Nói với người dân Italy rằng, số phận đất nước và đồng euro đang bị đe dọa, Thủ tướng Mario Monti đã công bố trọn gói các biện pháp tiết kiệm chưa từng có.
Gói tiết kiệm đầy tham vọng này bao gồm việc cắt giảm mạnh chi tiêu, tăng thuế, và cả những động thái không được tán thành như tăng tuổi hưu của người lao động.
Gói tiết kiệm đầy tham vọng này bao gồm việc cắt giảm mạnh chi tiêu, tăng thuế, và cả những động thái không được tán thành như tăng tuổi hưu của người lao động.
Thủ tướng Italy Mario Monti đã công bố trọn gói các biện pháp thắt lưng buộc bụng chưa từng có. Ảnh: Reuters |
Gói các giải pháp mới được công bố nhằm cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ, chống trốn lậu thuế và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, để Italy có thể loại bỏ tình trạng thâm hụt ngân sách vào năm 2013. Ông Monti đã đưa ra các biện pháp trên trong một sắc lệnh khẩn cấp, nghĩa là chúng sẽ có hiệu lực trước khi ông gửi gói giải pháp tới quốc hội để được phê duyệt chính thức.
Theo giới phân tích, gói giải pháp đưa ra trước một cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng của các nhà lãnh đạo châu Âu tuần này, những biện pháp mới nhằm mục tiêu chứng tỏ Italy - được coi là quốc gia quá lớn để đổ vỡ và quá lớn để giải cứu với các khoản nợ khổng lồ - đã cam kết đưa tình hình tài chính trở lại trật tự. Khi Italy thể hiện cam kết thắt lưng buộc bụng, thì Liên minh châu Âu có thể tiến về phía trước với các kế hoạch lớn hơn để củng cố đồng euro.
“Nếu bạn muốn, hãy gọi là những biện pháp "cứu Italy", ông Monti nói trong cuộc họp báo sau một cuộc gặp nội các hôm chủ nhật ở thời điểm chưa đầy ba tuần ông nhậm chức. “Tôi muốn đưa tới các bạn thông điệp của mối lo lắng nhưng cũng là hy vọng lớn". Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ làm việc để thúc đẩy sự hy sinh và tính công bằng khắp xã hội.
Là cựu ủy viên Hội đồng châu Âu không có kinh nghiệm trong quốc hội Italy, ông Monti dự kiến sẽ đệ trình các giải giáp lên hai viện hôm thứ hai. Cho dù quốc hội đã bỏ phiếu tán thành cho chính phủ kỹ trị của ông hồi tháng trước, nhưng rất nhiều nghị sĩ khá miễn cưỡng thúc đẩy các biện pháp có thể cản trở cơ hội tái cử của họ.
Hơn thế nữa, các nghiệp đoàn lao động đã phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu, còn các nhà sản xuất thì cho rằng, những biện pháp tăng thuế là quá nặng nề và có thể bóp nghẹt tăng trưởng. Ông Monti, người nắm giữ cương vị Thủ tướng cũng như Bộ trưởng Tài chính phải đối mặt với thách thức: vừa làm hài lòng yêu cầu của các nhà lãnh đạo châu Âu, và phải nói rõ với người Italy rằng, họ cần có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về cơ cấu lâu dài của đất nước.
“Gánh nặng nợ công khổng lồ của Italy không phải là lỗi của châu Âu; nó là lỗi của người Italy, vì trong quá khứ, chúng ta đã không đủ quan tâm sự thịnh vượng của thế hệ trẻ, của thế hệ tương lai Italy", ông Monti nói. Đề cập tới các đề xuất của mình, ông cho biết: “Chúng ta phải chia sẻ sự hy sinh, nhưng chúng ta phải nỗ lực hết sức để chia sẻ một cách công bằng".
Không có nhiều chọn lựa cho Italy. Dù nền kinh tế nước này lớn thứ ba trong khu vực đồng euro nhưng không có động lực phía trước; các nhà kinh tế dự báo nó sẽ sụt giảm năm 2012 và không tăng trong 2013. Trong khi đó, chi phí cho các khoản nợ quốc gia thậm chí có thể chiếm phần lớn hơn trong ngân sách.
Ông Monti cũng phải thuyết phục người dân về mức độ rủi ro họ đối mặt. Cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, người vẫn còn dẫn dắt Italy vài tuần trước đây, luôn khẳng định với người dân rằng, kinh tế đất nước là ổn định, thậm chí tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao và gia tăng, tăng trưởng trì tệ và giá cả thì bỏ xa mức lương.
Các đề xuất của ông Monti bao gồm việc giới thiệu lại thuế bất động sản không được tán thành mà ông Berlusconi đã bỏ rơi năm 2008; cấm giao dịch tiền mặt trên 1.000 euro (1.340 USD) với hy vọng giảm nạn trốn thuế; tăng thuế giá trị gia tăng và các ưu đãi cho doanh nghiệp thuê nhân công mới...
Bộ trưởng Phúc lợi Elsa Fornero, một chuyên gia về lương hưu đã phát biểu xúc động trong cuộc họp khi bà giải thích người Italy ngày nay cần hy sinh thế nào để đảm bảo cho hệ thống lương hưu "công bằng hơn" với các thế hệ tương lai. Tuổi nghỉ hưu chuẩn hiện nay là 60 với đa số phụ nữ và 65 với nam giới, sẽ được nâng lên là 62 và 66 cùng với những khuyến khích để tiếp tục làm việc tới tuổi 70. Lương hưu sẽ dựa trên số năm đóng góp chứ không phải dựa trên lương của nhân công ở thời điểm nghỉ hưu đang phổ biến hiện nay.
Trước cuộc gặp nội các, Emma Marcegaglia, Chủ tịch tổ chức Confindustria, gọi các biện pháp tiết kiệm là "nặng nề nhưng không thể thiếu", đồng thời nhấn mạnh rằng "10 ngày tới sẽ quyết định liệu đồng euro có tồn tại hay không". Nhưng bà nói rằng, tổ chức của bà sẽ đề xuất với chính phủ xem xét lại việc kết hợp tăng thuế với cắt giảm chi tiêu khi các biện pháp được thông qua.
Thái An (theo Nytimes)