- "Sắp tới, không phân bổ đầu tư nhà nước vào các ngành mà tư nhân có thể kinh doanh như dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn... Khi xem xét tiêu chí xét duyệt dự án, các yếu tố khác như hiệu quả chính trị chỉ được dùng làm tiêu chí bổ sung", Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình bày trước Thủ tướng các biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư.
Trong hai ngày cuối năm 30 và 31/12, Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương để triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) Võ Hồng Phúc đã trình bày bản báo cáo về các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong trước mắt và trung hạn.
Động lực tăng trưởng suy yếu vì "nút cổ chai"
Ông Phúc nêu rõ, khiếm khuyết của tăng trưởng kinh tế hiện nay là tăng trưởng trong thế mất cân đối vĩ mô ngày càng gia tăng. Tăng trưởng hiệu quả thấp, với chi phí cao và kém bền vững.
Bộ
KH&ĐT đề xuất không phân bổ đầu tư nhà nước
vào các ngành tư nhân có thể kinh doanh như nhà hàng, khách
sạn. Ảnh: LN
Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế trí thức.
Phân tích đặc điểm cơ cấu kinh tế 25 năm qua, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhận định, VN luôn được xếp vào hàng các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng kể cả thời điểm khủng hoảng, nhờ đó VN đã gia nhập nước có thu nhập trung bình.
Mặc dù vậy, động lực tăng trưởng kinh tế lại đang suy yếu dần bởi các "nút cổ chai".
Theo đó, hơn 66% tăng trưởng kinh tế thời gian qua nhờ phân bố lại và dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Chỉ có 1/3 là nhờ nâng cao năng suất lao động trong nội bộ từng ngành.
Đáng chú ý, năng suất lao động của công nghiệp, dịch vụ còn thấp.
65% tăng trưởng là nhờ gia tăng lượng vốn đầu tư xã hội. Năng suất lao động tổng hợp chỉ đóng góp khoảng 25% và đang có xu hướng giảm.
Những nút thắt trên đã dẫn đến hệ quả, các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng đều không đạt mục tiêu, thậm chí phát sinh tác động tiêu cực. "Các nỗ lực gia tăng thêm tăng trưởng đều dẫn đến tăng trưởng trong thế không cân đối", Bộ KH&ĐT nhận định.
Do đó dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn, thâm hụt cán cân vãng lai lớn, bất ổn vĩ mô ngày càng có tần suất cao "đe doạ mục tiêu tăng trưởng tương lai và các thành tựu xóa đói, giảm nghèo".
Đầu tư để giữ đất và trục lợi
Việc huy động được 40% GDP vốn đầu tư xã hội một mặt được xem là thành tích, nhưng mặt khác, hiệu quả đầu tư thấp đang làm cho tỷ lệ huy động vốn giảm dần.
Đầu tư nhà nước hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng đầu tư xã hội, nhưng hiệu quả lại không cao, đang bị phân tán trong hầu hết các ngành.
"Đầu tư phân tán kéo dài, dàn trải, trong không ít trường hợp là để giữ đất, đầu cơ và trục lợi", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhận định. Đáng lưu tâm là những yếu kém trên liên tục được nói ở nhiều diễn đàn nhưng chưa khắc phục được là bao.
Đầu tư lớn từ ngân sách cộng với chính sách tài khóa mở rộng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô, khiến nền kinh tế mong manh và dễ tổn thương. Quan trọng hơn cả là không khai thông và lôi cuốn được các thành phần kinh tế khác.
Thâm hụt ngân sách lớn, nợ công và nợ nước ngoài gia tăng là yếu tố tiềm ẩn bất ổn.
"Tái cơ cấu, nâng hiệu quả đầu tư nhà nước phải là giải pháp cơ bản, ưu tiên hàng đầu thực hiện ngay năm 2011", Bộ KH&ĐT nhận định.
Giảm chi
Giải pháp đầu tiên là tính đúng, tính đủ các khoản chi đầu tư vào ngân sách nhà nước theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Giảm chi (nhất là giảm chi đầu tư) xuống mức còn 3 - 3,5% GDP ngay trong năm tới. Chi ngân sách theo đúng dự toán đã được Quốc hội thông qua. Các khoản vượt thu ngân sách phải đưa vào quỹ dự phòng và việc dùng quỹ này phải do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận.
Các tỉnh thành không được vay để đầu tư, trừ phi được Chính phủ chấp nhận.
Không phân bổ đầu tư nhà nước vào các ngành tư nhân có thể kinh doanh như dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn. Cổ phần hóa hoặc bán các cơ sở kinh doanh thuộc sở hữu nhà nước cho tư nhân theo các quy định về cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Việc xác định tiêu chí cho các dự án đầu tư cũng được thay đổi. Theo đó, chỉ những dự án có tỉ lệ hoàn vốn đầu tư tối thiểu 10% thì mới được lựa chọn.
"Các yếu tố khác như hiệu quả chính trị chỉ được dùng làm tiêu chí bổ sung", Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh.
Trên cơ sở tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư đã được xác định, phải rà soát và đánh giá các dự án hiện hành. Đình chỉ hoặc tạm thời đình hoãn các dự án chưa đáp ứng tiêu chí về hiệu quả.
Những giải pháp cấp bách trên sẽ góp phần tạo sự phát triển nhanh, bền vững với mức tăng trưởng GDP năm tới dự kiến 7 - 7,5%.
-
Lê Nhung