- Kết luận hội nghị triển khai công việc với các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, lãnh đạo các tỉnh phải xông vào cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Mục tiêu là duy trì tăng trưởng 2012 từ 6 - 6,5%.

Phát huy lợi thế từ kiều bào

Theo người đứng đầu Chính phủ, những khó khăn của năm 2012 đặt ra cho lãnh đạo bài toán phải luôn cập nhật tình hình để có phản ứng chính sách phù hợp nhất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Năm 2011 tuy đã đạt nhiều thành tựu quan trọng nhưng yếu kém, thách thức còn nhiều. Phải chuẩn bị tinh thần ứng phó. Trong đó, thách thức lớn nhất là lạm phát vẫn cao. Tuy lạm phát đã giảm nhưng chưa vững chắc, nếu không quyết liệt, nghiêm túc, kiên trì thì lạm phát cao có thể quay trở lại, lúc đó ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bị đe dọa, đảo lộn hết các mục tiêu đã đề ra.

Thủ tướng phân tích, GDP năm 2011 tuy đạt khá (5,9%) nhưng là nhờ phần lớn vào kết quả kích cầu và vốn đầu tư từ năm 2010. Trong khi đó, kinh tế năm 2011 khó khăn nên sẽ khó tạo được đà cho năm 2012. Mục tiêu GDP đặt ra khoảng 6% sẽ là hết sức khó khăn.

Đầu tư công năm 2012 sẽ hết sức khó khăn (chỉ có 180.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ) trong khi nhu cầu rất lớn (chỉ tính riêng các dự án đang triển khai đã gấp đôi số vốn). Đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là số hộ bị thu hồi đất, công nhân khu công nghiệp, người nghèo, thu nhập thấp, người lao động ở nông thôn. Bên cạnh đó, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh trật tự, chủ quyền quốc gia…

Thủ tướng giao việc: Ngành Ngân hàng kiểm soát tiền tệ, Bộ Tài chính bảo đảm giảm bội chi ngân sách xuống 4,8%; Bộ Công thương kiểm soát hàng hóa, ổn định giá cả, kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 10%. Muốn kiểm soát nhập siêu phải đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nội địa có chất lượng, cạnh tranh về giá. “Kinh nghiệm 2011 ổn định được vĩ mô là nhờ nhiều vào giảm được nhập siêu, tăng xuất khẩu, cộng với kiều hối”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng yêu cầu giữ ổn định tỷ giá, giảm lãi suất phù hợp với lạm phát để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông cũng đề nghị các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên vốn cho nông nghiệp. "Các địa phương phải xông vào cùng với DN để tháo gỡ khó khăn. Mục tiêu là duy trì GDP 2012 từ 6 - 6,5%", Thủ tướng nói.

Về tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng yêu cầu phải giảm đầu tư công. Đầu tư công tăng thì dẫn đến nợ công tăng. Nâng cao hiệu quả chất lượng đầu tư công, tập trung cho các công trình quan trọng, cấp bách cả kinh tế và xã hội và đã hoàn thành mà chưa thanh toán; các công trình sẽ hoàn thành trong 2012.

Thứ tư, cần quan tâm an sinh xã hội, đặc biệt là giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, không để giảm sút về giáo dục, y tế. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm 5-10% số vụ tai nạn giao thông, ngăn chặn sự phát triển tội phạm.

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng sẽ phát huy được các lợi thế cạnh tranh như: ổn định chính trị xã hội, nền nông nghiệp quy mô lớn và đội ngũ kiều bào đông đảo.

Rà soát tín dụng đen

Trước đó, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã đăng đàn giải đáp nhiều băn khoăn của các tỉnh về chuyện lãi suất ngân hàng, điện...

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định mục tiêu tín dụng ngân hàng năm 2012 tăng không quá 20%.

“Trong 10 năm qua, tăng trưởng tín dụng trung bình là 29%/năm; 5 năm gần đây 33%/năm. Khi tăng trưởng tín dụng ngân hàng xuống 20% thì đương nhiên ít nhất 10% DN không tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng ngân hàng chỉ là 12%, vì vậy các DN khó tiếp cận vốn ngân hàng là dễ hiểu. Chúng ta làm chặt vậy mà lạm phát vẫn 18%. Nếu cứ tăng như các năm trước thì lạm phát phải 30%, lúc đó Việt Nam sẽ siêu về lạm phát và đạt giải quán quân thế giới”, ông Bình phân tích.

Trước "kêu ca" của các tỉnh về  lãi suất cao khiến DN gặp khó, ông Bình giải thích, chính sách nào cũng có hai mặt, có những hệ lụy. Việc một số DN khó tiếp xúc vốn ngân hàng là có thực, nhưng DN phải chia sẻ với tình hình khó khăn chung. Bất cứ chính sách nào đưa ra cũng sẽ có một bộ phận DN hoặc người dân chịu hệ quả. Đầu 2012, sẽ có những chính sách phù hợp như giãn, hoãn, khoanh nợ cho một số đối tượng để giảm bớt khó khăn.

Về vấn đề lãi suất, một số địa phương cho rằng cần nâng cao lãi suất huy động, đồng thời nên áp dụng trần cho vay thay vì trần huy động như hiện nay.

Ông Bình dí dỏm: "Bản thân tôi cũng muốn khi đi vay thì thấp và gửi thì lãi phải cao. Nhưng điều này phải hài hòa, phải bảo đảm cả lợi ích người vay và cho vay. Vừa qua khi áp dụng trần lãi suất huy động, do làm không nghiêm nên các ngân hàng đua nhau lãi suất huy động, cho vay. Đến khi ngân hàng kiên quyết làm trần lãi suất huy động là 14%/năm thì mới phần nào lập lại trật tự".

Ông Bình khẳng định, giảm được lạm phát thì sẽ có điều kiện để giảm lãi suất.

Về vấn đề tín dụng đen đang có chiều hướng bùng phát, Thống đốc cho rằng khi dân khó tiếp cận vốn ngân hàng thì tín dụng đen sẽ phát triển. “Vừa qua, có một số cán bộ ngân hàng thương mại cấu kết với đối tượng bên ngoài để làm tín dụng đen, điều này sẽ phải xử lý nghiêm. Tới đây sẽ rà soát chặt chẽ để giảm tín dụng đen”, ông Bình cam kết.


Lê Nhung

Thủ tướng: Năm 2012 không thể chủ quan
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý năm 2012 không thể chủ quan. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Vẫn còn khả năng lạm phát cao sẽ quay trở lại.
 
2012: Dành tiền cải cách lương công chức
Chính phủ và các bộ ngành, địa phương hôm nay họp tổng kết công việc năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012.
 
Chủ tịch tỉnh muốn có thêm sân golf
Tranh thủ ít phút đăng đàn tại hội nghị triển khai kế hoạch 2012 của Chính phủ, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung ngỏ ý muốn đầu tư thêm 2 - 3 sân golf để đáp ứng nhu cầu người chơi.
 
Thống đốc NHNN mong 2012 ổn định thị trường vàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mong muốn năm 2012 sẽ ổn định được thị trường vàng, bước đầu chống đô la hóa và hạn chế chi tiêu tiền mặt.