- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định với Quốc hội việc tái cấu trúc ngân hàng là do nhu cầu khách quan nội tại của nền kinh tế, chứ không phải như nhận định của một số ĐB “do yếu kém, nguy hiểm”.
Đăng đàn nửa cuối buổi chiều nay (24/11) và sẽ tiếp tục đầu giờ sáng mai, ông Bình đã được các ĐBQH đã “xoay” từ lãi suất đến chất lượng hệ thống ngân hàng cổ phần.
Với khoảng 10 câu hỏi, Thống đốc NHNN đã tự nhóm thành vấn đề, trong đó nổi lên việc tái cấu trúc ngành ngân hàng và điều hành lãi suất.
2 ngân hàng tầm khu vực
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đặt ngược góc nhìn chất vấn của ĐBQH khi cho rằng “cần có cách nhìn đúng đắn hơn về việc tái cấu trúc”. Diễn giải khá dài để làm rõ với ĐB, ông Bình được Chủ tịch Quốc hội nhắc “đi thẳng vào câu trả lời”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Ngân hàng thương mại nói họ đang phải “đốt đuốc" tìm doanh nghiệp |
Theo ông, trong 37 ngân hàng cổ phần, 8 hoạt động rất lành mạnh, có thể làm trụ cột cho hệ thống ngân hàng cổ phần, 8 trung bình, 8 quy mô nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh và 8 đơn vị quy mô nhỏ nhưng hoạt động chưa lành mạnh.
“Như vậy, số ngân hàng yếu kém chiếm tỉ lệ không quá cao”. Song ông cũng thừa nhận có thực trạng đang “thừa ngân hàng quy mô nhỏ, hoạt động thiếu lành mạnh, thiếu ngân hàng tốt”.
“Tiêu chuẩn quốc tế là một điểm giao dịch trên 1.000 dân, nhưng nước ta mới có gần 9.000 điểm, so với dân số hiện nay và trong tương lai là quá ít”, Thống đốc nói.
Ông Bình nhận định khó khăn nhất trong tái cấu trúc chính là giải quyết các tổ chức tín dụng có tình hình tài chính yếu kém. Như một ĐB so sánh “phun thuốc trừ sâu nhưng vẫn bảo vệ lúa, đánh chuột mà không đổ bình”, ông Bình hy vọng đạt mục tiêu cải tổ nhưng giữ được ổn định, tránh đổ vỡ, để ngành ngân hàng vẫn là “bà đỡ”, “huyết mạch” cho nền kinh tế.
Ông chia sẻ một số trọng tâm chính của đề án tái cấu trúc đang được xây dựng như đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.
Bên cạnh đó, đảm bảo đủ năng lực đáp ứng vốn cũng như chất lượng dòng vốn cho phát triển kinh tế. Hệ thống ngân hàng cũng phải được đa dạng hóa về quy mô, loại hình hoạt động, hình thức sở hữu.
“Dự kiến sẽ có hai ngân hàng đủ sức cạnh tranh trong khu vực, 10-15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho hệ thống. Ta chấp nhận các ngân hàng vừa và nhỏ nhưng phải có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động trong các phân khúc phù hợp”, Thống đốc Bình cho hay.
Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ bản đề án với những giải pháp cụ thể.
Trần lãi suất thấp, dân thiệt
Về mức trần lãi suất huy động 14% đang áp dụng trong hệ thống ngân hàng cổ phần, nhiều ĐB cho rằng đây là mức “quá thấp” khiến người dân gửi tiền bị thiệt trong khi doanh nghiệp phải vay với lãi cao. Phải chăng ngành ngân hàng đang lãi lớn?
Thống đốc NHNN phân tích, nếu đặt vào thời điểm cuối năm 2010, khi QH quyết nghị mục tiêu lạm phát năm 2011 ở mức 7%, mức trần lãi suất đó “có ý nghĩa tích cực và phù hợp”.
Nhưng ông Bình cũng thừa nhận, duy trì mức trần lãi suất cố định quá lâu, nhất là các tháng đầu năm nay, lạm phát tăng nhanh, sẽ không hợp lý, làm mất tính linh hoạt của trần lãi suất, không phản ánh đúng quan hệ cung cầu.
Tuy nhiên, từ tháng 8, vì lạm phát có chiều hướng đi xuống, cùng với dự kiến lạm phát 2012 không quá 10%, mức trần lãi suất 14% được ông cho là “phù hợp” và Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ vững mức này.
Về việc nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng, ông Bình cho hay do vẫn phải kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, ngân hàng có thể chưa có đủ vốn để cho vay.
Nhưng ông cho rằng, việc các doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn do những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, chưa nói theo chuẩn quốc tế, chỉ cần theo chuẩn Việt Nam, có thể “sờ mó được là rất hiếm”. Ông còn cho hay các ngân hàng thương mại nói với ông rằng họ đang phải “đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp”.
Lạm phát giảm sẽ là tiền đề để hạ dần mức lãi suất. Thống đốc NHNN cho biết, chỉ cần mức lạm phát của tháng 11 giảm 1%, sẽ xem xét hạ trần lãi suất huy động cũng như bộ lãi suất điều hành của NHNN.
Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng