- Chính phủ xác định rõ 7 phương hướng tái cơ cấu DNNN thời gian tới, trong đó làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang khó khăn về tài chính.
Đây là một trong các nội dung được nêu trong hội nghị diễn ra hôm nay (8/12) tổng kết 10 năm đổi mới DNNN và phương hướng tái cơ cấu 5 năm tới.
Chưa tương xứng nguồn lực
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Lê Nhung |
"Về cơ bản, vốn nhà nước đầu tư được bảo toàn và phát triển. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của đa số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong giới hạn cho phép", ông Muôn đánh giá.
Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng phân tích nhiều tồn tại, hạn chế.
Chẳng hạn, vẫn còn một số tập đoàn, tổng công ty đã thành lập các công ty con, đầu tư ngoài ngành thiếu kiểm soát làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng hiệu quả sử dụng vốn. Một số DN có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao hơn mức quy định.
Sau 10 năm, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ. Trình độ công nghệ của đa số DNNN vẫn ở mức thấp và chưa tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh với hoạt động công ích.
Còn nhiều DN thua lỗ, sự lãng phí, thất thoát nguồn lực còn lớn, nhất là trong khai thác, xuất khẩu tài nguyên, xây dựng cơ bản và mua sắm thiết bị... Đã xảy ra một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến uy tín của DNNN.
Trong khi đó, quản trị DN chậm đổi mới và tiến độ cổ phần hóa 3 năm gần đây đã chậm lại. Công tác quản lý đầu tư, quản lý tài chính, quản lý rủi ro và thực hành tiết kiệm còn lỏng lẻo gây lãng phí, thất thoát. Vẫn còn hiện tượng các công ty mẹ với tư cách chủ sở hữu can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động của công ty con. Việc thuê tổng giám đốc giỏi điều hành DN mới chỉ thực hiện ở 3 đơn vị nhưng chưa sơ kết và hiệu quả cũng chưa rõ rệt.
Một trong các nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vấn đề trên là do còn lẫn lộn trong chức năng quản lý hành chính nhà nước, chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước với DNNN. Việc phân công, giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại các DN vẫn còn phân tán, chồng chéo, lúng túng và trách nhiệm chưa rõ ràng.
Chế tài xử lý với cán bộ quản lý DNNN có sai phạm chưa cụ thể và chưa đủ nghiêm.
Sau 10 năm, cả nước sắp xếp được 4.757 DN, cổ phần hóa 3.388 DN. Trong đó có 14 tổng công ty được sắp xếp theo hình thức: giải thể, sáp nhập, chia tách. Đã tổ chức lại 8 tổng công ty 91 và 12 tổng công ty 90 để hình thành 11 tập đoàn kinh tế.
Đến tháng 10/2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp.
Tổng vốn chủ sở hữu cuối năm 2010 của các DNNN là trên 700 nghìn tỷ đồng, trong đó, riêng các tập đoàn, tổng công ty là 653 nghìn tỷ đồng. Hiện cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn.
Phá sản 13 doanh nghiệp
Phó Chủ nhiệm VPCP, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Phạm Viết Muôn. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Chính phủ xác định rõ 7 phương hướng tái cơ cấu. Trong đó, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý lương, thưởng để tạo quyền chủ động và góp phần thu hút lao động chất lượng cao. Xác định rõ chỉ tiêu để phân biệt giữa các DNNN có lợi thế và DNNN không có lợi thế từ việc được Nhà nước giao, quản lý, sử dụng các nguồn vốn, tài sản, tài nguyên, khoáng sản, đất đai... khác nhau để khắc phục sự chênh lệch quá lớn về tiền lương và thu nhập do lợi thế khách quan mang lại.
Tùy điều kiện để cổ phần hóa đồng thời với tổ chức hợp nhất, sáp nhập các DN cùng ngành nghề. Trong đó tập trung các lĩnh vực viễn thông, xây dựng, thương mại, giao thông... Thực hiện giải thể, phá sản 13 DN.
31 DN sẽ được tái cơ cấu bằng phương án thị trường như mua bán, chuyển nhượng, tái cơ cấu nợ hoặc bán cho người lao động.
Thực hiện thoái vốn ở các DN đã cổ phần hóa. Hạn chế việc Nhà nước nắm giữ cổ phần không chi phối. Việc thoái vốn phải thực hiện công khai, minh bạch.
Nghiên cứu và chuẩn bị điều kiện để từ 2015 - 2020 sẽ cổ phần hóa 27 tập đoàn, tổng công ty. Nhà nước sẽ giữ cổ phần chi phối trên 65% hoặc 75% vốn tại 11 đơn vị như EVN, Tập đoàn Dầu khí, Than khoáng sản, Bưu chính viễn thông, Vinashin, Vinalines...
Những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang khó khăn về tài chính cần phải được làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý liên quan. Mặt khác, cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng chuyển nhượng, sáp nhập dự án, khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cần thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.
Để thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu, sẽ bố trí đội ngũ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực, phẩm chất. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm soát nội bộ, chú trọng kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời phòng ngừa và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Công khai minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, phân phối thu nhập, công tác cán bộ.
Thời gian tới, sẽ làm rõ việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu với DNNN giữa Chính phủ, Thủ tướng và Hội đồng thành viên, giám đốc DNNN. Chú trọng làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đặc biệt là cá nhân người đứng đầu để có biện pháp xử lý sai phạm.
Ông Phạm Viết Muôn cũng trình bày sơ lược 14 giải pháp chính, giao việc cụ thể cho các bộ, ngành để thực hiện 7 định hướng tái cơ cấu trên. Chẳng hạn, Bộ Tài chính phải nhanh chóng xây dựng quy chế giám sát tài chính, cơ chế xử lý nợ. Bộ LĐTB&XH xây dựng quy định quản lý tiền lương...
Các bộ phải hoàn thành quy định trước tháng 4/2012 để trình Thủ tướng xem xét, ban hành.
Thời gian tới cần nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường và quy định của nhà nước trong cổ phần hóa DNNN, không để xảy ra tiêu cực và thất thoát tài sản hay ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Đẩy mạnh việc niêm yết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cổ phần hóa trên thị trường trong và ngoài nước. "Coi đổi mới, phát triển DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm chức năng của chủ sở hữu với doanh nghiệp do mình được giao làm đại diện chủ sở hữu, nhất là công tác kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện yếu kém", ông Muôn khẳng định.
Hội nghị sẽ dành cả ngày để nghe các báo cáo từ nhiều bộ ngành và ý kiến thảo luận. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị, cùng hai Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Hoàng Trung Hải.
Sau 2015, cả nước còn 692 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được tổ chức thành 44 tập đoàn, tổng công ty với 150 công ty con 100% vốn (10 tập đoàn, 5 tổng công ty 91 và 26 tổng công ty thuộc Bộ, 3 tổng công ty thuộc địa phương). Đến 2020 còn 17 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 200 DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, an ninh, quốc phòng và công ích. Nguồn: Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp |