- Lần đầu tiên giới khoa học quân sự sẽ nhìn nhận lại chiến dịch Đường 9 - Nam Lào lịch sử trong một cuộc hội thảo quy mô nhất từ trước đến nay, để xem xét các khía cạnh : tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử.

Tròn 40 năm diễn ra chiến dịch Đường 9 - Nam Lào lịch sử (1971 - 2011), đồng thời hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Lào (1962-2012), 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị Việt - Lào, lần đầu tiên giới khoa học quân sự sẽ nhìn nhận lại chiến dịch đặc biệt này trong một cuộc hội thảo quy mô nhất từ trước đến nay, để xem xét tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến dịch.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) và trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (bên phải) trong chiến dịch đường 9 Nam Lào 1971 - chiến dịch đem lại quyền kiểm soát hoàn toàn trên mặt đất cho bộ đội ta trên chiến trường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Theo Cục Tuyên huấn - Bộ Quốc phòng, hội thảo "Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971: Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử" sẽ diễn ra từ 29 đến 30/11 tại Quảng Trị, sẽ nhìn nhận một cách đầy đủ, sâu sắc về tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi của chiến dịch phản công huyền thoại, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến toàn thắng.

Chiến dịch đường 9 - Nam Lào diễn ra trong vòng 52 ngày đêm (31/1 đến 23/3/1971). Đi tới và làm nên chiến công huyền thoại này, ngay từ khi địch đánh sang Campuchia (1970), Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nhận định địch sẽ tiếp tục còn những hành động phiêu lưu quân sự mới và chỉ rõ phương hướng tiến công của địch trong mùa khô 1970 - 1971 là hành lang chiến lược Trung, Hạ Lào và đông bắc Campuchia.

Quyết tâm của Việt Nam là nhất thiết phải bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh, chuẩn bị sẵn sàng để đánh địch trên các hướng. Vì thế, khi địch bắt đầu cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào, Bộ Chính trị chỉ thị cho Quân ủy Trung ương "nhất thiết phải thắng trận này". Trong chiến dịch này, lực lượng chủ động, lực lượng địa phương và nhân dân các tỉnh Trung Lào đã tham gia đẩy mạnh tiến công địch, phối hợp chặt chẽ với bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh địch.


Chiến thắng đường 9 - Nam Lào đã tác động mạnh mẽ đến cục diện chiến tranh trên chiến trường ba nước Đông Dương, làm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước phát triển mạnh mẽ. Qua thắng lợi này, so sánh lực lượng và thế chiến lược trên chiến trường miền Nam nói riêng và trên chiến trường Đông Dương nói chung thay đổi nhanh chóng.

Cuộc hội thảo tại Quảng Trị sẽ làm sáng tỏ vai trò lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Quốc phòng Việt Nam trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào. 40 năm qua, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu đề cập tới chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào nhưng chưa có một công trình nào phản ánh một cách đầy đủ vai trò, sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

Hội thảo cũng sẽ đi sâu đánh giá nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tổ chức và điều hành chiến dịch. Điển hình như việc giành và giữ quyền chủ động suốt từ mở đầu đến khi kết thúc chiến dịch, phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực cơ động với lực lượng tại chỗ... Hội thảo cũng làm rõ tình đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân Việt - Lào, các bài học lịch sử của chiến thắng vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Kết quả hội thảo sẽ cung cấp những cứ liệu quan trọng để bổ sung vào lịch sử kháng chiến, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, và lịch sử quan hệ Việt - Lào....

L.Thư