- Chuyện giao thông đã nói quá nhiều, nhưng khi HĐND Hà Nội khóa XIV họp kỳ thứ ba, vấn đề này lại trở nên bức xúc hơn bao giờ hết, khiến Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Quốc Hùng trở thành “nhân vật nóng”.

Nhân họp tổ chiều nay (7/12), ông Hùng “nói thật” câu chuyện đã trở nên nghiêm trọng đến mức chỉ trong chưa đầy một thập niên, Chính phủ đã ra 4 nghị quyết và Ban Bí thư ra một chỉ thị để giải quyết.

Mỗi ôtô “cựa” trong 9 - 11m2

Theo số liệu được ông Nguyễn Quốc Hùng cung cấp, toàn thành phố Hà Nội hiện có gần 3,8 triệu xe máy, hơn 37 vạn ôtô, 3,77 triệu giấy phép lái xe máy, 372 nghìn giấy phép lái xe ôtô.

“Với diện tích mặt đường ở 8 quận nội thành là 5,447 ngàn m2, tổng chiều dài 382 km, quy đổi 4 xe máy bằng một ôtô, thì mỗi ôtô ở Thủ đô chỉ được “cựa” trong 9 - 11m2”, ông Hùng cho biết thêm con số này ở TP.HCM là 13, Đà Nẵng là 17, so với nước ngoài thì Bắc Kinh có 21m2 và Singapore có 23 m2 cho mỗi ôtô.

Lưu lượng xe qua các nút giao thông giờ cao điểm đều vượt 1,5 - 2 lần so với tiêu chuẩn, cá biệt có những thời điểm lên đến 4 - 6 lần, “thế nên chỉ cần một sự cố nhỏ ở một vị trí là sẽ domino gây ùn tắc toàn thành phố”, ông Hùng nói.

GĐ Sở GTVT lấy ngay ví dụ sự cố vừa xảy ra tuần trước, khi đèn giao thông ở nút Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc không hoạt động do mất điện, ùn tắc đã lan ra các tuyến phố xung quanh như Tôn Thất Tùng, Trường Chinh, Nguyễn Ngọc Nại, Ngã Tư Vọng, Chợ Mơ, Mai Động, Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Giảng Võ, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Khâm Thiên, Cửa Nam, Lê Duẩn… Ông Hùng kể một hơi khiến các đại biểu vừa buồn cười, vừa ngạc nhiên.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trong vòng vây báo chí.
Ảnh: Phạm Hải

Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi góp thêm chuyện trong vòng 5 năm, số lượng taxi đã tăng gấp 10 lần, làm dày thêm mật độ giao thông, khiến xe buýt khó phát triển. Thấy việc cấp phép kinh doanh taxi của Sở Kế hoạch - Đầu tư “quá thông thoáng”, ông Khôi nhận xét đây là “chuyện tay phải đập tay trái”.

Ông Hùng cho rằng phát triển taxi cũng vì nhu cầu của người dân, song sẽ có đề án hạn chế, theo đó, các doanh nghiệp muốn hoạt động taxi trong nội thành phải đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng, bị đánh thuế cao “giống như rượu bia, thuốc lá, ôtô nhập khẩu”, đồng thời khuyến khích người dân đi xe buýt giá rẻ thay vì đi taxi giá đắt.

Đất cho đỗ xe biến thành nhà cao tầng

Giao thông tĩnh cũng là vấn đề không kém phần đau đầu. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết nhu cầu đỗ xe trong khu vực nội đô mới chỉ giải quyết được 10%, còn 90% chưa có câu trả lời.

“Không nói đâu xa, họp HĐND hôm nay, xe của đại biểu và quan khách để tràn hết ra đường Đinh Tiên Hoàng”, GĐ Sở GTVT dẫn chứng.

“Đỗ xe là nhu cầu chính đáng của nhân dân, không sắp xếp điểm đỗ thì không đáp ứng được, sắp xếp thì lại bị quy là nguyên nhân gây ùn tắc”, ông Hùng cho rằng đây không chỉ là vấn đề của ngành giao thông mà của toàn thành phố.

Khi ông Hoàng Công Khôi dẫn băn khoăn của cử tri liệu chủ trương chuyển trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cơ quan trung ương ra khỏi nội đô có thể giải quyết vấn đề, ông Hùng không trả lời trực tiếp mà đưa ra một thực trạng đáng buồn: đưa được nhà máy, xí nghiệp ra thì thay vào đó là nhà ngày càng cao tầng.

“Đất đã quy hoạch thành bãi đỗ xe giờ biến thành trung tâm thương mại, trụ sở cơ quan nhà nước”. Ông còn cho biết thêm: Sơ bộ trong khu vực vành đai 2 trở vào, có 176 dự án nhà cao trên 10 tầng, nhưng các tòa nhà này chỉ đáp ứng 25 - 30% nhu cầu đỗ xe của chính người dân sống trong đó, “còn lại đều tràn ra ngoài đường”.

Ông Hùng đề nghị các đại biểu nhìn thẳng vào thực tiễn: Mỗi người dân đều đang góp phần vào con số tăng trưởng ôtô, xe máy; nhu cầu phát triển kinh tế xã hội không thể ngừng lại, tất cả hoạt động từ kinh doanh, buôn bán, dịch vụ, thương mại, bưu chính, viễn thông, điện lực… đều đổ ra mặt đường.

“Đây là bài toán mà bất kỳ đô thị lớn đang phát triển nào trên thế giới đều mắc phải, muốn giải quyết phải có lộ trình và cần sự bình tĩnh”, GĐ Sở Giao thông Hà Nội nhận định.

Chung Hoàng