- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khai mạc cuộc họp lần thứ 8 của Đại hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) khai mạc hôm nay 21/11 tại Hà Nội - một diễn đàn an ninh khu vực uy tín hàng đầu, lần đầu tiên do Việt Nam đăng cai tổ chức.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh những yếu tố tiềm ẩn có nguy cơ đẩy khu vực vào bất ổn, không phải là một nguy cơ đơn lẻ nào mà là tổng thể các thách thức đối với môi trường an ninh: "Trong khi các thách thức an ninh truyền thống không giảm đi, thì các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh biển, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh mạng... ngày càng nổi lên".

Thẳng thắn thừa nhận châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa có đủ các cơ chế hợp tác phù hợp để ứng phó hiệu quả với các thách thức trên, ông Nhân cho rằng "trước mắt còn rất nhiều việc phải làm".

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc CSCAP18. Ảnh: Hương Giang

Phó Thủ tướng Việt Nam nhắc lại những kết quả vừa đạt được của Hội nghị cấp cao ASEAN 19 và Hội nghị cấp cao Đông Á vừa kết thúc tại Bali, Indonesia, nơi các nhà lãnh đạo đã thảo luận thẳng thắn và xây dựng về an ninh biển, an ninh nguồn nước, vấn đề Biển Đông và khai thác bền vững sông Mekong.

Ông Nhân đề nghị các học giả tại CSCAP 18 trao đổi quan điểm, ý tưởng một cách cởi mở và thẳng thắn. "Vì chỉ có như vậy mới giúp được Chính phủ và nhân dân khu vực tìm được câu trả lời về các biện pháp đảm bảo hoà bình, an ninh cho khu vực, góp phần vào an ninh thế giới", Phó Thủ tướng nói.

Phiên họp lần thứ 8 của CSCAP do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao tổ chức, ngoài sự tham dự của các đại biểu là học giả, chuyên gia hàng đầu về an ninh khu vực, còn có không ít quan chức, cựu quan chức cấp cao như các vị đại sứ, cựu đại sứ, thứ trưởng ngoại giao, cựu thứ trưởng ngoại giao. Đây là lần tổ chức có số lượng đại biểu đông đảo nhất từ trước tới nay.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, hơn 130 đại biểu là các học giả, chuyên gia từ 21 nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tụ họp tại Hà Nội trong phiên họp lần thứ 8 của CSCAP với nội dung xoay quanh những vấn đề nóng nhất hiện nay liên quan đến an ninh khu vực.

Với chủ đề "Những nguy cơ và thách thức: Liệu cấu trúc an ninh khu vực mới có hữu ích?", học giả khu vực sẽ cùng thảo luận các chủ đề: An ninh hàng hải - Hướng tới Bộ quy tắc ứng xử trong khu vực, Nước - khởi nguồn cho phát triển hay nguyên nhân gây xung đột, Tăng cường sức mạnh hải quân - Tăng cường lòng tin trong khu vực, Cấu trúc an ninh khu vực mới, an ninh bán đảo Triều Tiên, an ninh mạng...

An ninh hàng hải là một chủ đề thảo luận tại CSCAP 8 tại Hà Nội.

Lần đầu tiên Hà Nội là nơi đăng cai phiên họp của Đại hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP), cuộc họp lần thứ 8. Nếu như ARF - Diễn đàn khu vực ASEAN uy tín là kênh 1, nơi các nhà lãnh đạo, nguyên thủ trao đổi chính thức về hợp tác liên quan đến an ninh khu vực thì CSCAP luôn được biết đến như kênh 2 không kém phần quan trọng. Đó là diễn đàn để các học giả đề xuất nhiều ý tưởng học thuật có giá trị cho kênh 1. Thành lập từ 1993 tại Kuala Lumpur, Malaysia, CSCAP ngày càng có ảnh hưởng lan rộng, khẳng định vai trò và tiếng nói trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực.

CSCAP hiện có 21 thành viên chính thức gồm 8 nước ASEAN (trừ Lào và Myanmar), Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Papua New Guinea và Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ là thành viên liên kết.

Việt Nam tham gia CSCAP từ tháng 12/1996, tăng cường chủ động đưa ra thảo luận các vấn đề an ninh trực tiếp liên quan đến ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng như an ninh dàn khoan dầu, an ninh nguồn nước..., qua đó thúc đẩy đối thoại và hợp tác khu vực trong các lĩnh vực đó.

Đại hội đồng CSCAP 8 diễn ra sau Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ ba về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Chung Hoàng