- Thúc đẩy đầu tư Mỹ vào Việt Nam và tăng cường giao thương giữa hai nước là một trong những mục tiêu ưu tiên của Đại sứ David Shear. Ông hy vọng khi kết thúc nhiệm kỳ, ông sẽ đi đủ 63 tỉnh thành của Việt Nam. Hôm qua (16/12), ông có chuyến đi về Thái Bình.



Phút thư giãn của Đại sứ David Shear tại quán cà phê Cát Tường, TP Thái Bình, trong khi chờ đến giờ gặp lãnh đạo UBND tỉnh. Đại sứ nói rằng nếu không có chương trình làm việc ở đây, ông sẽ ngồi tiếp và lấy sách ra đọc - một trong những thú vui của cả hai vợ chồng ông trong những lúc rảnh rỗi ở Hà Nội.

Lắng nghe lãnh đạo tỉnh giới thiệu về địa phương, trước khi đề nghị giới thiệu giúp các nhà đầu tư, kinh doanh từ Mỹ, là một trong những việc mà Đại sứ Shear thường xuyên làm trong những chuyến đi về các địa phương.

Câu nói của Chủ tịch Thái Bình, sau khi nhận quà tặng là cuốn sách “Công viên Quốc gia của Mỹ”, rằng ông nhất định sẽ tới thăm công viên này, khiến Đại sứ Shear rất vui. Thế là ông đã quảng bá được về đất nước cho ít nhất một người Việt Nam nữa - một nhiệm vụ của bất kỳ nhà ngoại giao nào.

Trong lúc chờ cơm trưa ở nhà hàng “Cây Trầu”, người lái xe đã mời Đại sứ Shear thử uống nước vối. Trên đường về, ông hỏi liệu có thể tìm được “nước vối” ở Hà Nội không.


Trung tâm Y tế cộng đồng Thái Bình là một dự án được Chính phủ Mỹ tài trợ. Hôm qua, Giám đốc Trung tâm gửi Đại sứ Shear bản tin định kỳ về hoạt động phòng chống HIV/AIDS của cơ sở này. Bà nói chuyến thăm của ngài Đại sứ đã khích lệ anh chị em của trung tâm cố gắng làm tốt hơn nữa công việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Lễ ký kết khoản tài trợ 30.000 USD từ Quỹ Đại sứ, cho một dự án bảo tồn di sản ở Thái Bình. Đại sứ Shear, sau đó, nói với tác giả rằng đầu tư để phát triển tương lai luôn phải gắn với bảo tồn di sản của quá khứ.


Đại sứ Shear rất thích thú khi được lãnh đạo bảo tàng giới thiệu rằng sân khấu chèo (chiếu chèo), cũng như múa rối nước - hai loại hình nghệ thuật đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ - có nguồn gốc từ Thái Bình. Tìm hiểu văn hóa Việt Nam để cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính phủ và nhân dân hai nước là một ưu tiên khác của Đại sứ Shear trong nhiệm kỳ của mình.


Lãnh đạo bảo tàng Thái Bình giới thiệu cho nhà ngoại giao từ bên kia đại dương một loại phương tiện giao thông thời phong kiến dành cho vua quan, chức sắc, và nói rằng cỗ kiệu này đang cần được trùng tu.


Vẻ háo hức của hai nữ nhân viên bảo tàng khi được chụp ảnh với Đại sứ Mỹ, trong khi người thứ ba đang chờ đến lượt chụp với ông. Khi được hỏi về cảm giác của ông, như một “movies’ star” được nhiều người hâm mộ xin chụp ảnh chung, Đại sứ Shear nói rằng ông rất thích tính cách cởi mở và tự nhiên của người dân Việt Nam. Ông còn nói, khi ký kết khoản tài trợ trùng tu di sản với Giám đốc Bảo tàng, ông thực hiện nhiệm vụ ngoại giao nhà nước, còn khi chụp ảnh kỷ niệm cùng các nhân viên bảo tàng, ông là một nhà ngoại giao nhân dân.

Không hiểu đây có phải cuộc đối thoại đầu tiên mà Đại sứ David Shear tham gia, trong cuộc đời ngoại giao của mình hay không. Nhưng chắc chắn nó sẽ xuất hiện trong mục “Gặp gỡ & Đối thoại” trên Tuần Việt Nam vào thứ năm tuần tới.

Huỳnh Phan