- Quan điểm của Chính phủ khi tái cơ cấu ngân hàng là không để đổ vỡ hệ thống, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam khẳng định với báo giới.

Việc tái cơ cấu ngân hàng phải bảo đảm hệ thống hoạt động lành mạnh, an toàn, minh bạch. Ảnh minh họa: Bình Minh

Ngày 30/11 và 1/12, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ. Chiều nay (1/12), Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin với báo chí những nội dung chính.

"Không nhất thiết nói tên những đứa con ốm yếu"

Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói, nguyên tắc điều hành lãi suất và định hướng điều hành lãi suất, tiền tệ là thận trọng, linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm tăng trưởng và chống lạm phát.

"Xu hướng là giảm dần mặt bằng lãi suất. Chỉ số giá đang có xu hướng giảm. Năm 2012 Chính phủ quyết tâm đưa lạm phát về một con số. Như vậy là có cơ sở để giãm lãi suất. Nhưng giảm bao nhiêu, thời điểm nào phải tính toán để bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp trong nhu cầu vay vốn và lợi ích của người gửi tiền", ông Tiến cho hay.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, các chính sách hỗ trợ DN tập trung vào 2 nhóm chính và làm sao để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. "Chính phủ yêu cầu Ngân hàng xem xét phương án hạ lãi suất, bảo đảm linh hoạt. Từ tháng 8 trở lại đây, chỉ số CPI liên tục dưới 1%, kể cả tháng 12 cũng quyết tâm giữ dưới 1%. Như vậy, lãi suất cũng phải được điều chỉnh thích hợp", ông Đam nói.

Tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về các đề án: tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu đầu tư và phương án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 có tính đến năm 2020.

Ông Đam cho hay, việc tái cơ cấu ngân hàng phải bảo đảm hệ thống hoạt động lành mạnh, an toàn, minh bạch: "Trên cơ sở đó, sắp xếp lại hệ thống, trị bệnh cho các ngân hàng yếu kém, nhưng phải bảo đảm quyền lợi của người dân". Quan điểm thống nhất là không để đổ vỡ hệ thống, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Do đó, người dân hoàn toàn yên tâm vì quyền lợi hợp pháp sẽ được Chính phủ đảm bảo.

Liên quan đến đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết thêm, quá trình tái cơ cấu sẽ phân loại từng nhóm ngân hàng. Còn về thông tin có 5% ngân hàng yếu kém, ông Tiến nói, vì lợi ích của hệ thống ngân hàng và lợi ích nền kinh tế, hiện nay vẫn chưa thống nhất việc công bố danh sách các ngân hàng yếu kém hay không.

"Bà mẹ luôn chăm sóc những đứa con ốm yếu, nhưng không nhất thiết phải nói cho hàng xóm tên những đứa con ốm yếu của mình. Yếu kém là phải chấn chỉnh, nhưng công khai danh sách chưa hẳn tốt. Cần có sự phân loại, đánh giá từng ngân hàng, từ đó có giải pháp sắp xếp, cơ cấu phù hợp", ông Tiến nói.

Ổn định giá cả

Về các nội dung chính được thảo luận tại phiên họp Chính phủ, ông Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ đã thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách năm 2011, dự thảo nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách 2012. Kinh tế vĩ mô đã từng bước ổn định vào những tháng cuối năm. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, Thường trực Chính phủ cũng nhận định, tình hình vẫn còn rất khó khăn. Lạm phát tuy giảm nhưng tính chung cả năm vẫn rất cao; lãi suất chưa giảm nhiều và còn bất hợp lý trong xu hướng lạm phát giảm, nhu cầu ngoại tệ và sức ép tỷ giá cuối năm là khá lớn. Thị trường bất động sản và chứng khoán trầm lắng. Đầu tư suy giảm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sản phầm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng. Việc làm và đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân mất việc làm đang là vấn đề bức xúc lớn.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo điều hành, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để hoàn thành mục tiêu. Đồng thời, cần có kế hoạch bảo đảm đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát để ổn định giá cả trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo ông Đam, trong tháng 12, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012. "Tất cả các chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2012 là không dễ thực hiện. Nhưng đó là quyết tâm của Chính phủ và đã được Trung ương, Quốc hội đồng tình... Sẽ sử dụng hiệu quả hơn đồng vốn của Nhà nước, giải phóng sức sản xuất để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm 2012", ông Đam nhấn mạnh với báo chí.

Lê Nhung