Cuối cùng, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã chấp thuận từ chức. Nhưng “di sản” mà ông để lại sẽ còn ảnh hưởng tới nền chính trị Italy không chỉ ngày một, ngày hai.

Trong nhiều vở opera, người anh hùng bị thương thường mất nhiều thời gian mới tìm đến được cái chết. Khác họ, ngày 8/11, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi - chính trị gia mất điểm liên tục nhiều tháng qua - đã tới gặp Tổng thống Italy Giorgio Napolitano để sớm dọn đường cho mình “về vườn”.

Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi hầu như không có khả năng nói với cử tri về những điều tồi tệ. Ảnh: Wordpress
“Cú đấm” cuối cùng hạ gục ông Berlusconi chính là việc ông mất thế đa số ở Hạ viện, sau cuộc bỏ phiếu ngân sách cũng trong ngày 8/11. Mặc dù giành được lá phiếu ngân sách 2010 nhưng ông Berlusconi chỉ có 308 phiếu ủng hộ, thấp hơn mức 316 phiếu để giành đa số tuyệt đối ở Hạ viện.

Ông Berlusconi khẳng định không tái tranh cử, kể cả khi Italy tổ chức bầu cử sớm. Ngày 13/11, sau khi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống, ông Berlusconi chính thức rời cương vị Thủ tướng. Sự việc diễn ra ngay sau khi Quốc hội Italy chấp thuận kế hoạch cải cách do Liên minh châu Âu hậu thuẫn.

Trong một thập kỷ điều hành Italy, ông đã thực sự tạo ra “dấu ấn Berlusconi”, được đánh dấu bằng những cáo buộc tham nhũng, bê bối tình dục, thất bại kiểm soát nợ công… 30 tháng cuối trên cương vị Thủ tướng, ông cố níu kéo quyền lực với sự gan lì, “mũ ni che tai”. Sự trì hoãn ra đi của ông khiến các thị trường trở nên hỗn loạn, với việc chi phí nợ của Italy gia tăng gần tới 7%, mức khiến Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha phải nhờ tới các gói cứu trợ của châu Âu.

Bệnh nan y

Có 2 lý do để thấy vấn đề của Italy chính là ông Berlusconi. Thứ nhất là sự ác cảm của ông Belusconi với vấn đề cải tổ. 17 năm trước, khi bước chân vào chính trường, ông Berlusconi tự nhận là người viễn chinh thị trường tự do, một người theo chủ nghĩa tự do. Nhưng thực tế ông hành động ngược lại.

Sự can thiệp một cách dứt khoát nhất của ông trong kinh tế là vào năm 2008, khi ông ngăn cản việc bán hãng hàng không sắp phá sản Alialia cho Air France. Với niềm tin ái quốc, ông Berlusconi khi đó cho rằng Alialia có thể tiếp tục nằm trong tay người Italy. Trước nhiều khó khăn, ông đã tập hợp một số doanh nghiệp Italy để tiếp quản Alialia, giúp hãng này độc quyền khai thác tuyến bay Rome - Milan có lợi nhuận cao nhất. Đây rõ ràng không phải hành động của một người ủng hộ thị trường tự do.

Sự kháng cự của ông Berlusconi với việc cải tổ cơ cấu dường như làm các vấn đề của Italy ngày càng trầm trọng. Ông tự biến mình trở thành nhà lãnh đạo lâu nhất của đất nước thời hậu chiến bằng cách không ngừng đưa ra các tuyên bố lạc quan với khu vực cử tri có xu hướng nhìn về khía cạnh tươi sáng. Ông hầu như không có khả năng để nói với họ về những điều tồi tệ.

Chính phủ của ông cũng không có khả năng có được sự đồng thuận, thông qua quốc hội, về những biện pháp cần thiết. Ông dẫn dắt một nội các không có tư tưởng kinh tế rõ ràng. Thách thức đặt ra với Tổng thống Napolitano sẽ là tìm ra một chính phủ Italy vừa có được sự ủng hộ rộng rãi lại vừa có một chương trình nghị sự chi tiết, rõ ràng.

Thậm chí việc ông Berlusconi ra đi chỉ là chuyện "một sớm một chiều" thì cuộc bầu cử khó có thể diễn ra cho tới tháng 1. Nhưng nếu ông Napolitano không kêu gọi một cuộc bầu cử thì ông có thể tìm sự hỗ trợ cho một giải pháp khác. Nhiều người đã thiên về chính phủ "kỹ trị", kiểu như chính phủ từng do Lamberto Dini dẫn dắt thay thế chính quyền đầu tiên của ông Berlusconi vào năm 1995. Trong đó, Bộ trưởng Nội vụ là một thẩm phán, Bộ trưởng Quốc phòng là một vị tướng... Ông Napolitano rõ ràng đã có một người mà ông mong muốn sẽ làm Thủ tướng cho một chính quyền như thế. Đó là cựu ủy viên hội đồng của Liên minh châu Âu, Mario Monti.

