- Ngoại trưởng Indonesia cho hay, tiến trình xây dựng bộ quy tắc ứng xử ràng buộc ở Biển Đông (COC) đang ở “bên sân” ASEAN, và Trung Quốc cần tham gia nỗ lực chung này trong những điều kiện và thời điểm phù hợp.

Chuẩn bị nội dung nghị sự cho Hội nghị cấp cao ASEAN 19 và các hội nghị liên quan, chiều qua, 15/11, tại Bali - Indonesia, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã trao đổi nhiều nội dung xung quanh vấn đề Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng Bộ quy tắc ửng xử (COC), một bước tiệm tiến của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho biết các quy tắc hướng dẫn thực thi DOC mà ASEAN và Trung Quốc đạt được tháng 7 vừa qua đã và đang giúp các bên liên quan tháo gỡ dần những vướng mắc, không cần phải đợi hoàn tất triển khai DOC trước khi bắt đầu tiến trình xây dựng COC. Tiến trình đó hiện đang ở “bên sân” ASEAN, và Trung Quốc cần tham gia nỗ lực chung này “trong những điều kiện và thời điểm phù hợp.”

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (thứ hai từ phải qua). Ảnh: AP

Đề cập đề xuất của Philippines về một khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác trên Biển Đông, ông Natalegawa cho hay các nước ASEAN “ghi nhận đề xuất này”. Vấn đề là cách thức đảm bảo đề xuất đó phù hợp với tinh thần DOC.

"Phải đạt được COC"


Trước đó, nằm trong chuỗi hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 19, Nhóm làm việc của các quan chức cấp cao ASEAN bàn riêng về COC đã nhóm họp.

Các chuyên gia tới từ các nước thành viên ASEAN đã đề cập đến sự cần thiết phải phát huy chủ động trong việc xúc tiến xây dựng một văn bản có tính ràng buộc pháp lý cao hơn nhằm điều chỉnh các hành vi ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết, các quan chức cấp cao của ASEAN sẽ cố gắng hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử COC trong dịp này. Theo lịch trình, Trung Quốc sẽ mời đại diện ASEAN đến Trung Quốc để thảo luận tiếp vào tháng 1/2012.

Theo nhận định của Tổng thư ký ASEAN, vấn đề Biển Đông đã "có tiến triển". Bị kẹt tới 9 năm kể từ khi có DOC, ASEAN và Trung Quốc vừa qua đạt được thỏa thuận các quy tắc hướng dẫn thực thi DOC trong vấn đề ở Biển Đông, về cách thức thực hiện các hoạt động mà có thể giúp xây dựng lòng tin.

"Chúng ta phải đạt được COC", ông nhấn mạnh đồng thời nêu rõ: "Biển Đông là một khu vực cần được quản lý, hợp tác để tránh bất kỳ hậu quả không lường trước. Sự mất ổn định và xói mòn lòng tin ở Biển Đông sẽ có ảnh hưởng tới không khí an ninh chung, ảnh hưởng tới sự thịnh vượng và phát triển của ASEAN".

Biển Đông là tuyến đường huyết mạch cho các nền kinh tế năng động ở Đông Á, 80% nguồn năng lượng, nhiều hàng hoá được vận chuyển qua khiến đây trở thành tuyến hàng hải bận rộn. Với lý do này, Tổng thư ký ASEAN cho rằng "cần có mối quan tâm đặc biệt" ở Biển Đông.

"Trung Quốc nói không có vấn đề gì về ổn định, an ninh hay tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng ASEAN cần thiết lập các quy tắc nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn trên thực tế có liên quan tới Biển Đông... Chúng ta đang có động lực chứng minh cho thế giới thấy rằng vấn đề Biển Đông có thể được quản lý, kiềm chế và sẽ được giải quyết trong khuôn khổ mà ASEAN thiết lập nên, với những công cụ mà không ảnh hưởng tới sự ổn định của cộng đồng quốc tế. Tăng cường lòng tin sẽ giúp ích nhiều cho sự tăng trưởng của khu vực đang trở nên ngày càng quan trọng với thế giới" - ông nhấn mạnh.

Việt Nam và Philippines đang làm trong khuôn khổ

Bình luận xung quanh thỏa thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa qua, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói:

"Tôi cho rằng chúng ta có hai cách để giải quyết vấn đề. Một là thảo luận giữa ASEAN với Trung Quốc, và hai là song phương tuân theo luật pháp quốc tế. Những gì mà Việt Nam và Philippines đang làm là ở trong khuôn khổ, họ cần thực hiện những gì có thể, làm sao thống nhất, có thể kiểm soát được tình hình, cùng với Trung Quốc".
 

L.Thư (tổng hợp)