Đến hồ Hữu Tiệp ngày cuối năm, khi quân và dân Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 39 năm sự kiện Điện Biên Phủ trên không, từ xa đã nhìn thấy biển chỉ dẫn màu xanh trên cắm ngay đầu ngõ Ngọc Hà về di tích có một không hai này.
Đoạn đường dẫn vào hồ dọc hai bên đường san sát nhà cửa. Người ta bán cả hàng rong ven ngõ vào buổi sáng làm cho lối đi khá chật. thịt, cá, rau xanh, đồ ăn..., tất cả bày la liệt chiếm cả lối đi lại. Nếu không kiên nhẫn, khó có thể đi tiếp để tới nơi mà mình muốn đến dù cho từ ngõ đến di tích chỉ khoảng 300m.
Xác chiếc máy bay rơi nằm giữa lòng hồ Hữu Tiệp. Khoảng thời gian 39 năm đủ làm cho những gì còn lại của chiếc máy bay bị không quân Việt Nam bắn rơi năm nào trông giống như một đống sắt. Vậy mà "đống sắt" ấy lại là niềm tự hào của người dân phường Ngọc Hà.
Di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp và phần còn lại của chiếc máy bay B52 rơi. Ảnh: Phương Mai |
Bà Nguyễn Thị Thìn, 74 tuổi, không còn nhớ chi tiết những gì đã diễn ra đêm B52 bị bắn rơi, nhưng nhớ rất rõ rằng khi máy bay rơi xuống lòng hồ thì nước hồ trào ra nóng bỏng chân và làm cá chết hàng loạt. "Ngay sau đêm đó, buổi sáng tôi chạy sang đồn công an xem dân ta bắt được giặc lái. Sau đó, tôi quay trở về làng và chạy sang nhà bà Bính thì được biết chồng bà và mấy người khác đã bị quả bom rơi xuyên qua tường làm sập hầm và chết, tội nghiệp quá".
Theo bà Lê Thị Quế, một người
con của làng hoa Ngọc Hà ngày đó, "Hữu Tiệp” trong chữ Hán nghĩa là “có tin chiến
thắng”. Thật ngẫu nhiên khi ông cha ta đặt tên cho chiếc hồ này giống như một
lời đoán trước là con cháu sẽ lập nên chiến công. Hồ này nằm trong tổng thể các
di tích của trận “Điện Biên phủ trên không” cuối năm 1972 chấn động thế giới.
Đây là địa điểm duy nhất mà máy bay B52 rơi trong nội thành và cũng là di tích
duy nhất còn đến nay trong trạng thái ban đầu.
"Ngày ấy tôi còn bé lắm, chỉ 2 tuổi thôi nên không nhớ về đêm đó. Nhưng sau này, khi tôi lớn lên, cha mẹ tôi đã kể rất nhiều về sự kiện quân và dân ta bắn rơi máy bay B52 của Mỹ vào những ngày cuối đông năm 1972", anh Dương Hưng Điềm nói.
Bạn bè trang lứa của anh Điềm giờ ít người còn ở làng Ngọc Hà. Họ lớn lên, lập gia đình, nhiều người đã chuyển tới nơi ở mới. Thỉnh thoảng, mỗi khi có dịp quay trở lại làng xưa, họ không quên ra ngắm lại vết tích của chiếc máy bay rơi dạo đó.
"Lúc đầu chỉ là tò mò, sau rồi khi biết được lý lịch của "đống sắt" ấy, lũ chúng tôi thường xuyên tìm cách tiếp cận", vừa hút thuốc lá, anh Điềm vừa kể về những năm thơ ấu. "Ngày xưa nước hồ Hữu Tiệp rất trong. Hồ rộng, nước trong nên hầu như mùa hè ngày nào bọn trẻ chúng tôi cũng ra hồ bơi. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn bảo nhau trèo lên xác chiếc máy bay đó và dận dận như kiểu trẻ con chơi thú nhún bây giờ", anh Điềm nhớ lại. "Chúng tôi rất tự hào về việc hồ Hữu Tiệp là một di tích lịch sử được công nhận và chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để bảo vệ di tích đó trong điều kiện có thể".
Ngày nay quanh hồ Hữu Tiệp hình thành một chợ tạm. Buổi sáng, có rất nhiều người từ các tỉnh lân cận chở hàng tới bán và khi kết thúc buổi chợ, họ thường xả luôn đồ thừa xuống lòng hồ. Dân số Ngọc Hà ngày càng tăng trong khi cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh chưa đáp ứng kịp. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới khung cảnh chung của di tích. "Hệ thống thoát nước ở đây kém, dân tứ xứ xả rác bừa bãi xuống hồ làm nước hồ bị ô nhiễm. Tôi cảm thấy phần còn lại của chiếc máy bay rơi càng ngày càng hoen rỉ đi. Cách đây ít lâu, đứng ở bờ đông còn thấy rõ phù hiệu không quân Mỹ với một ngôi sao màu trắng nằm trong vòng tròn đen, ở giữa có hai vạch trắng. Nhưng giờ thì chả còn nhìn thấy nữa", anh Điềm nói.
Cách đây chừng 20 năm, người ta trục vớt phần còn lại của chiếc máy bay bị bắn rơi, xây bệ và đặt nó lên cao. Quân đội cũng thường xuyên phối hợp với UBND phường cử người đi thuyền nan ra vớt rác thải dưới lòng hồ. Xung quanh hồ đã được xây tường bao đảm bảo an toàn cho dân sống quanh đó cũng như tạo điều kiện cho khách du lịch đứng chụp ảnh và quan sát hồ. "Chúng tôi rất mong chính quyền các cấp sẽ quyết liệt và có biện pháp thiết thực hơn để bảo vệ di tích hồ Hữu Tiệp, để con cháu sau này, khi ngắm lại xác chiếc máy bay rơi sẽ nhớ về một thời lửa máu của ông cha", bà Thìn bày tỏ.
Phương Mai