- Bà Sáu Trầu nhớ lại, bài tham luận hôm đó có nhiều câu động chạm tới mức, “trước phiên họp, một đồng chí trong đoàn kéo tôi lại ái ngại: chị có trăng trối gì với mấy đứa nhỏ ở nhà không?”. 


Ngày gần áp chót kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII (1985). Được mời lên đọc tham luận cuối cùng, ĐBQH Đào Thị Biểu (bà Sáu Trầu) đã có một bài phát biểu đặt thẳng vấn đề trách nhiệm của Chính phủ khi triển khai quyết sách giá - lương - tiền. Vấn đề thời sự nóng bỏng, tác động trực tiếp tới đời sống dân sinh lúc bấy giờ, với nhiều bất cập và “ấm ức” ai cũng biết nhưng không ai dám nói ra.

26 năm đã qua nhưng khi lật giở lại bài tham luận của đoàn ĐBQH tỉnh Cửu Long (nay là Vĩnh Long và Trà Vinh), bà Sáu Trầu, bây giờ ở tuổi 74, vẫn nhớ nguyên không khí quyết liệt, gay cấn trong suốt quá trình chuẩn bị cho bài phát biểu đó. Nhất là trong bối cảnh các tham luận đọc trực tiếp tại nghị trường chủ yếu là tán thành và hoan nghênh. 
Bà Sáu Trầu - người từng làm “bùng nổ” nghị trường cách đây 26 năm
Còn với nhiều ĐBQH, bài tham luận của bà Sáu Trầu không chỉ gây chấn động diễn đàn Quốc hội đêm trước đổi mới mà còn mở ra “kỷ nguyên nói thẳng, nói thật trên nghị trường”. Bà đã làm được một việc hết sức quan trọng, chưa từng có trong đời sống nghị trường Việt Nam, kể từ thời điểm 15/7/1960. 

Ngày 5/9/1985 được ấn định là ngày đổi tiền trên cả nước, khởi đầu cho chính sách giá - lương - tiền. Cuối năm đó Quốc hội họp kỳ thứ 10.

Bà Sáu Trầu kể, các kỳ họp Quốc hội lâu nay, không phải ai muốn phát biểu gì cũng được nói mà đều có bố trí, sắp xếp sẵn.

Trước khi ra họp, đoàn ĐBQH tỉnh Cửu Long cũng như các đoàn ĐBQH khác đều phải gửi ra thư ký kỳ họp nội dung bài phát biểu dự kiến sẽ đọc.

“Nội dung không có gì đặc biệt. Chủ yếu là cơ bản nhất trí, tán thành với chủ trương, chính sách”, bà cho biết. Tuy nhiên, sau khi nghe Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) báo cáo tình hình kinh tế - xã hội có một ý rằng: “Các địa phương đã không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền”, đoàn ĐBQH Cửu Long đều thấy chưa thỏa đáng.

Bởi, thực tế sau khi thực hiện chính sách đổi tiền, giá hàng hoá đã tăng cao gấp 10 lần trong khi lương người sản xuất thấp lẹt đẹt, còn lương kinh doanh cao ngút trời. Giá vé xe đò tăng cao gấp 5-7 lần, nhiều người đi xa không đủ tiền phải nằm lại bến. Thiếu tiền lẻ, khiến việc mua vé tàu xe, ăn hủ tíu không có tiền lẻ trả, phải thế giấy chứng minh. Người dân lao đao vì thiếu tiền lẻ trong chi tiêu mua sắm hàng hoá thiết yếu hàng ngày.

Tối đó, cả đoàn ĐBQH Cửu Long nhóm họp và cùng nhận ra đã đến lúc không thể đặng đừng mà cần phải nói sự thật. 

Tuy nhiên, bài tham luận đã được nộp, giờ muốn nói khác thì tính sao?

Thư ký đoàn ĐBQH tỉnh sau khi tham khảo hết các ý kiến, đã chắp bút viết lại một bài khác, từng ĐBQH trong đoàn thống nhất nội dung và ký tên. 

Viết xong rồi cũng không dám nhờ Văn phòng QH đánh máy vì sợ lộ sẽ bị rầy rà, không còn cơ hội đọc trên hội trường. Vậy là lãnh đạo đoàn phải tìm đến người quen bên Văn phòng Trung ương Đoàn nhờ đánh máy giúp. 

