- Cho rằng châu Á đã trở thành khu vực “đầu tàu của kinh tế thế giới” và Việt Nam có thể “tận dụng" cơ hội để phát triển nhanh hơn, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Snow nhấn mạnh: không có đầu tư nào hiệu quả hơn đầu tư vào giới trẻ.
Ông John Snow hiện đứng đầu một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - Cerberus - hôm qua (16/11) đã có buổi diễn thuyết “Việt Nam có là điểm đến tin cậy của các đế chế kinh tế thế giới?” ở Hà Nội.
Ông bày tỏ lạc quan về “nhân tố mới” của nền kinh tế thế giới. Đó chính là các quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ ở châu Á.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Snow. Ảnh: Phương Loan |
Với Việt Nam, ông kể: “Khoảng năm 1992, ở Mỹ, người ta cho rằng, đầu tư vào châu Á, trong đó có Việt Nam là ý tưởng điên rồ. Nay đã khác rồi. Những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP tốt và ổn định như Việt Nam sẽ thu hút đầu tư. Việt Nam đang có những cơ hội để phát triển vượt bậc”.
Một trong những lợi thế của Việt Nam được ông chỉ rõ, đó là con người. Với dân số đông, tỷ lệ lao động trẻ cao, Việt Nam nên đầu tư mạnh hơn để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại các trường đại học.
“Không có đầu tư nào hiệu quả hơn đầu tư vào giới trẻ. Đầu tư dài hạn như vậy rất cần thiết. Trong vài thập kỷ tới, các bạn sẽ thấy rõ triển vọng đó” - ông Snow nhấn mạnh.
Ông chia sẻ: “Bản thân tôi còn cảm thấy ghen tị với những gì Việt Nam làm được. Mỹ không có sự năng động đó, dân số đang bị già hóa rất nhanh, chính phủ đang phải chi trả lớn cho phúc lợi, lương hưu… và điều đó kìm hãm sự năng động”.
Hút vốn đế chế kinh tế thế nào?
Ông John Snow chia sẻ cách thức để Việt Nam có thể thu hút đầu tư của các “đế chế kinh tế” trên thế giới. Nhấn mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là cơ hội để mang vốn về, TS Snow cho hay “nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị để vào Việt Nam”, bởi sau khi tái cơ cấu, cổ phần hóa, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng lên.
Với tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, ông cho rằng đó chưa phải là điều tệ. Dẫn ra bài học từ sự phá sản của các doanh nghiệp Mỹ chỉ vài ba năm sau khi ra đời, ông cho rằng, sự phá sản của một doanh nghiệp là điều đáng buồn với chính doanh nhân, nhưng với nền kinh tế, điều đáng buồn hơn sẽ là khi các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả vẫn có thể tồn tại.
“Nợ nần và phá sản của doanh nghiệp nên được xem là yếu tố tích cực để tạo một thị trường thực sự lành mạnh, cạnh tranh. Bản thân thị trường sẽ kiểm tra sức khỏe, sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Ông Snow cũng cho rằng sáp nhập không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp. Thực tế chứng minh không ít vụ sáp nhập dẫn tới thảm họa, bởi không tạo ra động lực phát triển cho doanh nghiệp.
“Sát nhập phải gắn với cá nhân chịu trách nhiệm cho việc làm này và hiệu quả của nó. Nếu đó chỉ là phép cộng đơn thuần về mặt tổ chức, sáp nhập sẽ không bao giờ thành công”.
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vị chủ tịch quỹ Cerberus Capital cho rằng, trong tình hình hiện nay, họ cần mạnh dạn bước ra thị trường thế giới để tìm đối tác.
Dòng vốn có thể chảy vào Việt Nam nếu thủ tục pháp lý khai thông vì lợi nhuận luôn là điều đầu tiên khi các nhà đầu tư quan tâm khi mà Việt Nam đạt được sự ổn định, có biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, có cơ sở hạ tầng được đảm bảo, có nguồn nhân lực và môi trường cạnh tranh bình đẳng...
Ông cũng chia sẻ thêm, trong điều kiện khó khăn hiện nay trên toàn cầu, các nền kinh tế trên thế giới từ Đông Nam Á, Ấn Độ, Nam Á đều chịu những ảnh hưởng và tác động nhất định. Trong bối cảnh khó khăn, các quỹ sẽ là nguồn giải cứu đối với doanh nghiệp.
Bài học nợ công
Ông John Snow cũng trao đổi về vấn đề nợ công và sức sống của nền kinh tế. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ chỉ ra một trong những nguyên nhân của làn sóng nợ công ở châu Âu và việc nền kinh tế Mỹ đối mặt nợ và thâm hụt ngân sách lớn là hệ quả của văn hóa chi tiêu vượt quá khả năng trả nợ.
Trong nhiều năm, người ta đã trong cảnh: vay để đầu tư đến đi vay để trả các khoản vay nợ khác. Nhà nhà vay, người người vay, doanh nghiệp vay và vay với mức thấp để đầu tư bất động sản. Chính điều đó đã tạo nên tình trạng bong bóng về bất động sản.
“Tiền ảo, nhà cửa ảo, kể cả thẻ tín dụng cũng ảo. Khi bóng bóng vỡ, tất cả sẽ lâm vào một tình cảnh khủng hoảng, vì không có cách trả nợ”.
Ông cho hay, nền kinh tế Mỹ đang phải giải quyết "khủng hoảng" thông qua giảm tiêu dùng, tức giảm GDP, mức giảm thậm chí nhiều hơn quốc gia châu Âu, Á. Việt Nam cần tránh được những gì Mỹ và các quốc gia thuộc khu vực châu Âu đang gặp phải.
“Nợ là con sóng lớn có thể nhấn chìm bất cứ con thuyền kinh tế nào ngoài đại dương, nhất là các nền kinh tế nhỏ”, ông Snow nói.
Phương Loan