- Bàn cải tiến chất lượng hoạt động Quốc hội, các đại biểu phàn nàn chuyện bị chủ tọa cắt ngang câu hỏi ở phiên chất vấn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ĐB cũng phải tập hỏi cho sắc sảo, ngắn gọn.

Nhân hội nghị trực tuyến của Văn phòng Quốc hội sáng nay (28/11) tại Hà Nội bàn kế hoạch triển khai nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội, các đại biểu đã tranh thủ góp ý về một số tồn tại trong kỳ họp vừa kết thúc cuối tuần qua.

Gây tâm lý bức xúc?

Theo tinh thần đổi mới, kỳ họp vừa qua đã áp dụng một số thay đổi trong cách thức tiến hành chất vấn, và đã nhận được nhiều đánh giá khác nhau. Nhận định chung là các phiên chất vấn đã diễn ra ngắn gọn, nhiều đại biểu được đặt câu hỏi và so với các kỳ họp trước, nghị quyết sau chất vấn đã nêu rõ trách nhiệm thực hiện lời hứa của các trưởng ngành. Tuy nhiên, còn không ít băn khoăn về vai trò người điều hành.


Một số đổi mới, cải tiến đã được áp dụng tại kỳ họp thứ hai, tuy nhiên vẫn đang nhận được nhiều phản hồi khác nhau từ phía các ĐBQH. Ảnh: Minh Thăng

Như quy định chung được phổ biến đến các ĐBQH là, sẽ đăng ký chất vấn theo nhóm vấn đề, câu hỏi rõ ràng, không giải thích, không nêu nguyên nhân, thời gian tối đa để hỏi là hai phút. Người trả lời cũng phải nói ngắn gọn, trực tiếp, thời gian trả lời thế nào là theo yêu cầu của chủ tọa.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), trong phiên họp vừa rồi, chủ tọa có lúc không tuân thủ nguyên tắc trên, khi cắt ngang câu hỏi của đại biểu dù đại biểu nói chưa đến hai phút và "gây tâm lý bức xúc".

Ông Vinh cho rằng, một khi chủ tọa luôn nhắc nhở đại biểu chỉ được hỏi một phút thì cũng phải lưu ý và nhắc nhở nếu bộ trưởng "câu giờ".

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng cũng không đồng tình với việc chủ tọa luôn chỉ định mỗi lượt hỏi lên tới vài chục người. "Chỉ cần mỗi lượt từ ba đến năm người thì Bộ trưởng mới nhớ và gom được vấn đề, từ đó mới trả lời được hết ý", ông Vinh đề xuất.

Phó Ban Dân nguyện Bùi Nguyên Súy kiến nghị: "Cứ sửa quy chế là thời gian chất vấn chỉ giới hạn ở một phút và mỗi người chỉ hỏi một câu, đi luôn trọng tâm vấn đề".

Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Huỳnh Thành Lập cũng phản ánh, cách điều hành của chủ tọa vừa qua cũng gây tâm tư cho đại biểu.

"Nhưng tôi đồng ý với chủ tọa là phải ngắn gọn. Quan điểm của tôi là điều hành phải kiên quyết. Đại biểu cũng phải tập nói cho sắc sảo, ngắn gọn", ông Lập nêu ý kiến.

Ngay chính Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng từng bày tỏ: "Một số ĐB góp ý là Chủ tịch điều hành trong ngày đầu tiên có làm gọn quá, nhất là cứ ngắm vào chỗ chị em đặt câu hỏi để cắt bớt thời gian. Không biết là ưu tiên vào nữ hay là chính các đồng chí nói hơi dài. Tôi xin rút kinh nghiệm và mong QH thông cảm vì thời gian có hạn".

Truyền hình trực tuyến điều trần ở ủy ban

Cho rằng tất cả những đề xuất cải tiến kể cả trong chất vấn hay các hoạt động khác đều không có gì mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định: "Tất cả đều đã quy định hết trong luật, chỉ là chúng ta đã thực hiện sai và bây giờ nhận thức lại. Vì theo tôi chỉ cần làm đúng quy định đã có là đã đổi mới nhiều lắm".