Biết vấn đề đụng chạm nên trước khi họp, ông Tư Cẩn (trưởng đoàn) có ý hỏi trước “ai dám phát biểu”. Ông nói thêm, vấn đề gay gắt lắm, phải giọng nữ nói năng mềm mại, từ tốn, gia đình có thành tích kháng chiến, lại phải dũng cảm, có thể hy sinh. Bà Sáu Trầu đã xung phong lãnh trách nhiệm.
"Khi lãnh nhiệm vụ, trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ là đem ý dân gửi cho Đảng, để dân mất lòng tin vào Đảng là mình có tội"
Cuối ngày của kỳ họp hôm đó đã chứng kiến một cuộc “bùng nổ” chưa từng có khi người phụ nữ có thói quen bỏm bẻm nhai trầu đĩnh đạc bước lên diễn đàn Quốc hội và mạnh dạn nói thẳng những điều không ai dám nói.

…“Chúng tôi cho rằng 10 năm qua chưa lần nào dân xôn xao, bất bình, thậm chí phẫn nộ bằng đợt phá giá - lương - tiền vừa qua. Chúng tôi đã chứng kiến biết bao cảnh các cửa hàng ách tắc, bao nhiêu cuộc cãi vã xô xát, bao nhiêu tiêu cực: vo tròn giá hay nâng giá vì thiếu tiền lẻ và mua bán tiền lẻ... Chúng tôi yêu cầu đưa ra ánh sáng vấn đề này. Chúng tôi yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong việc này”.


Tiếng vỗ tay vang khắp hội trường.

Như được tiếp lửa, bà “truy” tiếp: “Có đồng chí nói một số nơi đã làm lộ. Riêng vụ án ở Cửu Long đã chứng minh kẻ biết trước và chủ tâm làm lộ để đầu cơ trong đổi bạc là hệ thống ngân hàng. Ban giám đốc ngân hàng đầu tư xây dựng và gần hết nhân viên đã cấu kết với tên thương buôn Lã Thị Tú Vân thu hết tiền 10 đồng trở xuống trước ngày đổi bạc và luồn lách đổi hàng triệu bạc sau ngày đăng ký. Ai ở Trung ương đã phổ biến cho ngân hàng Cửu Long những chi tiết đó? Việc phổ biến nội dung như vậy với thời gian như vậy để xảy ra tiêu cực là chuyện bình thường hay có dụng ý? Chúng tôi đề nghị các ngành có chức năng truy cứu tới nơi tới chốn trách nhiệm hình sự này”.

"Hồi mới trúng cử ĐBQH, lo quá tôi hỏi thăm ông Mười Quẹo (đại biểu khóa VI) rằng làm ĐBQH là làm những gì? Ông nói vui: là khi người ta nói xong thì vỗ tay, hết giờ đi ăn cơm! Qua hai nhiệm kỳ làm ĐBQH, tôi hiểu đại biểu dân cử là phải dám nói, phải có trách nhiệm với những người đã bầu ra mình”. 

Bài tham luận của bà còn thuyết phục người nghe bằng những dẫn chứng mạch lạc, “những thủ tục sơ đẳng nhất về nghiệp vụ lần này cũng không được tuân thủ như: không cắt góc tiền cũ đã thu hồi, không buộc kê khai đủ tất cả tiền cũ, không ghi rõ “chữ kèm theo số” tiền đăng ký đổi, không giữ người phụ trách đổi tiền tại bàn trong suốt thời gian thu đổi…. Mặt khác lại hạn chế bàn đổi chỉ còn 50% số bàn đổi kỳ đổi trước trong khi lượng tiền phải đổi cao hơn đã tạo ra sự kéo dài rất sơ hở, nhất là ở các bàn vãng lai”. 

Không dừng lại, bà tiếp tục “đụng chạm” thẳng, thật, không né tránh với những người có trách nhiệm: “Ai đã tạo sơ hở ấy để cán bộ lợi dụng, nhất là cán bộ ngân hàng phụ trách các bàn đổi. Ai là người chịu trách nhiệm chính trong vi phạm các nguyên tắc này? Cần phải xử lý đúng người đã chủ trương sai tạo ra sơ hở, chứ không thể chỉ trừng trị kẻ lợi dụng sơ hở…

Trung ương nói địa phương không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền nhưng ưu thế gì mà phát huy. Lượng tiền đưa lại dân quá lớn, thương buôn đã vét hết hàng và lòn lõi nắm lại được tiền mới khá lớn trong tay. Sau đổi tiền, ta còn một số tiền dự trữ nhưng không còn hàng, thương buôn vừa có hàng vừa có tiền. Ta lại tăng giá, làm cho ngành thương nghiệp cần lượng tiền mặt khá lớn để nắm hàng, thế là lại tiếp tục lạm phát với tốc độ nhanh và qui mô lớn hơn trong khi cơ chế quản lý tiền tệ chưa có tí gì đổi mới, thế là các ngành sản xuất kinh doanh lại vẫn bế tắc không có ưu thế gì để phát huy”.

