- Ai đã chứng kiến, chắc sẽ không quên cuộc chất vấn tới cùng cách đây gần 5 năm giữa Chủ tịch QH Nguyễn Văn An và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân về trách nhiệm khi tham mưu cho Chính phủ trong quy hoạch đô thị. 


Ai đó đã nói câu rất chí lý: Một khi ĐBQH chưa cảm thấy "sức mạnh" của mình, thì chứng tỏ QH vẫn chưa thực hiện tốt vai trò cơ quan quyền lực cao nhất.

Khác với một QH luôn chỉ biết tán thành và nhất trí cao với các chủ trương đã rồi của Chính phủ, gần đây nhiều phiên chất vấn nảy lửa của các vị ĐBQH với các thành viên Chính phủ về những vấn đề quan trọng của đất nước phần nào cho thấy một QH đổi mới, luôn đồng hành cùng dân tộc.

Cách đây 5 năm, ở phiên họp sáng 27/4/2006, Ủy ban Thường vụ QH, khóa XI đã chứng kiến chuyện chưa từng xảy ra trước đó: người cầm trịch - Chủ tịch QH Nguyễn Văn An chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân:       

                                                                           
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân (phát biểu tại phiên họp):

Phạm trù quản lý đô thị hiện nay có rất nhiều bất cập! Cách đây 14 năm, lúc bấy giờ tôi còn ở doanh nghiệp lập một dự án đường Trần Khát Chân (Hà Nội), Nhà nước không mất đồng tiền nào cả. Chúng tôi quy hoạch con đường gồm có cả kiến trúc hai bên đường... và việc di dời, giải tỏa là doanh nghiệp cổ phần phải lo.

Chủ tịch QH Nguyễn Văn An và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ

Bài toán đó làm xong rồi nhưng các cơ quan Nhà nước vào thời điểm bấy giờ không đồng tình phương án di dời là làm nhà chung cư cao tầng đưa dân lên. Xét về mặt hiệu quả thì Nhà nước không mất tiền, lại có được con đường, thứ hai là tôi bảo đảm kiến trúc cảnh quan của hai bên đường. Nhưng cuối cùng Thành phố bỏ tiền, bỏ ngân sách ra để làm con đường, từ đó kiến trúc hai bên đường không quản lý được vì nhà dân cứ tự tiện xây.

Điều quan trọng nữa là nhà đang ở mặt tiền mà phải đi, đi được nhận tiền đền bù ít, nhà đang trong ngõ trở thành mặt tiền, cho nên phát sinh khiếu kiện. Đây là cách làm của chúng ta, con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa ở Hà Nội (chỉ dài vỏn vẹn 1.082m, mà dự kiến phải chi trên 750 tỷ đồng - tức là khoảng trên 40 triệu USD/km - PV) là một điển hình và nó trở thành con đường đắt nhất hành tinh, vì tiền đó là tiền đền bù.

Hôm trước, tôi phát biểu ở Chính phủ khía cạnh nếu Nhà nước ta quản lý đô thị như thế thì chúng ta mất rất nhiều tiền mà không thể nói người ta tham nhũng, tham ô thất thoát gì cả, vì theo dự án được phê duyệt làm gì có con đường hơn 1km mà trăm tỷ thế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Tôi muốn hỏi thêm trên thế giới có nước nào làm như nước mình không?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Thưa Chủ tịch, những nước phát triển họ có kinh nghiệm hơn mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Điều này thì hiểu rồi, nhưng tôi muốn hỏi anh câu thứ hai là cách đây 14 năm anh đề xuất như thế, theo tôi rất đúng, vậy nguyên nhân tại sao các ngành họ không chịu? Tại sao họ lại không đồng ý?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Báo cáo Chủ tịch, trước đây đó là một câu chuyện có thật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Tôi muốn hỏi tại sao biết như thế mà không làm?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Có thể có nhiều lý do ạ! Chuyện thứ nhất, người dân di dời ra nhà chung cư vào thời điểm đó thì không ai thích. Thứ hai có thể người ta không tin tưởng là công ty cổ phần có tiền để làm. Thứ ba, người ta suy nghĩ rằng có quyền lấy đất hai bên đường như vậy là lời quá. Thưa Chủ tịch, chủ yếu nhất là họ nghĩ lời nhiều quá!

Đáng lẽ họ nghĩ anh làm như thế có gì trái với pháp luật không, nếu không trái pháp luật thì cho, nhưng đây họ nghĩ lời nhiều quá thì không được. Thưa Chủ tịch, gần đây nhất là một công ty của ngành có cách làm như vậy khi làm đại lộ trên thành phố Yên Bái. Làm con đường 30 m đại lộ nhưng giải phóng 90 m ở hai bên mặt đường và cho công ty quyền kinh doanh quỹ đất 2 bên theo đúng kiến trúc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An
: Cái này cả thế giới họ làm lâu lắm rồi, không cần phải học tập mà người Việt Nam đủ sức làm. Tôi chỉ có một câu hỏi là tại sao nó hiển nhiên như thế mà mình không làm?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Báo cáo với Chủ tịch, đó cũng là suy nghĩ của các cơ quan hữu trách trong việc này. Dự án đó cuối cùng lại không cho làm nữa, lúc đầu tiên thì đồng ý nhưng cuối cùng lại không cho làm. Như thế chúng tôi phân tích câu chuyện này không phải là ở khía cạnh mình kinh doanh quyền sử dụng đất mà xảy ra khiếu kiện. Mà khía cạnh thứ nhất là không có được công trình đẹp, kiến trúc hai bên đường mình không quản lý được. Thứ hai là tạo ra khiếu kiện của người dân, nghĩa là nhà trong ngõ thì được ra mặt tiền được lời, nhà mặt tiền thì phải đi nơi khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An
: Tôi muốn hỏi là trách nhiệm này thì thuộc bộ nào?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Thưa với Chủ tịch, trách nhiệm của Chính phủ thì rõ rồi, còn trách nhiệm của các bộ thì Bộ Xây dựng có một phần.