Ngày 9/11, Tổng thống Italy đã trao cho ông Monti một vị trí trong quốc hội, và đây dường như là bước đầu tiên hướng tới việc mời ông thiết lập một chính phủ mới.

Chính phủ mới đồng nghĩa với cải cách?

Một sự bổ nhiệm như vậy có thể khiến thị trường "thỏa mãn". Ông Monti là một nhà kinh tế tân tự do, lỗi lạc, viện trưởng Đại học danh tiếng Bocconi ở Milan, cựu ủy viên hàng đầu của EU. Ông được mô tả là con người thận trọng, dè dặt, gần như tương phản với cá tính của ông Silvio Berlusconi, chính khách kiêm doanh nhân thích khoa trương, ăn chơi xa xỉ. Giới đầu tư hy vọng ông Monti và các bộ trưởng của ông sẽ đưa ra các văn bản dự thảo hiệu quả, hợp lý. Nhưng các văn bản ấy chỉ có thể trở thành luật với sự phê chuẩn của quốc hội. Theo James Walston, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học American ở Rome: “Nếu Monti có bất kỳ cảm giác nào, ông ấy sẽ không đảm nhận công việc cho tới khi ông có thể đếm được đa số ủng hộ trong quốc hội".  

Nhưng đối tác liên minh của ông Berlusconi, Liên đoàn phương Bắc, vẫn kiên quyết phản đối một chính phủ kỹ trị, và rất nhiều nghị sĩ trong đảng PDL cầm quyền cũng không tán thành ý tưởng này. Một liên minh lớn kiểu Đức, dẫn đầu là ông Monti hoặc một chính khách đứng tuổi hơn được tôn trọng kiểu như nhân vật đảng xã hội Giuliano Amato, có thể là một giải pháp khác cho Italy đang đứng trước lời giải khó khăn. Nhưng sự bất đồng trong nền chính trị Italy sẽ sâu hơn và cay đắng hơn thời hậu Berlusconi. Và một chính phủ bất đồng liệu có thể tiến hành một chương trình cải cách táo bạo và quyết liệt?

Ngoài những vấn đề trực tiếp chính trị và kinh tế, còn nhiều chuyện khác xuất phát từ sâu bên trong xã hội Italy, cần nhiều thời gian hơn để giải quyết. Sự lưu trú của ông Berlusconi đã cản trở quá trình đổi mới, không chỉ trong chính trị mà còn về kinh tế và xã hội sau sự sụp đổ trật tự hậu chiến mà phe Dân chủ Thiên chúa giáo của Italy chiếm ưu thế những năm 1990. Ông thừa hưởng những cử tri của phe này từ các nhà kinh doanh nhỏ, tới hộ nông dân, chuyên gia tự do, công nhân lao động tự do... và không bao giờ nói với họ rằng, họ phải bước ra khỏi thế giới mà họ nhìn lại với sự trìu mến: đó là những năm đầu 1960 khi Italy trở thành mảnh đất "phép màu kinh tế" thời hậu chiến.

Ví dụ, người Italy không thể tìm ra một tiệm giặt khô mở cửa vào thứ bảy; trong khi phải trả hàng nghìn euro làm thủ tục hành chính mua một căn nhà; buộc phải chấp nhận dịch vụ xe buýt địa phương độc quyền, sau đó tất cả là vì Berlusconi - và những người khác đã dẫn dắt Italy đi qua những thập niên với sự độc quyền, bóp nghẹt cạnh tranh.

Những nỗ lực dũng cảm đã được thực thi để cải cách lương hưu và giáo dục. Chính phủ sắp mãn nhiệm đã được coi là thành công trong việc đối phó với nạn phạm tội có tổ chức. Nhưng Italy vẫn còn những căn bệnh trầm kha. Xã hội với quy ước bất thành văn giữ quá nhiều phụ nữ kết hôn ở nhà, làm giới hạn quy mô lực lượng lao động. Hệ thống pháp lý cồng kềnh, với trung bình một vụ kiện dân sự kéo dài tới 9 năm, rất cần một cuộc "đại tu" để lấy lại lòng tin ở giới đầu tư.

Một Italy của ông Berlusconi sẽ được chuyển giao cho người kế nhiệm đã xếp thứ 87 trong khảo sát Môi trường kinh doanh thuận lợi của Ngân hàng Thế giới, sau Albania. Trong chỉ số mới nhất của tổ chức Minh bạch Quốc tế về tham nhũng, Italy đứng thứ 67. Rwanda và một số quốc gia châu Phi khác còn trong sạch hơn.

Và, sự ra đi của ông Berlusconi có thể giúp Italy cơ hội phá vỡ nhiều năm trì trệ về xã hội, kinh tế và chính trị.

V.Giang - T.An (theo Economist)