- ‘Húc đầu vào tường đá’ là ví von của Chủ tịch Hà Nội về việc cải tạo chung cư cũ ở nội thành, sau khi Bộ trưởng Xây dựng yêu cầu thành phố phải làm quyết liệt.

Chiều 17/11, Bộ Xây dựng làm việc với UBND TP Hà Nội bàn biện pháp phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành xây dựng trên địa bàn TP, việc triển khai xây dựng theo Quy hoạch chung Thủ đô vừa được phê duyệt, xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ...

Về cải tạo chung cư cũ, hai bên thống nhất Hà Nội phải đẩy nhanh tiến độ, đồng thời thay đổi quan điểm về tái định cư tái định cư cho người dân cũng như chất lượng nhà tái định cư.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Hiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có gần 2.000 chung cư cũ, ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, bộ mặt kiến trúc và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân nên rất cần nâng cấp xây dựng lại.

Chung cư cũ ở Hà Nội đang xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Thu Lý

Ông cho hay, Bộ Xây dựng đang soạn nghị định cải tạo sửa chữa chung cư cũ. Theo đó, Nhà nước là chủ đầu tư đứng ra làm bởi nếu sập đổ thì người dân chịu thiệt, Nhà nước chịu trách nhiệm. Thành phố cần quyết liệt, đưa ra quy trình xây dựng, lộ trình cụ thể về việc thay đổi, di dời và chuẩn bị sẵn quỹ nhà bố trí cho dân di chuyển trong quá trình xây dựng lại; cần quy hoạch và xây dựng đồng bộ các khu đô thị mới để đưa dân đi thay vì tái định cư tại chỗ như hiện nay...

Để giải quyết những vướng mắc của việc cải tạo chung cư cũ, Bộ trưởng cho biết Nhà nước sẽ có quỹ nhà cho dân đến ở với tiêu chí khu mới sẽ to đẹp và khang trang hơn khu cũ. Sau đó xây dựng lại khu chung cư cũ. Nếu người dân nào ở lại thì sẽ không được tăng diện tích nhà. Khu vực đất của chung cư cũ sẽ được đấu giá hoặc sử dụng vào mục đích nhà ở xã hội.

Ví việc cải tạo chung cư cũ “như việc húc đầu vào tường đá”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lấy ví dụ, cải tạo chung cư Nguyễn Công Trứ phải bổ sung 2.000 tỷ đồng xây 22 tầng. “Từng đó tiền có thể xây đô thị ngay bên ngoài, nhưng người dân không muốn đi vì không muốn mất thương hiệu Nguyễn Công Trứ. Riêng việc thuyết phục dân đã vất vả, giờ vẫn chưa giải quyết được. Phải xem xét quan điểm và phương pháp cưỡng chế người dân khi nhà sắp sập. Nhưng nếu cải tạo chung cư cũ mà lại chồng tầng cao thì không thể giải quyết ách tắc giao thông”.

Với vấn đề nhà tái định cư, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh phải loại bỏ tư duy nhà tái định cư đồng nghĩa chất lượng kém. Xây nhà tái định cư mới yêu cầu chỉ nhỏ hơn, nội thất có thể kém hơn một chút, vật liệu không thể bằng nhưng chất lượng thì phải như nhà ở thương mại.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói cần xem xét lại quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà tái định cư. Trong một khu đô thị, không thể để nhà thương mại thì đẹp, nhà tái định cư lại xấu hơn.

Phát triển nhà cho thuê

Một trong những vấn đề được hai bên cùng quan tâm và bàn bạc là phát triển nhà ở, trong đó ưu tiên nhà ở xã hội. Hà Nội là địa phương đi đầu trong lĩnh vực này. Cùng với các dự án nhà thu nhập thấp theo phương thức xã hội hóa, TP dành ngân sách để xây nhà cho thuê, thuê mua, nhà ở cho sinh viên... Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, TP cần đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội hàng năm.

Bộ đã đề ra mục tiêu 5 năm tới sẽ có 12 triệu m2 nhà ở xã hội trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Nhà nước cần tạo điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả; đồng thời, rất cần chính sách hỗ trợ đặc biệt để phát triển nhà ở phi hàng hóa, trong đó chủ yếu do Nhà nước can thiệp.

Loại hình nhà ở phi hàng hóa (nhà ở xã hội) dành để bán, cho thuê, thuê mua sẽ nhằm đáp ứng cho đối tượng dân nghèo, không có điều kiện mua hoặc thuê nhà theo giá thị trường. Phát triển được loại hình nhà ở xã hội là bảo đảm an sinh xã hội, dù không đặt ra các tiêu trí cao như nhà ở thương mại nhưng phải chú trọng đến chất lượng nhà. Ngoài việc góp phần tăng diện mạo đô thị, cảnh quan kiến trúc, môi trường, những căn nhà này phải thực sự đem lại sự tiện nghi, cũng như hạnh phúc cho người đến ở.

Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng chương trình cùng các cơ chế chính sách cụ thể về phát triển nhà ở. Một mặt có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ, Nhà nước khống chế giá bán hoặc cho thuê giá rẻ. Mặt khác, Nhà nước chủ động đầu tư trực tiếp để có quỹ nhà bán hoặc thuê mua, cho thuê giá rẻ, cho ở miễn phí…

Thu Lý