- Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) ngày 6/12, mức cam kết viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong năm 2012 đạt tới 7,386 tỷ USD.
Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất với mức cam kết khoảng 1,9 tỷ USD ODA.
Phát biểu tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy Tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo" sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng tài trợ quốc tế. Trước mắt, chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các dự án ODA nhanh hơn, hiệu quả hơn.Tái khẳng định với cộng đồng các nhà tài trợ, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện hài hòa giữa duy trì ổn định kinh tế với giải quyết các vấn đề môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong đó có việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, các khoản vay ưu đãi khác, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn này.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho hay, bên cạnh nỗ lực cao nhất bằng nguồn nội lực, Việt Nam luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Ảnh: Trường Sơn |
Tái cơ cấu đúng hướng, đúng lúc
Tập trung vào chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo” tại hội nghị CG, các nhà tài trợ quốc tế đã đưa ra những khuyến nghị sống còn đối với Chính phủ cho sức bật của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà tài trợ, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang dồn lực củng cố nền kinh tế và cân nhắc định mức viện trợ phát triển ở nước ngoài.
Dù trải qua một năm kinh tế biến động khó khăn song các nhà tài trợ cho rằng năm qua cũng ghi nhận những thành công của Việt Nam trong xử lý, điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội…
Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng, là một quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh cả mặt tích cực và tiêu cực trước những biến động của kinh tế thế giới. Điều quan trọng là Việt Nam cần có các giải pháp hợp lý trong tái cấu trúc kinh tế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngay trong bối cảnh kinh tế kém sáng sủa ở châu Âu và Mỹ cho thấy kể cả những nước giàu cũng không thể “miễn nhiễm” với khủng hoảng nếu thiếu sự quản lý tài chính vĩ mô mạnh mẽ và những chính sách duy trì khả năng cạnh tranh lâu dài trong bối cảnh khủng hoảng. Bà Victoria Kwakwa lưu ý Việt Nam bài học từ khủng hoảng của thế giới đó là khi xảy ra mất cân bằng vĩ mô, mất ổn định và suy thoái nghiêm trọng, các nền kinh tế khi đó sẽ phải chi ngân sách khôi phục rất lớn.
Một số điểm yếu, dễ tổn thương của nền kinh tế Việt Nam được bắt mạch đó là có tỉ trọng vốn đầu tư nước ngoài lớn và GDP phụ thuộc nhiều vào thương mại, lạm phát cao gần 20%, các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn…
Khối các nhà tài trợ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đồng lòng nhận định Việt Nam đã kiên định với chương trình ổn định kinh tế vĩ mô của mình như được đề ra trong Nghị quyết 11 và đồng tình với Chính phủ, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, "không còn cách nào khác là phải duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt và tái cơ cấu kinh tế".
Song trong giai đoạn khó khăn về kinh tế vĩ mô, EU cũng cảnh báo xu hướng đưa ra các chính sách và các biện pháp mang tính bảo hộ có thể cản trở đầu tư trực tiếp nước ngoài và đưa ra một hình ảnh không có lợi về Việt Nam, một nền kinh tế vốn được coi là cởi mở và hội nhập toàn diện.
"Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam vì đã nhận ra rằng những thiếu sót và nhược điểm của cơ cấu nội tại cần phải được xử lý nhằm phát triển, và đặc biệt nhằm tăng tính cạnh tranh của quốc gia. Mô hình phát triển kinh tế hiện thời của Việt Nam cần phải được hiệu chỉnh để đương đầu với các thử thách mà đất nước gặp phải khi thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020" - tuyên bố chung của EU nêu rõ.
Phát biểu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, bằng sức mạnh nội lực, sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế… trong năm 2011, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự báo cả năm CPI tăng khoảng 18%, lãi suất tín dụng có xu hướng giảm dần, tỷ giá cơ bản giữ được ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên so với năm 2010; nợ công trong giới hạn an toàn; GDP được duy trì khoảng 6%.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn song công tác an sinh xã hội và phúc lợi xã hội vẫn luôn được đảm bảo. Trong năm 2012, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung vào tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp và thị trường tài chính; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; thực hiện mục tiêu giảm khoảng 2% hộ nghèo; tạo 1,6 triệu việc làm mới; duy trì hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế đi liền với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội.Chính phủ Việt Nam cũng quan tâm cải cách hành chính, tạo lập môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới.
Chung Hoàng