tiền nào cũng xài được, không cần biết nguồn gốc. Ảnh: Chung Hoàng

Thế nên “thế giới giám sát đồng tiền qua hệ thống ngân hàng và thuế vụ, còn Việt Nam thì chịu”, ĐB Trần Du Lịch cùng đoàn chia sẻ nhận định với đa số ĐB là giao dịch tài chính ở Việt Nam chủ yếu bằng tiền mặt.

“Việt Nam là một nền kinh tế tiền mặt, tiền nào cũng xài được, không cần biết nguồn gốc, miễn là có thì muốn mở công ty, mua nhà đều dễ dàng”, ông Lịch nói. “Toàn tiền sạch cả, sao phải rửa?”.


Chính vì thế, thảo luận ở đoàn ĐB Hà Nội, ông Đinh Xuân Thảo thấy những quy định như trong dự luật chỉ nhắm đến các ngân hàng là không khả thi.


Đồng tình với ông Thảo rằng
“những trưởng hợp rửa tiền được xác định là phạm tội đã có quy định xử lý trong Bộ luật Hình sự, luật này chủ yếu cần nêu các biện pháp phòng”, ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cũng thấy các biện pháp phòng cũng chưa được nêu kỹ lưỡng.

“Dự luật mới chỉ nêu lên các nghiệp vụ ngân hàng mà chưa thấy được điều mấu chốt là loại bỏ các nguyên nhân dẫn đến rửa tiền”
, ông Thông phân tích. “Các tổ chức tội phạm thường chọn các nước đang phát triển để rửa tiền vì ở đó các cơ chế quản lý tài chính, ngoại tệ lỏng lẻo, dễ dãi, thị trường chưa được kiểm soát hiệu quả…”.

Ông Thông đồng ý với nhiều ĐB rằng một trong những “lỗ hổng cần phải bít” chính là thay đổi truyền thống giao dịch bằng tiền mặt hiện nay.


“Chừng nào chưa chấm dứt được việc vác cả bao tiền đi mua đất, việc người dân tích trữ hàng nghìn cây vàng trong nhà, thì còn chưa ngăn chặn được nguyên nhân gốc dẫn đến rửa tiền”,
ĐB tỉnh Thanh Hóa nói.

Các ĐB cũng cho rằng phòng chống rửa tiền cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, đặc biệt là lực lượng điều tra, nên quy định giao cho Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm việc này là chưa hợp lý.


Phần lớn ĐB thấy dự luật chỉ nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chứ dù nâng nghị định lên thành luật có lẽ trên thực tế vẫn không giải quyết được gì.


Chống tài trợ khủng bố


Các ĐB nhận định tương tự khi cho ý kiến có nên đưa nội dung phòng chống tài trợ khủng bố vào dự luật này.


Giải trình của Chính phủ cho thấy nhận định này có cơ sở: Một trong những cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền vào tháng 12/2012 và cơ chế phòng, chống tài trợ khủng bố vào tháng 12/2011. Tuy nhiên, theo chương trình làm luật của QH, Luật phòng, chống khủng bố sẽ được cho ý kiến năm 2012, dự kiến thông qua năm 2013.


Do vậy, nếu chờ có Luật phòng, chống khủng bố, Việt Nam sẽ vi phạm cam kết quốc tế về thời gian thực hiện, dẫn đến nguy cơ bị kiểm soát, hạn chế trong các giao dịch tài chính, tiền tệ với đối tác nước ngoài.


Phần lớn ĐB phản đối ghép khiên cưỡng mà để nội dung này đưa vào Luật phòng chống khủng bố.


ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội) phân tích:
“Quan niệm và nhìn nhận của ta với quốc tế về khủng bố, không chỉ với các đối tượng là cá nhân, tổ chức mà còn với các nhà nước, có nhiều điểm khác nhau nên cần thận trọng”.

“Tốt nhất là để đưa vào Luật phòng chống khủng bố, đạo luật sẽ thể hiện đầy đủ toàn diện quan điểm của ta về vấn đề khủng bố”,
ông Thi nói.

Ông đồng ý với ông Thảo ở nhận định nội luật hóa các cam kết quốc tế không nên rập khuôn, răm rắp mà cần độc lập, cân nhắc thấu đáo và liên hệ chặt chẽ với tình hình thực tiễn.


Chung Hoàng - Phương Loan