- Phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay (4/1), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một trong các trọng tâm của cải cách sắp tới, với nguyên tắc "tất cả quyền lực thuộc về nhân dân".

UBTVQH đã dành cả buổi sáng làm việc đầu tiên của năm mới để thảo luận sơ kết việc triển khai kế hoạch của UBTVQH và Nghị quyết Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật VN.

Tổng thể biên chế đất nước: Không ai quản?

Một trong các tồn tại được nêu trong bản sơ kết là "nhiều bộ thành lập tổng cục, cục chưa phù hợp yêu cầu quản lý nhà nước. Số lượng thứ trưởng, phó vụ trưởng ở một số bộ tăng quá quy định... Đây là một trong các nhược điểm gây tác động xấu đến hiệu quả quản lý của nhà nước, kìm hãm sự phát triển".

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng: Chất vấn là quyền của cá nhân ĐBQH. Việc chất vấn phải được thực hiện tại QH hoặc UBTVQH. Ảnh: LAD
Rất chú ý đến đánh giá này, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phân tích thêm: "Việc sáp nhập các bộ vẫn là nhập cơ học. Con người, trụ sở vẫn như thế... Việc sáp nhập vừa qua chỉ giảm được đầu mối chứ không giảm được biên chế".

Trưởng Ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cũng bổ sung: "Có vẻ như tổng thể biên chế trên cả nước không ai quản, cũng chẳng ai giám sát, kiểm tra".

Ông Tuyên cho rằng, các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội vẫn tình trạng mạnh ai nấy trình biên chế và tổ chức... Nên mới "phình" tổng cục, thừa thứ trưởng.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận, Bộ Chính trị vẫn là tổng công trình sư xây dựng bộ máy nhà nước, nhưng các cơ quan tham mưu thì bị chia cắt.

Theo ông, "trọng tâm của trọng tâm cải cách" giai đoạn tới là sửa đổi Hiến pháp, trong đó, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước là yếu tố quan trọng. Nhưng mọi chuyện hiện vẫn "bùng nhùng" do thiếu tổng công trình sư làm công tác tham mưu.

Rụt rè thể chế hóa quyền con người

Đánh giá hạn chế giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, "việc thể chế hóa quyền con người trong 5 năm qua vẫn còn rụt rè. Nhiều dự án luật đưa vào rồi lại rút ra".

Vì vậy, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 được xem là một trong các trọng tâm của cải cách sắp tới, với nguyên tắc "tất cả quyền lực thuộc về nhân dân". Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ, gắn quyền con người với  lợi ích dân tộc và quyền làm chủ của nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc.

Để xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đảm bảo quyền con người, quyền tự do dân chủ, UBTVQH xác định tập trung nghiên cứu xây dựng, ban hành mới các luật về quyền tự do lập hội, quyền tự do hội họp, quyền biểu tình, quyền được trưng cầu dân ý, quyền tiếp cận thông tin…

Mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để dân tham gia vào công việc của Nhà nước.

Một nội dung khác gây nhiều tranh luận, đó là các định hướng về hoàn thiện chế độ sở hữu với đất đai.

Theo đó, Nhà nước chỉ thu hồi đất của nông dân vì mục đích công cộng được định nghĩa hẹp (phục vụ an ninh quốc phòng, giao thông).

Trong các dự án thương mại khác, chủ đầu tư phải thương lượng để mua lại quyền sử dụng đất của nông dân theo giá thỏa thuận.

Ông Trần Thế Vượng cho rằng, Hiến pháp đã quy định, thu hồi đất của dân cũng phải bồi thường theo giá thị trường. Định hướng như trên dễ gây hiểu nhầm là chỉ thu hồi mà không có bồi thường thỏa đáng. "Đây vẫn là vấn đề bao lâu nay bàn cãi mãi không xong", ông Vượng than thở.

Thiếu tướng làm sao dám chất vấn đại tướng?

Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị làm rõ định hướng sẽ giao Hội đồng Dân tộc và các ủy ban tổ chức chất vấn các thành viên Chính phủ.

Theo dự kiến của UBTVQH, một định hướng cải cách sắp tới là sẽ nghiên cứu giao quyền chất vấn cho Hội đồng Dân tộc và các ủy ban. Tiếp tục chia tách một số ủy ban phạm vi hoạt động rộng.

Ông Vượng cho rằng, chất vấn là quyền của cá nhân ĐBQH. Việc chất vấn phải được thực hiện tại QH hoặc UBTVQH.

Trưởng Ban Dân nguyện cũng tâm tư: "Hệ thống chính trị của chúng ta khác. Đồng chí bộ trưởng là ủy viên Bộ Chính trị, làm sao các ủy ban và Hội đồng Dân tộc dám chất vấn. Nói như Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh, các lãnh đạo ở UB, cao lắm là thiếu tướng, rồi đại tá mà lại đi chất vấn ông đại tướng, liệu có được không?".

Quy định này, theo ông Vượng, là thiếu khả thi. Còn nếu vẫn thực hiện thì nên phân cấp mức độ. Vấn đề nào đưa ra chất vấn tại QH, vấn đề nào ở Thường vụ và ủy ban, nếu không sẽ chồng chéo.

Khả thi nhất là tổ chức các phiên điều trần tại ủy ban.

Nhiều định hướng khác cũng được nêu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011 - 2020. Chẳng hạn xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Theo đó, sẽ hoàn thiện thể chế về sở hữu nhà nước theo hướng tách bạch vai trò của Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế, xã hội và vai trò chủ sở hữu tài sản.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho hay, pháp luật về các thị trường và các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô cũng sẽ được hoàn thiện nhằm hướng đến tối đa hóa hiệu quả kinh tế, chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực nhà nước.

Thời gian tới, sẽ hoàn thiện thể chế tài chính công nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Tạo cơ chế kiểm soát hiệu quả các khoản vay nợ nước ngoài và chi tiêu ngoài ngân sách, kể cả các khoản bảo lãnh của Chính phủ cho các DNNN vay.

Hoàn thiện pháp luật về các thị trường như thị trường bất động sản, từng  bước mở rộng thị trường bất động sản cho người nước ngoài đang đầu tư, sinh sống ở VN.

Tiếp thu các ý kiến ở UBTVQH, ban chỉ đạo sơ kết Nghị quyết 48 sẽ phải tiếp tục hoàn thiện thêm báo cáo và các định hướng cải cách sắp tới.

Lê Nhung