Nhật Bản có thể làm xấu hơn nữa quan hệ vốn đang trắc trở với Trung Quốc nếu đưa quân ra gần hơn nhóm đảo tranh chấp giữa hai bên, Jeff Kingston, Giám đốc phụ trách Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Tokyo) cảnh báo.

Theo tin của báo Nikkei, Bộ Quốc phòng Nhật sẽ triển khai khoảng 100 quân tới đảo Yonaguni vào khoảng tháng 4/2014. Khu vực dự định đóng quân cách nơi xảy ra vụ va chạm giữa một tàu cá Trung Quốc và hai tàu tuần tra Nhật Bản hồi tháng 9 khoảng 330 km. Nơi xảy ra vụ đụng tàu ở gần quần đảo tranh chấp Trung - Nhật gọi là Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) hay Senkaku (tiếng Nhật Bản).

Ông Kingston cho rằng: “Triển khai lực lượng gần khu vực tranh chấp sẽ không có được cách hiểu tích cực tại Bắc Kinh”.

 
 
Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa thực hiện một thỏa thuận năm 2008 để cùng phát triển các mỏ khí ngầm dưới biển gần quần đảo mà cả hai bên cùng tuyên bố chủ quyền. Theo giới phân tích, chủ quyền với quần đảo này sẽ mở rộng chủ quyền nguồn tài nguyên ngầm của một quốc gia. Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản ngày 20/11 đã cảnh báo hai tàu tuần ngư ngư trường của Trung Quốc không đi vào vùng biển tranh chấp sau khi phát hiện hai tàu ở gần một đảo trong khu vực này.

Theo Nikkei, Nhật Bản còn có thể triển khai quân đội tới đảo Miyako và Ishigaki cách không xa phía nam quần đảo tranh chấp. Quan chức Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nhật chưa đưa ra bình luận gì về thông tin của Nikkei.

Căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất châu Á đã lên cao sau vụ va chạm tàu ngày 7/9. Trung Quốc đã cắt mọi tiếp xúc cấp bộ sau khi Nhật bắt giữ thuyền trưởng tàu cá trong vòng 17 ngày. Nhiều công ty Nhật cho hay, Bắc Kinh còn tạm dừng việc xuất khẩu kim loại đất hiếm sang Nhật. Đất hiếm được sử dụng trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Tại Trung Quốc cũng như Nhật Bản đều diễn ra các cuộc biểu tình phản đối bên còn lại. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tái khẳng định quan điểm “cứng rắn và vững chắc” của nước ông về quần đảo tranh chấp trong một cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương Yokohama ngày 13/11, trong khi cũng kêu gọi tăng cường mối quan hệ “cùng có lợi” giữa hai nước.

“Làm dịu căng thẳng đã không diễn ra ở Yokohama”, ông Kingston nói. “Cả hai bên đều góp phần làm căng thẳng tình hình. Vấn đề có thể được xử lý và ngăn chặn, nhưng giờ đây nó đã vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Đầu tháng này, Trung Quốc đã từ chối đề nghị làm trung gian hòa giải tranh chấp mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra, đồng thời bác bỏ tuyên bố của bà Hillary khi bà nhấn mạnh rằng, quần đảo tranh chấp Trung – Nhật là một phần trong nghĩa vụ của Mỹ về bảo đảm an ninh quốc phòng Nhật Bản.

“Quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ của Trung Quốc, và việc tranh cãi về quần đảo này với phía Nhật Bản là vấn đề giữa hai nước”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nói.

Trong khi đó, tại một cuộc phỏng vấn với CNN, Thủ tướng Nhật Naoto Kan khẳng định: "Như Nhật đã đề cập, không có vấn đề lãnh thổ liên quan tới quần đảo Senkaku. Trên thực tế, Senkaku là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản, được công nhận bằng lịch sử của chúng tôi cũng như luật pháp quốc tế”. Ông Kan cũng cho rằng, Trung Quốc cần hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo ông Kingston, việc tranh cãi Trung - Nhật “có những ảnh hưởng khu vực. Một số quốc gia khác cũng có vấn đề tương tự với Trung Quốc”.

  • Thái An (Theo bloomberg)