“Tóm lại, chúng tôi cho rằng nhận xét của đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là không đúng sự thật. đánh giá sai - đúng trong đổi tiền chưa đúng mức, còn đổ lỗi cho khách quan và bên dưới, chưa nói rõ, chỉ đúng ai chịu trách nhiệm chính trong sai lầm vừa qua để công khai xử lý trước dân”… 

Cuối cùng bà đưa ra yêu cầu nảy lửa, “chúng tôi đề nghị cần làm rõ đúng sai và xử lý nghiêm minh, không để kẻ sai cứ bám mãi vị trí cũ để tiếp tục hại dân, hại nước nữa”.

Giọng bà vang đến đâu, cả hội trường vỗ tay rần rần đến đó: “Là cán bộ đảng viên, đại biểu Quốc hội, chúng tôi hiểu phải nói gì và làm như thế nào trước nhân dân… Với bức xúc của nhân dân, chúng tôi phải nói hết, nói thật những cái đã thấy, đã hiểu của mình mong góp phần đấu tranh xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội….”

Bảy phút cho bài phát biểu gần bảy trang đánh máy trong những tràng pháo tay liên tiếp. “Tôi cố đọc nhanh và lớn để mọi người nghe. Vì mỗi tham luận chỉ được phát biểu bảy phút, nếu quá giờ, người điều khiển phiên họp sẽ rung chuông mời xuống”, bà kể.

Thư ký kỳ họp sau đó cũng “cự nự” bà phát biểu không giống như tham luận đã đăng ký.

Giờ nhớ lại chuyện cũ, bà Sáu Trầu vui vẻ nói, bài tham luận hôm đó quả thực nhiều câu rất gay gắt, động chạm trực diện tới mức, “trước phiên họp, một đồng chí trong đoàn kéo tôi lại ái ngại: chị có trăng trối gì với mấy đứa nhỏ ở nhà không?”. Họ lo tôi sẽ bị bắt giam. 

Nhưng, “toàn bộ nội dung trong bài tham luận đúng là sự thật, đó là những gì cử tri của chúng tôi bức xúc. Khi lãnh nhiệm vụ, trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ là đem ý dân gửi cho Đảng, để dân mất lòng tin vào Đảng là mình có tội”, vừa bỏm bẻm nhai trầu, bà Sáu vừa bộc bạch.

Bản lĩnh nghị trường đã làm nên uy tín của ĐBQH Đào Thị Biểu. Sau phiên họp hôm đó, các đoàn ĐBQH mang vô vàn trầu cau đến bảo là thưởng vì bà đã giúp họ nói lên những điều bức xúc nhưng không dám nói. Nhà văn Nguyễn Hải Trừng tặng bà tập thơ, ngoài bìa đề mấy câu: “Tặng người em gái quê hương, người mở ra kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên nói thẳng và nói thật”.

Câu chuyện của bà Sáu Trầu và cuộc “bùng nổ” trên nghị trường hồi đó là một minh chứng sống động về bản lĩnh đại biểu dân cử. Chẳng có rào cản vô hình nào không thể vượt qua nếu đại biểu hiểu thấu đáo trách nhiệm của mình. Vì suy cho cùng, nội dung quan trọng nhất của việc cử tri cần các vị đại biểu Quốc hội là để có trách nhiệm đối với mình. Chế độ trách nhiệm đối với cử tri là linh hồn của chức năng đại diện. Điều này được quy định trong Hiến pháp như sau: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước” (điều 79).

Về điều này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng cũng từng viết, chức năng đại diện chính là chiếc cầu nối tất cả chúng ta với quyền lực nhà nước. Và không ai khác, chính từng vị đại biểu Quốc hội là những nhịp cầu tin cậy của cử tri. Làm cho cử tri vừa lòng chính là thực hiện chức năng đại diện. 

Hay nói cách khác, đảm bảo sự vận hành trên thực tế của chức năng đại diện chính là nội dung quan trọng nhất, thậm chí là linh hồn của việc thực hành dân chủ thực chất. Tuy nhiên, không phải đại biểu nào cũng làm được.

Thu Hà - Lê Nhung

Bài 4: Khi Quốc hội không ngại va chạm