Có một chuyện là xuống dưới địa phương quản lý hạ tầng đô thị thì đường là (của ngành) giao thông, lề là xây dựng, cây là môi trường, rác là môi trường, điện là sở điện. Xuống dưới cấp tỉnh bây giờ là quản lý như thế, không phải một sở nào cả. Ở địa phương Sở Xây dựng không chịu trách nhiệm việc ấy, Sở Giao thông cũng không chịu trách nhiệm việc ấy, chỉ tham mưu cho cấp chính quyền UBND tỉnh thì dẫn đến chuyện đó.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Tôi nói đường thì khó, nhưng bây giờ ngay đô thị, tôi muốn hỏi anh Quân đô thị ai chịu trách nhiệm?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Báo cáo Chủ tịch! Ngay trong văn kiện Đại hội Đảng vừa rồi, họp tổ tôi cũng góp ý là mảng đô thị của chúng ta nói rất mờ nhạt. Đối với đô thị của ta hiện nay cũng có rất nhiều bất cập.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An
: Anh trả lời vòng vo xa quá, tôi chỉ hỏi chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ và giúp Chính phủ quản lý là ai?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân
: Thưa Chủ tịch! Kiến trúc quy hoạch là Bộ Xây dựng, không phải về đất đai, không phải về con đường, đấy là đặc thù đô thị. Bộ Xây dựng làm quy hoạch được duyệt, hướng dẫn về quy hoạch, kiến trúc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Cái mà anh tham mưu cho Chính phủ là quy hoạch xây dựng một đô thị, lấy nó nuôi nó, cái đó anh đề xuất đầu tiên, tức là trách nhiệm của Bộ chứ. Trách nhiệm của Bộ đề xuất nhưng không được Chính phủ, không được các ngành ủng hộ.

Tổng hợp về trách nhiệm thì theo tôi phải là Bộ Xây dựng. Cách đây 14 năm anh đã đề xuất mà không được Chính phủ chấp nhận, theo tôi anh vẫn phải chịu trách nhiệm chứ không phải Chính phủ không chấp nhận là anh không phải chịu trách nhiệm. Mình làm chưa tới mức thấu tình đạt lý thì vẫn là trách nhiệm của Bộ Xây dựng.

Trách nhiệm không có nghĩa là xem xét, kỷ luật đâu, nhưng trách nhiệm về tinh thần, trách nhiệm với nhân dân. Như anh nói ''mỗi người một mẩu'' thế thì ai chẳng biết, nhưng tổng hợp lại tham mưu cho Chính phủ chết cũng phải nói! Hôm nay nói chưa nghe thì mai nói tiếp, về hưu vào câu lạc bộ vẫn nói. Giống như ông Chanh vào câu lạc bộ thủy lợi, ông đến Quốc hội ông cãi tới cùng về thủy điện Sơn La. Tôi đề nghị nếu sau này anh Quân có làm to nữa nhưng về hưu vẫn cứ phải nói.

Tôi không được đi nhiều nhưng chẳng có nước nào xây dựng như ở nước ta, không có nước nào đi lại như ở nước ta, không có nước nào xây dựng nhà như ở nước ta! Tôi có phát biểu ở đây là ''nhà ta ta cứ xây, đường ta ta cứ đi, ruộng ta ta cứ cày''
.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Nhân Chủ tịch nêu vấn đề vừa quan trọng, nhưng cũng là thiết thực tôi cũng xin nói. Trách nhiệm đúng là của Bộ Xây dựng. Nhưng thưa Chủ tịch, là Chính phủ cũng phải phân cấp vì một câu chuyện cụ thể, một dự án cụ thể lại là việc của chính quyền đô thị. Chính quyền đô thị của chúng ta hiện nay còn đang nghiên cứu vì hiện nay chính quyền đô thị chúng ta ''cào bằng'' cũng như chính quyền các tỉnh bình thường.

Cho nên, một vấn đề được nêu ra dù bất kỳ là ai, theo tiềm thức của người nêu ra là đúng, nhưng người nghe có thẩm quyền người ta cho là chưa đúng. Đó là vấn đề nhận thức người ta chưa đúng, chưa đúng thì người ta không đồng tình thì nó lại thuộc về chuyện đúng sai. Còn riêng Bộ Xây dựng thì Chủ tịch nói rất đúng là trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
                                                                  *
                                                                 * *

Những phiên chất vấn như vậy được dư luận nhìn nhận là dấu hiệu của một xã hội có những sinh hoạt dân chủ.

Vì suy cho cùng, hoạt động chất vấn được sinh ra là để QH thực hiện quyền giám sát, thu thập và kiểm chứng thông tin, từ đó buộc Chính phủ phải hoạt động hiệu quả hơn, vì lợi ích của nhân dân.

Và một Quốc hội không ngại va chạm, dám chất vấn, chất vấn tới cùng chính là thể hiện trách nhiệm trước cử tri, trước quốc dân đồng bào.

Thu Hà - Lê Nhung