Phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên hy vọng các cuộc thương lượng nghiêm túc về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể được khởi động sớm.

Bình luận trên do ông Stephen Bosworth đưa ra khi tới Seoul trong một nỗ lực ngoại giao mới của Mỹ nhằm đàm phán chấm dứt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Phái viên Mỹ Stephen Bosworth tới Hàn Quốc, thúc đẩy biện pháp ngoại giao làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã ở mức cao nhất kể từ khi chiến tranh 1950 - 1953 chấm dứt sau vụ chìm tàu chiến của Hàn Quốc làm 46 thủy thủ thiệt mạng và vụ đấu pháo giữa hai miền.

"Chúng tôi tin rằng, những cuộc thương lượng nghiêm túc phải là trung tâm của bất kỳ chiến lược nào với Triều Tiên, và chúng tôi trông đợi nó sẽ diễn ra ở thời gian sớm thích hợp”, ông Bosworth nói.

Bình Nhưỡng đã hai lần thử hạt nhân những năm gần đây và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân mặc dù các chuyên gia cho rằng, họ không có công nghệ chế tạo ra một quả bom nguyên tử.

Ông Bosworth sẽ gặp gỡ các quan chức ngoại giao Hàn Quốc ngày mai trước khi tới Trung Quốc và Nhật Bản cho các cuộc trao đổi, tham vấn về Triều Tiên trong tuần này.

Phái viên Mỹ về đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, Sung Kim, cũng đi cùng ông Bosworth tới Seoul và Bắc Kinh.

Mặc dù vài ngày gần đây, hai miền Triều Tiên đưa ra đề xuất có thể hội đàm, song giới phân tích cho rằng, cơ hội có sự đột phá không lớn.

Trung Quốc cũng kêu gọi tái khởi động bàn đàm phán sáu bên gồm hai miền Triều Tiên, Nhật, Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Mỹ và Hàn Quốc từng tuyên bố trước khi trở lại đàm phán quốc tế, họ muốn thấy những bước đi cụ thể từ Triều Tiên trong tiến trình giải trừ hạt nhân.

Moon Jung-in, một giáo sư chính trị tại Đại học Yonsei ở Seoul nói, Hàn Quốc để ngỏ khả năng hội đàm vì quan điểm “cứng rắn” về Triều Tiên đã thất bại. "Chiến lược ngoại giao cứng rắn không mang lại kết quả”, ông viết trên nhật báo JoongAng.

Triều Tiên cũng muốn trở lại hội đàm, để đổi lại thỏa thuận viện trợ. Đàm phán sáu bên bị ngừng trệ hơn hai năm trước sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố rút lui.

Ông Bosworth cho hay, ông không tới khu vực để đưa ra một đề xuất của Mỹ nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán, nhưng chuyến công du là một phần của tiến trình phối hợp trong hy vọng khởi động các cuộc hội đàm. "Cơ bản chúng tôi ở đây là tham vấn và phối hợp. Tôi hy vọng được nghe nhiều hơn nói”, ông nhấn mạnh.

Ông cho hay, Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc về vấn đề này. "Chúng tôi đang làm việc cùng nhau rất hiệu quả. Tôi nghĩ chúng ta chia sẻ nhiều mối quan tâm chung về thế giới, khu vực và đặc biệt trên bán đảo Triều Tiên”.

Theo lịch trình, trong tháng này, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Nhật Bản tuần tới sẽ gặp nhau ở Seoul để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ quân sự hai bên.

Hôm nay, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara tuyên bố, nước này để mở khả năng đàm phán trực tiếp với Triều Tiên. Tuyên bố đưa ra sau những thông điệp năm mới với hy vọng hội đàm của cả Seoul và Bình Nhưỡng sau nhiều sự kiện gây căng thẳng giữa hai miền.

"Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường có khả năng để chúng tôi tăng cường nỗ lực nhằm tiến hành hội đàm trực tiếp trong năm nay”, ông Maehara nói.

Thái An (Theo AP, Reuters)