Ông Quyền góp ý, muốn giảm tình trạng đại biểu hỏi chỉ để hỏi trong các phiên chất vấn, cách tốt nhất là tăng điều trần tại các ủy ban. Sau đó, diễn biến phiên điều trần phải được gửi tới các ĐBQH để họ nắm thông tin, tránh tình trạng tiếp tục đặt câu hỏi "chỉ để biết thông tin" tại các phiên chất vấn toàn thể.

Tăng điều trần ở các ủy ban cũng là một hướng đổi mới được nhiều đại biểu tán thành. Nghị quyết Quốc hội cũng lần đầu tiên ghi nhận hoạt động này và yêu cầu các ủy ban tích cực chuẩn bị.

Ông Huỳnh Thành Lập còn cho rằng, các phiên điều trần nên làm trực tuyến để ĐBQH các tỉnh thành cũng được tham gia và nắm thông tin ngay từ đầu.

Các đề xuất trên đã nhận được sự tán thành của nhiều vị đại biểu khác. Chẳng hạn, theo các đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Phạm Đức Châu (Quảng Trị), mở rộng điều trần để vừa làm rõ, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành đồng thời tăng cường vai trò của các ủy ban. Thực tế, nhiều ủy ban đã bước đầu tổ chức điều trần trong phạm vi ủy ban và thu được kết quả tốt.

Ngoài chủ đề về chất vấn, tại phiên họp sáng nay, nhiều ý kiến cũng tranh thủ góp ý về các khâu như gửi tài liệu còn chậm, thời gian thảo luận hội trường quá dài. Đặc biệt, nhiều dự án luật quan trọng (như Luật Giáo dục đại học) lại không được bố trí thời gian thảo luận xứng đáng trong khi các dự án luật khác do ít ý kiến tham gia nên tan họp sớm.

Những ý kiến trên sẽ được tiếp thu và triển khai trong các kỳ họp tới. Tuy nhiên, điều quan trọng được nhiều ĐBQH nêu rõ là trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, việc nâng cao năng lực hoạt động đại biểu là một khâu quan trọng. Điều này phải do chính sự tích lũy của từng đại biểu và một cơ chế tạo điều kiện thông thoáng về tài chính cũng như bộ máy giúp việc hỗ trợ.

Lê Nhung

Chủ tịch Quốc hội 'chấm điểm' Bộ trưởng Thăng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận quyết tâm của Bộ trưởng Giao thông - Vận tải làm giảm ùn tắc giao thông ở TP.HCM và Hà Nội từ năm 2012.
 
Thủ tướng: Luật biểu tình đảm bảo quyền tự do, dân chủ
Thủ tướng khẳng định trước QH: Làm Luật biểu tình là phù hợp Hiến pháp, phù hợp đặc điểm văn hóa, điều kiện cụ thể của VN cũng như thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân...
 
'Sao Bộ lại để các trường lừa như vậy?'
Nghe Bộ trưởng GD-ĐT nói nhiều đoàn kiểm tra xuống trường ĐH mới mở thì bị đưa đến một cơ sở mượn tạm mà không biết, ĐB Nguyễn Thành Tâm bình: Tại sao một đoàn liên ngành của Bộ mà ngây thơ để các trường lừa như vậy?
 
Bộ trưởng Huệ nói thật chuyện lương ngành điện
Chất vấn Bộ trưởng Vương Đình Huệ, các đại biểu đòi làm rõ chuyện giá điện, giá xăng, công khai chuyện lỗ lãi của hai tập đoàn, cũng như lương thưởng ở EVN.
 
Bộ trưởng Thăng không thể nói bao giờ hết tắc đường
Đăng đàn sáng nay, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng rào trước: Tôi mới nhậm chức 3 tháng 15 ngày, đang ở bước xuất phát, là người trả lời đầu tiên nên không tránh khỏi lúng túng.