Các nước giàu tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Hawaii có thể "cãi cọ" với nhau về thương mại, nhưng họ đã tránh được xung đột vũ trang nghiêm trọng trong nhiều thập niên qua. Đó cũng chính là mục tiêu của bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương ngay cả khi họ phải đối mặt với áp lực ngân sách và một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Sự thịnh vượng của khu vực mà các
nhà lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy vào cuối tuần này tại
Honolulu xuất phát từ vai trò an ninh của Mỹ ở phần lớn khu vực Thái Bình Dương
và trực tiếp từ Hawaii.
"Chúng ta đã chứng kiến hơn 30 năm qua, khu vực thực sự phát triển cả về kinh tế cũng như chính trị và mọi người có xu thế lãng quên hay thậm chí không hiểu một lý do rằng, đó là do Mỹ đã đảm bảo ổn định ở châu Á và châu Á - Thái Bình Dương", Michael Mazza, chuyên gia an ninh tại viện nghiên cứu American Enterprise Institute ở Washington nói.
Ảnh: Reuters |
Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương (USPACOM) đóng tại Hawaii và mạng lưới liên minh xây dựng từ thời Thế chiến II đã góp phần giữ ổn định khu vực, đóng vai trò đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của các thành viên APEC như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác.
"Chúng ta được hưởng lợi lớn từ sự phát triển kinh tế ở châu Á, nhưng sự phát triển này có thể không xảy ra nếu thiếu sự hiện diện quân sự Mỹ", Mazza, đồng tác giả một nghiên cứu về mạng lưới liên minh Mỹ trước những thách thức mới, cho biết. Và Trung Quốc - đối tác thương mại phát triển nhanh nhất và lớn nhất của hầu hết 21 nền kinh tế thành viên APEC cũng được hưởng lợi từ kiến trúc an ninh châu Á do Mỹ dẫn dắt.
Đóng ngay phía ngoài Honolulu, nơi từng có một bệnh viện hải quân Mỹ xây dựng trên cánh đồng mía đầy ắp lính Mỹ bị thương trong năm 1945, USPACOM chịu trách nhiệm về một khu vực rộng lớn từ California tới Ấn Độ, là nôi của 5 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khu vực USPACOM chịu trách nhiệm gồm một nửa thế giới. Bất kỳ ngày nào, hải quân Mỹ có khoảng 50-60 tàu trong khu vực để bảo vệ các tuyến đường biển ở Biển Đông với giá trị thương mại hàng năm đạt 5 nghìn tỉ USD trong đó có 1,2 nghìn tỉ USD giao dịch với Mỹ, Đô đốc Robert Willard - phụ trách Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9. Theo dữ liệu của cơ quan này, khoảng 325.000 người tương đương với 1/5 tổng sức mạnh quân sự Mỹ phục vụ dưới USPACOM bao gồm 80.000 quân đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sức mạnh và tầm với của Mỹ được tăng lên gấp bội bởi những hiệp ước phòng thủ chung với Australia, Nhật, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan cũng như những quan hệ đối tác ít chính thức hơn với các nước như Singapore, Indonesia và Ấn Độ.
Mới đây, ông Willard và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã trấn an các đồng minh rằng, quân sự Mỹ sẽ duy trì vị trí mạnh trong khu vực Thái Bình Dương bất chấp việc cắt giảm ngân sách quốc phòng trong nước. Ông Panetta trong chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi trở thành ông chủ Lầu Năm Góc hồi tháng 7, khẳng định, việc quân đội Mỹ rút khỏi Iraq năm nay và giảm dần tại Afghanistan sẽ cho phép Washington tập trung hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện khó khăn tài chính đang đặt nhiều áp lực với sức mạnh quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc gần như có liền hai thập niên gia tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số. Dù vẫn còn đứng sau Mỹ ở nhiều lĩnh vực, nhưng nước này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực sở hữu tàu sân bay, máy bay chiến đấu tàng hình và phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm...
Thái An (theo Reuters)